Dấu ấn truyền hình thực tế trong hành trình 65 năm du lịch Việt Nam

Trong suốt 65 năm hình thành và phát triển, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng luôn nỗ lực không ngừng để khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

Trong kỷ nguyên số, các chương trình truyền hình thực tế (gameshow) về du lịch đang trở thành những "đại sứ" hiệu quả, định hình lại bức tranh du lịch Việt Nam theo hướng sâu sắc và bền vững.

Một đơn vị chuyên đứng sau những chương trình truyền hình thực tế cũng khẳng định: Chương trình truyền hình thực tế kết hợp yếu tố du lịch trải nghiệm đang thu hút sự quan tâm của công chúng, không chỉ mang đến những phút giây giải trí, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, nhất là khi Việt Nam đang hướng đến du lịch bền vững.

77-doi-vang-thuc-hien-thu-thach-cung-nguoi-dan-dia-phuong-1751854855.jpg

Các nhà sáng tạo nội dung đến từ nhiều nơi về tham gia chương trình ghi hình tại Việt Nam. Ảnh: Let’s Feast.

Từ màn ảnh nhỏ đến những bước chân khám phá

Khoảng 10-15 năm trở lại đây, show thực tế quảng bá du lịch Việt Nam mới thực sự nở rộ và đa dạng hơn, gắn liền với sự phát triển của truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số. Giai đoạn năm 2000-2015 dần hình thành các chương trình chuyên biệt như "Việt Nam Đất Nước Con Người" hay các chương trình du lịch chuyên đề, gameshow "Ấn tượng Việt Nam" bao gồm các phần: Nhật ký hành trình, Ấn tượng hành trình, Q&A bất ngờ, Trò chơi vận động - tư duy và Đi tìm kỷ vật được trên VTV, HTV bắt đầu đi sâu vào khám phá các địa danh, văn hóa ẩm thực và làng nghề truyền thống. Các chương trình này mang tính chất giới thiệu, trải nghiệm cá nhân của người dẫn chương trình hoặc khách mời.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng bắt đầu đầu tư vào các video clip quảng bá chuyên nghiệp, phát sóng trên các kênh truyền hình quốc tế như CNN, BBC với các thông điệp như "Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn" (giai đoạn 2006-2011) hay "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận" (từ 2012).

Từ năm 2015-2025 các show thực tế dần đa dạng hóa nội dung tạo hiệu ứng lan tỏa lớn. Trong đó sự bùng nổ của các show như "Gia đình Haha", "2 Ngày 1 Đêm", "Hành Trình Rực Rỡ" cùng các tên tuổi khác "Sao Nhập Ngũ", "Running Man Việt Nam", "La Cà Hát Ca", "Gặp Gỡ Đông Tây", "Đảo Thiên Đường"... đã tạo nên một làn sóng quảng bá đầy sức hút. Việc lồng ghép khéo léo các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương đã kích thích mạnh mẽ sự tò mò của khán giả.

Các chương trình này không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn giúp khán giả trải nghiệm chân thực vẻ đẹp đất nước, con người và văn hóa qua lăng kính của người nổi tiếng. Thực tế cho thấy, nhiều địa điểm đã chứng kiến lượng khách du lịch tăng đột biến sau khi lên sóng, biến chúng thành những "trải nghiệm phải thử".

screenshot-2024-08-06-102320-1722916148-1751854312.png

Nổi bật là "2 Ngày 1 Đêm" và "Gia đình Haha". Dù có bản gốc nước ngoài, cả hai đều Việt hóa thành công, truyền tải đậm đà bản sắc Việt. "2 Ngày 1 Đêm" đã trở thành sứ giả quảng bá du lịch, khéo léo lồng ghép giá trị văn hóa bản địa qua các hành trình di sản như suối Lê-nin (Cao Bằng), Nhà hát Đó (Khánh Hòa) hay trải nghiệm ở Buôn Đôn (Đắk Lắk). Chương trình đạt 2.5 triệu lượt xem trung bình trên YouTube và 185 triệu lượt xem trên TikTok, cùng phản hồi tích cực về lượng khách tăng vọt tại các địa điểm.

