Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vạn Phúc: Phát triển du lịch để giữ lửa nghề truyền thống

Làng Vạn Phúc thành lập đã hơn 1.000 năm, nổi tiếng là làng nghề có truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa lâu đời.

Vạn Phúc nguyên xưa vốn có tên Vạn Bảo, nhưng do húy kỵ nên đổi tên thành làng Vạn Phúc. Làng nổi tiếng là một trong những làng cổ có nghề truyền thống lâu đời ở miền Bắc.

Nói về nghề dệt Vạn Phúc, người ta thường có câu “the La, lụa Vạn” hay “the La, lĩnh Bưởi, sồi Phùng – lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bên”. Cho thấy trình độ canh tác, dệt lụa của Vạn Phúc nằm trong nhóm bách nghệ tinh của đất Thăng Long, nổi bật có lụa vân là sản phẩm dệt tiêu biểu.

43fea4cf986e3b30627f-1719313854.jpg

Một góc phố Lụa - Vạn Phúc.

Làng Vạn Phúc ước chừng thành lập hơn 1.000 năm về trước, nghề dệt của làng được truyền dạy bởi bà tổ nghề Lã Nương (người phụ nữ họ Lã). Trải qua một quá trình dài sống cùng nghề, dân làng Vạn Phúc đưa sản phẩm truyền thống của mình trở thành biểu tượng cho cả vùng. Đáng chú ý, lụa Vạn Phúc đã hai lần được mang đi đấu xảo tại Paris năm 1921 và Marseille năm 1938.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, làng Vạn Phúc là một trong những nơi tích cực tham gia cách mạng. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tháng 12/1946.

Với lịch sử xây dựng lâu đời cùng truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng quý báu, mỗi người dân Vạn Phúc đều rất tự hào khi nhắc về quê hương.

0625-1719313945.mp4

Mặc dù vậy, hiện tại sản phẩm lụa Vạn Phúc đang bị cạnh tranh sau quá trình hội nhập và phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Bí thư chi bộ HTX dệt lụa Vạn Phúc cho biết, đã từng có thời gian sản lượng lụa đầu ra phân phối dưới mức báo động. Nhiều nghệ nhân, người có tay nghề quyết định “dừng thoi, bỏ cửi” để tìm cách mưu sinh mới. Với ông Hùng và nhiều nghệ nhân khác, đây được xem như nỗi buồn vô hạn.

Nhưng trong lúc gian khó, HTX dệt Vạn Phúc đồng thời nhận ra cơ hội, vị thế lẫn ưu thế của mình trong bức tranh du lịch.

38a582a5bb04185a4115-1719313854.jpg

Vạn Phúc hiện là làng nghề có trình độ sản xuất cao, gắn sản xuất với phát triển du lịch.

Lịch sử lâu đời, truyền thống quý báu, tinh thần lao động và quan trọng nhất chính là đội ngũ nghệ nhân tâm huyết giúp Vạn Phúc trở thành địa điểm du lịch gắn với nghề truyền thống.

Vào những năm 2002, HTX dệt Vạn Phúc bắt đầu bắt tay vào công tác đổi mới, mục đích ban đầu nhằm tuyên truyền nghề dệt của làng. Thông qua các hội chợ như Hội chợ triển lãm Giảng Võ, Hội chợ các làng nghề truyền thống... Vạn Phúc chinh phục phần đông khách hàng, trở thành nơi tiếp đón của các hiệp hội nghề ở khắp nơi.

4195a3189eb93de764a8-1719313854.jpg

Nhiều cơ sở kinh doanh thuộc HTX dệt Vạn Phúc tham gia vào khai thác du lịch và đạt được thành tựu.

Sản lượng dệt vì thế cũng có bước tiến mới, đặc biệt trong giai đoạn những năm 2006 đến 2008, cùng thời điểm ra mắt bộ phim "Áo lụa Hà Đông", có năm HTX dệt Vạn Phúc cho ra số lượng thành phẩm hơn 3 triệu mét vải, tức gấp 10 lần so với thời điểm trước năm 2002. Bởi những con số tích cực đến vậy, nhiều lao động, thậm chí nghệ nhân cũng bắt đầu nhen nhóm lại lửa nghề, quay trở về bên khung cửi.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, HTX hoàn toàn hiểu rằng, văn hóa đi đôi với con người, nghệ nhân cũng được xem như “hồn làng” cần được bảo tồn và tuyên dương.

