Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

TS Phan Thanh Hải: "Giới trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc phục dựng, truyền bá vẻ đẹp của cổ phục Việt"

Là người đã dành nhiều năm nghiên cứu về cổ phục, TS Phan Thanh Hải đánh giá giới trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa vẻ đẹp của trang phục truyền thống.

Những năm gần đây, cổ phục Việt ngày càng nhận được sự quan tâm, chú ý của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hình ảnh trang phục truyền thống xuất hiện trong nhiều loại hình như phim ảnh, âm nhạc,... với sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng. Có thể kể đến một vài bộ phim nổi tiếng như: Phượng Khấu, Tết ở Làng địa ngục, Người vợ cuối cùng, Kẻ ăn hồn,… cùng loạt MV ca nhạc đình đám.

Tại các nền tảng mạng xã hội, hình ảnh cổ phục Việt xuất hiện ngày càng nhiều, có tới hàng chục hội nhóm về trang phục truyền thống với hàng nghìn thành viên trên facebook, nhiều trend mặc cổ phục cũng trở thành xu hướng thịnh hành trên Tiktok. Trong đời sống thường ngày, không chỉ được ưu tiên diện trong những dịp đặc biệt như: Lễ tết, cưới hỏi, chụp ảnh kỷ yếu,… cổ phục Việt cũng đang hiện hữu thông qua nhiều hoạt động. Điều này đã góp phần lan tỏa vẻ đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. 

Vậy cổ phục thể hiện những nét đẹp gì trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và cách lan tỏa hình ảnh trang phục truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế ra sao? Phóng viên Tạp chí Vietnam Travel đã có cuộc trao đổi với TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, người đã có nhiều năm nghiên cứu về cổ phục Việt để giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này.

63f64dfd035fa901f04e-1707489160.jpg
TS Phan Thanh Hải, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về cổ phục Việt.

PV: Thưa ông, cổ phục thể hiện những nét đẹp gì trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt xưa? Ông có thể chia sẻ một vài ví dụ về những nét đẹp này?

TS Phan Thanh Hải: Cổ phục hay trang phục truyền thống của người Việt là một trong những nét văn hóa độc đáo và vô cùng quý báu của dân tộc. Bảo tồn cổ phục không chỉ góp phần giữ gìn một di sản văn hóa sống động mà còn thúc đẩy những giá trị tốt đẹp trong hiện tại và tương lai. 

Hiện nay, các loại hình trang phục truyền thống Việt đang dần được phục hồi và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước. Và Huế là một trong những địa phương tiêu biểu. Đặc biệt, chiếc Áo ngũ thân (bao gồm cả Áo ngũ thân tay rộng - Áo tấc và Áo ngũ thân tay hẹp/tay chẽn) là một loại trang phục đặc thù của thời Nguyễn, có lịch sử hình thành khoảng trên dưới 300 năm. 

Để có sự thiết kế hoàn thiện như ngày nay, trang phục Áo ngũ thân đã trải qua những thăng trầm lịch sử, có nhiều cải tiến, biến thể và thay đổi không ngừng. Nhiều nhà thiết kế đã xem Áo ngũ thân là hình mẫu ý tưởng của áo dài ngày nay. Ngày xưa Áo ngũ thân, đặc biệt là Áo tấc, được coi là lễ phục trang trọng, kín đáo và mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn. 

Năm thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc. Năm chiếc khuy áo tượng trưng cho quan điểm ngũ thường trong Nho giáo. Cụ thể, năm chiếc khuy đại diện cho 5 đức tính của bậc nam nhi là: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; hay quan điểm về ngũ luân, tức 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội: Vua tôi, cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ; thậm chí còn mang cả ý nghĩa về sự giao thoa của ngũ hành: Thổ, kim, thủy, mộc, hỏa.

Từ khi chế độ quân chủ cáo chung thì Áo ngũ thân nói chung, Áo tấc nói riêng cũng dần vắng bóng trong đời sống thường ngày, chỉ còn được sử dụng trong nghi lễ tế tự của một số địa phương, đặc biệt là ở Huế. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất sau chiến tranh, trong các lễ nghi của các gia đình, họ tộc hay nghi lễ tại đình miếu của làng xã ở Thừa Thiên Huế, các vị chủ tế, bô lão tham dự đều mặc áo thụng xanh (tức Áo tấc) để hành lễ. 

