Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Về thăm làng mứt Tết Tiền Giang càng trân trọng những người giữ lửa bao năm

Làng mứt dừa ngày Tết tại xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tồn tại gần 30 năm. Nhớ ngày xưa gần Tết đến là làng mứt lại đỏ lửa, nhà nhà tất bật làm mứt, sáng đèn cả đêm.

Mứt dừa Tiền Giang là một trong những loại đặc sản bày bán rất phổ biến vào dịp Tết. Sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, không dùng hoá chất giúp mứt dừa nơi đây được ưa chuộng. Đặc trưng dẻo thơm và vị thanh ngọt, dùng màu tự nhiên từ nông sản giúp mứt dừa Hoà Khánh trở thành món ăn vặt không thể thiếu trong mâm kẹo ngày Tết.  

Những tháng cuối năm, làng mứt dừa Tết tại xã Hoà Khánh lại đỏ lửa, sản xuất hàng tấn mứt dừa đi các tỉnh lân cận và TP.HCM. Hiện nay, các lò mứt nơi đây đang vào vụ Tết, dù tất bật nhưng lại bớt đi phần rộn ràng của ngày xưa. 

untitled-design-6-1706082661.jpg
Người dân bận rộn sản xuất mứt Tết.

Nhớ một thời đông vui làm mứt 

Khi xưa khoảng tầm một, hai giờ sáng lúc sương còn phủ đầy lối đi đã thấy nhiều hộ gia đình tại xã Hoà Khánh tất bật quần áo, dao thớt lũ lượt kéo đến các cơ sở sản xuất mứt dừa gần nhà. Cái độ ấy có hàng chục hộ kinh doanh mứt Tết với hơn trăm lao động cùng nhau sản xuất. 

Nghề làm mứt nơi đây ra đời khoảng 30 năm, từ một vài hộ ban đầu sau đó nhân rộng hàng chục hộ. Theo cô Nguyễn Thị Phượng Liên, gia đình cô là người đầu tiên mở lò sản xuất mứt dừa Tết, sau đó nhiều người học theo, nhân rộng ra cả làng.

untitled-1800-x-2400-px-1706067244.jpg
Dù công việc bận rộn nhưng nụ cười vẫn hé trên môi người thợ. 

“Làm mứt dừa tết thì ai ở vùng này cũng biết nhưng chỉ làm ít để tiếp khách. Bấy giờ thấy mứt Tết bán chạy quá, tôi cũng học theo, tìm nguồn cung, mối bán rồi mở lò. Lúc ấy làm mứt cực hơn bây giờ nhiều, toàn làm từ khuya đến sáng để ban ngày người ta còn lo ruộng vườn, các công việc khác”, cô Liên cho biết. 

Các hộ sản xuất nơi đây chỉ làm từ khoảng mùng 6 đến 20 tháng Chạp, theo đặt hàng của thương lái. Mỗi ngày một cơ sở tiêu thụ khoảng trên dưới 1.000 trái dừa, bếp lò đỏ lửa cả đêm lẫn ngày. 

Các nhân công làm mứt theo hộ gia đình từ 2 đến 3 người. Họ chia nhau mỗi người một công đoạn riêng. Trung bình mỗi ngày một gia đình nhận làm 200 - 300 trái dừa, khi nào xong việc thì về không giới hạn thời gian. Hiện tại, các người thợ nơi đây bắt đầu từ 12h trưa, làm đến 5 - 6h tối.  

1-1706081795.jpg
Việc sên mứt diễn ra từ chiều đến sáng hôm sau.

Trong quá trình sản xuất mứt dừa không bỏ đi một thứ gì cả. Cơm dừa dùng làm mứt, phần vỏ được phơi khô rồi tận dụng làm củi đốt lò để sên mứt. Nước dừa dùng các can để đông rồi bán lại cho các hộ chuyên làm thạch. Phần da dừa (lớp ngoài của cơm dừa) cũng được bán để người dân ép lấy dầu. Nhờ biết cách tận dụng tất cả mọi phần của trái dừa nên người dân Hòa Khánh đã giảm bớt chi phí nguyên liệu, đảm bảo loại mứt thượng hạng này vẫn có giá bán rất phải chăng. 

Công việc làm mứt dừa đem lại thu nhập khả quan cho người dân, có thêm khoảng tiền tiêu Tết. Theo cô Sáu Bền (51 tuổi) sau một đợt mứt Tết, mỗi thành viên gia đình cô cũng được 5 đến 6 triệu đồng. 

Lò mứt đã thôi đỏ lửa 

“Khi xưa 10 phần thì bây giờ còn lại 3 phần, sản xuất giảm, nhân công cũng giảm”, bà Chín Ớt (75 tuổi), chủ cơ sở sản xuất mứt lâu đời tại đây tâm sự. Bà cho biết những năm gần đây đơn đặt hàng của thương lái giảm bớt, giá nguyên liệu nhập về tăng cao trong khi giá mứt vẫn vậy làm gia đình cũng chỉ dám hoạt động cầm chừng. 

Hiện tại nhiều loại mứt dừa rẻ tiền xâm nhập thị trường, chiếm thị phần mứt Tết Hoà Khánh. Tuy dẻo ngon nhưng các cơ sở mứt dừa Hoà Khánh lại thiếu đi thương hiệu, không thể đem tên tuổi đến thực khách. Dù thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng dần máy móc nhưng làng mứt dừa vẫn thu hẹp, nhiều hộ bỏ lò. 

7a4df9127379d92780687-1706068158.jpg
Làng mứt Tết đem lại thu nhập khả quan cho dân địa phương.

“Giờ ra sao thì năm nào mình cũng phải làm. Nghỉ một năm là mất mối, nghỉ luôn ấy chứ”, bà Chín Ớt trải lòng. Hiện tại địa bàn xã chỉ còn lại thưa thớt 2-3 lò mứt, quy mô giảm sản lượng cũng không bằng các năm trước. Khoảng sân nhộn nhịp khi xưa nay còn thưa thớt vài ba hộ. 

“Mứt dừa quê mình rất thơm ngon. Tôi giữ lò đến giờ vì muốn ngày Tết dân mình có mứt dừa chất lượng để đãi khách. Phần lớn hơn là giúp các chị em xóm giềng có việc làm để kiếm tiền xài Tết, giúp đỡ bà con ăn Tết vui vẻ”, cô Phượng Liên bộc bạch.

Mỗi mẻ mứt dừa đều mang theo nhiều công sức và giọt mồ hôi của người sản xuất. Mứt dừa Hòa Khánh ngon, dẻo và thơm đòi hỏi kinh nghiệm khi chọn dừa, khéo tay của người cắt cùng sự vất vả của người sên. Qua bao nhiêu năm mứt dừa Hòa Khánh vẫn luôn là món ăn được yêu thích trên mâm kẹo ngày Tết của người dân Tiền Giang, ăn rồi nhớ mãi vị hồn quê. 

Bài và ảnh: Y Thanh