110b19dc217d8223db6c-1719314117.jpg

Nghệ nhân Lê Thị Kim Thư chia sẻ về việc ứng dụng lụa vào các sản phẩm du lịch tăng tính thương mại.

Theo báo cáo năm 2023, hiện tại phường Vạn Phúc có 5 nghệ nhân Hà Nội, 14 nghệ nhân làng nghề, 57 thợ nghề giỏi. Trong đó nổi bật là nghệ nhân Phạm Khắc Hà, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Thu, Lê Thị Kim Thư hay nhóm nghệ nhân thuộc gia đình cố nghệ nhân Triệu Văn Mão. Sản phẩm dệt từ đôi bàn tay của nghệ nhân sẽ được HTX đem đến nhiều hội thi tay nghề quảng bá.

Sau quá trình dài tự tìm tòi, nghiên cứu, hiện tại HTX dệt Vạn Phúc nói riêng và làng Vạn Phúc nói chung đã cơ bản hoạt động như một làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Đặc biệt trong giai đoạn từ 2016 đến 2019 (trước thời điểm Covid-19) làng nghề đón lượng khách tới tham quan rất đông, nhất là vào dịp lễ hội, có thể lên tới hơn 1000 lượt khách du lịch mỗi ngày.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hùng, công tác phát triển du lịch làng nghề Vạn Phúc được HTX phối hợp với phường Vạn Phúc bằng nhiều cách thức.

  • Tích cực tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
  • Thành lập các cơ quan như HTX “Vụn” art để tiếp xúc với giới trẻ, Công ty CP dệt Vạn Phúc để phát triển du lịch làm tour làng nghề.
  • Đối với du lịch truyền thồng, HTX cũng phối hợp cùng nhiều đơn vị cho ra các tour du lịch khám phá làng nghề, tìm hiểu nghề dệt, các bước dệt...

Vì nhạy bén đổi mới, nhất là trong thời đại phát triển công nghệ, làng Vạn Phúc nổi lên như một điểm đến thân thiện, giàu cảm xúc. Sản lượng dệt cũng tăng theo bởi đi đôi với tham quan, nhiều sản phẩm dệt thủ công vì thế trở nên đa dạng. Các thức quà lưu niệm làm bằng lụa (nón, gấu bông, lót trà) hay áo dài, khăn quàng cổ, khăn mùi xoa... khiến du khách rất thích thú. Sản phẩm thành phẩm dần thay thế sản phẩm cơ hữu lâu đời, giúp giá trị du lịch được đẩy mạnh.

c5fddd24e28541db1894-1719313854.jpg

Đền thờ Tổ nghề, Đình Vạn Phúc, Đền thờ Bác là một trong những địa điểm văn hóa thu hút du khách.

Trong năm 2023, HTX dệt Vạn Phúc còn tham gia nhiều hoạt động hội chợ quốc tế Win-Win 2023, Get on Hà Nội, Lễ thội thiết kế sáng tạo... tạo ra doanh thu du lịch và thương mại lên tới 310 tỷ đồng.

Ngoài làm du lịch nghề, HTX dệt Vạn Phúc lẫn phường Vạn Phúc còn chú trọng đến các hoạt động văn hóa, tâm linh. Có thể kể đến như lễ hội Vạn Phúc (tổ chức từ 13 đến 15 hàng năm), lễ giỗ tổ nghề, lễ dâng hương chư vị tiền nhân hay lễ dâng công tới Bác. Đây đều là cơ hội để dân làng có điều kiện quảng bá lịch sử, văn hóa lẫn nghề truyền thống của làng. Giúp giá trị du lịch mang tên Vạn Phúc ngày một sâu sắc.

Uy Danh