515441577-122142954662757427-7327897783024263170-n-1751854385.jpg

Gần đây "Gia đình Haha" nhanh chóng là "hiện tượng" mới, dẫn đầu rating VTV3 và đạt hàng triệu lượt xem trên nền tảng số, lọt Top Trending YouTube. Thành công này đến từ khả năng "chữa lành" cảm xúc khán giả qua những khoảnh khắc đời thường, chân thật của dàn nghệ sĩ và câu chuyện của người dân địa phương như chị Vàng Thị Thông ở Bản Liền (Lào Cai). "Gia đình Haha" cũng cho thấy hiệu quả vượt trội trong quảng bá du lịch và văn hóa địa phương, giúp các điểm đến như Bản Liền thu hút lượng khách tăng đột biến.

Cả hai chương trình đều mang tính giải trí cao, đồng thời khơi gợi tình yêu quê hương và khẳng định xu hướng khán giả ưa chuộng nội dung nhân văn, gần gũi.

Sức mạnh của người nổi tiếng và cộng đồng du lịch mới

Điểm chung của thành công là sự góp mặt của các nghệ sĩ trẻ với lượng fan đông đảo. Họ không chỉ thu hút khán giả mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh đất nước. Sự tương tác tự nhiên, những khoảnh khắc chân thật của nghệ sĩ khi khám phá và trải nghiệm đã tạo nên sự đồng cảm, thôi thúc người xem lên kế hoạch cho những chuyến đi của riêng mình.

514286480-122142032768757427-8637828928577606929-n-1751854625.jpg

Điều quan trọng hơn, các gameshow này đã và đang tạo ra một cộng đồng du lịch có xu hướng trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa. Du lịch không còn chỉ là nghỉ dưỡng mà còn là hành trình khám phá, tìm hiểu chiều sâu. Chương trình đã thành công trong việc tạo sự tò mò, nâng cao độ phủ qua hình ảnh danh lam thắng cảnh đặc trưng, góp phần khơi dậy lòng tự hào quê hương đất nước cho mỗi người Việt Nam, và quan trọng hơn là tăng cường thảo luận, chia sẻ, tạo nên một cộng đồng du lịch phát triển.

ban-sao-cua-dsc06443-1-1724138656-1751854624.jpg

Gợi mở về một tương lai du lịch bền vững

Việt Nam, với lợi thế văn hóa đa dạng và đội ngũ sáng tạo trẻ, có tiềm năng để phát triển du lịch qua các chương trình giải trí. Việc lồng ghép nét đẹp đời sống văn hóa Việt cùng cảnh quay mãn nhãn đã tạo nên những "món ăn lạ miệng", điểm nhấn độc đáo.

500740862-122135172860757427-7300479403429528277-n-1751854624.jpg

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cần có cái nhìn sâu sắc hơn về xu hướng này. Việc tập trung quá mức vào một số điểm đến có thể gây quá tải, đồng thời làm lu mờ tiềm năng của các vùng đất khác. Tính giải trí đôi khi cũng làm giảm đi chiều sâu trong việc truyền tải thông điệp văn hóa, có thể dẫn đến những cái nhìn phiến diện.

Trong hành trình 65 năm của ngành du lịch Việt Nam, truyền hình thực tế quảng bá du lịch nước nhà dù còn non trẻ nhưng đã chứng minh vai trò hiệu quả, thích nghi tốt với thời cuộc chuyển đổi số. Các chuyên gia du lịch nhìn nhận, để phát huy tối đa tiềm năng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà sản xuất, ngành du lịch và chính quyền địa phương. Mục tiêu không chỉ là thu hút khách mà còn là xây dựng một nền du lịch bền vững, có trách nhiệm, nơi mỗi hành trình khám phá đều mang lại giá trị thực sự cho cả du khách và cộng đồng địa phương.

60206926328426ee1078490a8f60e526-1751854757.jpg

Sự phát triển của truyền hình thực tế du lịch là minh chứng sống động cho sự đổi mới và thích nghi của ngành du lịch Việt Nam. Trong những năm tới, khán giả đặt nhiều niềm tin vào các chương trình này sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng, sáng tạo, không chỉ là những cuộc hành trình khám phá mà còn là những câu chuyện ý nghĩa, góp phần vẽ nên một bức tranh du lịch Việt Nam ngày càng hoàn thiện và tỏa sáng trên trường quốc tế.