Điều đó cho thấy, Áo tấc chưa bao giờ biến mất trong đời sống xã hội. Gần đây, chiếc Áo tấc đã xuất hiện trở lại ở rất nhiều nơi, không chỉ trong các nghi thức, lễ hội truyền thống mà còn trên nhiều diễn đàn của các hội, nhóm yêu mến cổ phục Việt. Việc các đạo diễn đưa Áo tấc/Áo ngũ thân vào phim cổ trang, các diễn viên, người mẫu sử dụng trọng các clip, MV ca nhạc… đã góp phần quảng bá mạnh mẽ vẻ đẹp của loại trang phục này đến với công chúng trong và ngoài nước.

1107b1d93b75912bc864-1707488709.jpg
TS Phan Thanh Hải (áo nâu) - Chủ trì sự kiện: Giới thiệu sách "Kinh thành Huế trong thi họa - Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập" tại Bảo tàng gốm cổ Sông Hương ngày 21/1.

PV: Ông có thể chia sẻ một vài nhận định, đánh giá về sự quan tâm dành cho cổ phục của xã hội? Sự quan tâm này có tác động và ý nghĩa như thế nào với văn hóa Việt?

TS Phan Thanh Hải: Trong bối cảnh hội nhập, với xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa thì việc khôi phục, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là điều vô cùng quan trọng. Việc đưa cổ phục Việt trở lại với đời sống đương đại, giúp những loại trang phục truyền thống này có vai trò và đời sống riêng sẽ là phương pháp bảo tồn hiệu quả nhất. 

Thành công trong việc bảo tồn cổ phục Việt sẽ góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tác động tới thị hiếu thời trang của người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ theo hướng trân trọng và tôn vinh nét đẹp cổ truyền, góp phần vào sự phát triển của ngành thời trang mang bản sắc Việt.

Gần đây, phong trào “phục hưng” quốc phục phát triển mạnh mẽ trong cả nước. Các loại trang phục truyền thống/cổ phục có nguồn gốc từ Huế, như: Áo ngũ thân, Áo Tấc, Nhật bình được nhiều người yêu thích, khoác lên mình với niềm tự hào. Đáng quý hơn, cổ phục Việt đã không chỉ nằm trong không gian bảo tàng, trên sân khấu mà được khôi phục và phát triển bằng sự tâm huyết cùng lòng tự hào dân tộc của những người trẻ nặng lòng với trang phục truyền thống/cổ phục.

Từ những nỗ lực bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống/cổ phục Việt, ngày càng có nhiều người quan tâm tìm hiểu và dành niềm yêu thích cho trang phục cổ truyền thống qua việc sử dụng cổ phục vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi, chụp ảnh kỷ yếu hay lưu giữ kỷ niệm tại các di tích, danh lam thắng cảnh. Thông qua các hoạt động này, cổ phục từ nhiều triều đại được người sử dụng thích thú tìm hiểu, ghi nhớ, trở thành một cách học lịch sử hấp dẫn và bổ ích.

PV: Theo ông, giới trẻ có vai trò như thế nào trong việc lan tỏa những giá trị và vẻ đẹp của cổ phục Việt?

TS Phan Thanh Hải: Trước thực trạng các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là cổ phục chưa được coi trọng đúng mức trong đời sống hiện đại, nhiều bạn trẻ không đành lòng chứng kiến những tinh hoa văn hóa dân tộc bị mai một theo thời gian. Với một lòng say mê với lịch sử, văn hóa của nước nhà, nhiều bạn trẻ đã và đang tiến hành phục dựng lại cổ phục, đưa cổ phục Việt đến gần hơn với đông đảo công chúng. 

Có thể kể đến như Hoa Niên, Đại Việt Cổ Phong - những nhóm các bạn trẻ đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu chuyên sâu từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến hoa văn tại các đình, đền, chùa, đặc biệt là phục chế trang phục cổ. Hay như bạn trẻ Vũ Đức là Trưởng nhóm nghiên cứu và cung cấp các giải pháp về cổ phục Great Vietnam, với mong muốn đưa cổ phục vào các dự án văn hoá, nghệ thuật có tính lan tỏa lớn ở cộng đồng. 

Ở Huế thì có các nhà thiết kế Quang Hòa, Viết Bảo... là những người đưa Áo dài ngũ thân trở về và lan tỏa trên miền đất Cố đô Huế. Họ đã tiếp nối, gìn giữ giá trị Áo dài truyền thống và không ngừng sáng tạo để chuyển tải những thông điệp, giá trị nhân văn thông qua những tà áo dài Huế. Để phát triển đam mê của mình, các nhà thiết kế vẫn đang tiếp tục ấp ủ nhiều dự án mới để tạo nên những chiếc Áo dài ngũ thân mang thương hiệu và nét đặc trưng của xứ Huế, góp phần xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”.

