Vùng Đông Nam Bộ tăng kết nối du lịch

Được đánh giá là cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, các tỉnh thành Đông Nam Bộ tiếp tục có nhiều hoạt động gắn kết nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển toàn diện du lịch vùng.
1406dong-nam-bo-1-1718588363.jpg
Các thành viên Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khảo sát vườn trái cây Sáu Hùng (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh, Đồng Nai)

Thêm dữ liệu làm mới tour

Trong khuôn khổ Lễ hội trái cây Long Khánh 2024, ngày 12/6 các Hiệp hội Du lịch vùng Đông Nam Bộ (nhóm STA) đã thực hiện famtrip khảo sát các điểm đến thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc và TP.Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), tham quan nhà vườn tiêu biểu trồng trái cây đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mít… đang mùa chín rộ, trải nghiệm thiên nhiên sinh thái trong lành tại KDL Núi Chứa Chan - chùa Gia Lào (huyện Xuân Lộc).

Đây là hoạt động hiện thực hóa các nội dung của chương trình kết nối du lịch được các tỉnh, thành Đông Nam Bộ ký kết từ năm 2020. Hoạt động trên giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong khu vực Đông Nam Bộ có cái nhìn tổng thể sản phẩm nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Đồng Nai. Từ đó xây dựng tour, tuyến khai thác thế mạnh vườn tược đặc trưng của Đồng Nai quảng bá thu hút du khách trong mùa du lịch hè 2024.

Tham gia đoàn khảo sát, bà Đặng Ngọc Ánh, Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, thành viên Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh chia sẻ cảm giác phấn khích khi được ùa vào vườn hái và thưởng thức trái chín. “Tôi cũng mua được nhiều chôm chôm java chín vừa làm nguyên liệu chế biến món gà nấu chôm chôm”, bà Đặng Ngọc Ánh khoe.

Ngày 13/6, cũng tại TP.Long Khánh, nhóm STA tham dự tọa đàm liên kết, hợp tác phát triển mô hình du lịch nông thôn, văn hóa tín ngưỡng huyện Xuân Lộc và TP.Long Khánh. Tại đây, các đại biểu trong nhóm có cơ hội gặp gỡ lãnh đạo địa phương, nêu nhiều ý kiến đóng góp nâng cao chất lượng điểm đến như: xây dựng những sản phẩm du lịch có câu chuyện truyền tải cảm xúc đến khách du lịch, nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Ông Cao Quang Đào, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Công đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, từ lâu Du lịch Công Đoàn đã khai thác tour khám phá hệ sinh thái rừng Nam Cát Tiên, tour thăm vườn trái cây Long Khánh mùa hè hoặc tour liên tuyến lên rừng xuống biển kết nối các điểm đến Đồng Nai với Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch tại điểm đến luôn có sự biến động không ngừng.

“Chuyến khảo sát này rất ý nghĩa, giúp DN lữ hành được “chạm” vào để hiểu hơn sản phẩm, những điểm đến mới hình thành, từ đó có cái nhìn tổng thể về điểm đến, cũng như công tác kết nối để mạnh dạn xây dựng tour tuyến đa dạng hơn chào bán cho du khách”, ông Cao Quang Đào nói.

1406dong-nam-bo-2-1718588422.jpg
Đồng Nai giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Châu ro qua hoạt động giao lưu lửa trại tại Cầu Dầu Glamping (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh)

Gắn kết tạo sức mạnh cho toàn vùng

Từ năm 2020, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ bắt tay ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch giai đoạn 2020-2025 với tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Nội dung hợp tác gồm kết nối tour, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá, mời gọi đầu tư về du lịch, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối về giao thông...

Các hoạt động liên kết được đánh giá thực chất, có chiều sâu. Các địa phương trong vùng đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Nhiều hoạt động quảng bá, ưu đãi kích cầu, hội chợ triển lãm, tuần lễ du lịch, ẩm thực được tổ chức hội tụ các địa phương trong vùng tham dự.

Những “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông kết nối vùng cũng dần khơi thông cả đường bộ, thủy, hàng không. Cụ thể, sân bay Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang thi công; đường vành đai 4, đường sắt… đang khởi động. Thời cơ vàng thúc đẩy phát triển toàn diện vùng, trong đó có du lịch đã đến.

Năm 2024, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Sở Du lịch là cơ quan thường trực làm đầu mối phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, triển khai thực hiện kế hoạch hiệu quả Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Các hoạt động cụ thể gồm, tổ chức khảo sát, đánh giá và xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề mới và các sản phẩm du lịch đường thủy kết nối TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế khác; áp dụng chính sách kích cầu, khuyến mãi hấp dẫn, góp phần kích cầu du lịch; tham gia đoàn công tác đi làm việc với lãnh đạo Sở Du lịch các tỉnh K’ratie, Stung Treng (Campuchia), Champasak (Lào), UBon Ratchathani (Thái Lan) và khảo sát kết nối phát triển du lịch trong chương trình ký kết du lịch với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan; phối hợp xây dựng hoàn chỉnh bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ vùng Đông Nam Bộ; tham dự các hội chợ, sự kiện về du lịch-văn hóa-ẩm thực…

Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, trong vai trò trưởng Ban đại diện nhóm STA năm 2024, Đồng Nai tiếp tục liên kết các Hiệp hội Du lịch và từng DN điểm đến ở 6 tỉnh, thành với nhau để tạo ra những chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách trong vùng thưởng ngoạn. Bên cạnh đó, các bên thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch, thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch, liên kết và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, kết nối cung cầu hàng hóa và hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho nhau.

"Với mục đích giới thiệu những mô hình mới, những sản phẩm đã cũ nhưng được nâng chất, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong du lịch, từ nay đến cuối năm, STA đã có kế hoạch tham gia famtrip kết nối du lịch Côn Đảo, dự Lễ hội Mùa trái chín năm 2024 tỉnh Bình Dương, caravan đến Bình Phước…”, ông Trần Đăng Ninh cho biết thêm.