Có thể nói, việc các bạn trẻ quan tâm đến cổ phục là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy ý thức về bản sắc văn hóa truyền thống, sự cảm nhận về vẻ đẹp của trang phục Việt đang được nâng cao. Điều đáng nói, những bạn trẻ tâm huyết, gìn giữ, lan tỏa cổ phục cũng chính là những gạch nối quá khứ và hiện tại. Khi xã hội phát triển, cuộc sống trôi đi quá gấp gáp, thì những nét đẹp của cổ phục và giá trị văn hóa của nó, ở hoàn cảnh phù hợp cũng chính là cách gây dựng thương hiệu và giá trị văn hóa đậm đà bản sắc Việt.

d9fa64bcfb10514e0801-1707489403.jpg
TS Phan Thanh Hải (áo xanh) khi tham dự sự kiện Tết Việt - Tết phố tại khu phố cổ Hà Nội vào ngày 28/1.

PV: Theo ông bên cạnh sự quan tâm, yêu thích mà cộng đồng dành cho cổ phục Việt thì chúng ta cần lưu ý những điều gì để bảo tồn và phát huy những giá trị của chiếc áo dài truyền thống?

TS Phan Thanh Hải: Theo tôi việc sáng tạo Áo dài không phải là điều gì mới mẻ. Trong nhiều năm qua đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo khoa học, tọa đàm, nghiên cứu, sáng tạo, trình diễn, giới thiệu Áo dài truyền thống và Áo dài cách tân không chỉ ở phạm vi trong nước mà cả trên bình diện quốc tế với nhiều ngôn ngữ, màu sắc, phong cách, chất liệu biểu hiện khác nhau, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. 

Cũng vì vậy, Áo dài trở nên nổi tiếng và được biết đến nhiều trên thế giới. Từ đó, Áo dài gần như nghiễm nhiên được Quốc tế thừa nhận một cách bất thành văn là “Quốc phục” của Việt Nam, nhưng chủ yếu mới là áo dài dành cho nữ giới. 

Vài năm trở lại đây, bên cạnh việc quảng bá các giá trị của Áo dài hai thân chủ yếu dành cho nữ giới, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã tích cực quảng bá Áo dài ngũ thân truyền thống dành cho cả hai giới nam và nữ; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm định hướng thiết kế đối với Áo dài để không chỉ đưa Áo dài ngũ thân trở lại các hoạt động nghi lễ, không gian truyền thống mà còn phù hợp với hơi thở của thời đại. 

Gần đây, nhiều nhà thiết kế có tên tuổi đã chú ý, quan tâm sáng tạo đối với Áo dài ngũ thân, nhiều Áo dài được sáng tạo với ngôn ngữ, chất liệu mới lạ nhưng vẫn giữ hồn cốt, giá trị văn hóa dân tộc tạo dựng được tiếng vang. 

Cá nhân tôi rất trân quý sự tìm tòi, sáng tạo của các nhà thiết kế. Tuy nhiên rất tiếc khi vẫn còn một số nhà thiết kế đã đi quá xa (có thể do chưa hiểu rõ đặc trưng của áo dài truyền thống Việt) đến mức hình thành một số sản phẩm bị lai căng, không còn giữ được hồn cốt và các giá trị văn hóa đặc trưng cùng tính nhân văn sâu sắc của Áo dài truyền thống Việt Nam, thậm chí có khuynh hướng trở thành sản phẩm sáng tạo của trang phục truyền thống một số nước châu Á khác như: Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Nam Á… đây là vấn đề mà các nhà thiết kế cần lưu tâm. 

Tôi đánh giá cao thiết kế của nghệ nhân Năm Tuyền ở Thành phố Hồ Chí Minh, qua tư liệu lịch sử, từ hơn trăm năm trước, Vua Hàm Nghi đã từng mặc những chiếc Áo ngũ thân vạt ngắn, người Huế trước đây cũng sử dụng khá phổ biến loại áo vạt ngắn tương tự (áo vạt hò). 

Vậy nên, việc nghệ nhân Năm Tuyền đã nghiên cứu, cách tân loại Áo ngũ thân vạt ngắn để đưa vào đời sống đương đại với thiết kế phù hợp hơn, tiện dụng hơn nhưng vẫn giữ được các đặc trưng nổi bật (tạo hình áo năm thân, năm hạt cúc, kiểu cổ áo lập lĩnh…) từ đó, có thể sử dụng gần như trong mọi sinh hoạt hằng ngày là xu hướng rất phù hợp mà chính bản thân tôi cũng đã trải nghiệm và lựa chọn.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bài viết: Nhật Tân - Ảnh: NVCC