Làm thế nào để tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI) với khoa học xã hội và nhân văn?

Đó là nội dung của Tọa đàm khoa học do Trường Đại học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 16/6/2023 tại TP Hồ Chí Minh.
z4439433490418-48da2215f3b1f3e58d8154d73647c95d-1686971052.jpg
Hơn 100 đại biểu tham dự Tọa đàm khoa học 

Tọa đàm có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Trường đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, các Sở KH&CN, các nhà khoa học, quản lý  đến từ các trường đại học khu vực phía Nam.

z4439433502317-204ff3079a650c016ffa84d86cea64bf-1686971052.jpg
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM  phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH TW Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) ngày càng được quan tâm phát triển trên quy mô lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Trung Quốc...

Với sự “bùng nổ” của công nghệ AI đặt ra một số vấn đề trong nghiên cứu lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay như: Chuẩn mực về đạo đức, pháp luật trong các nghiên cứu mới về AI? AI tạo ra nhiều nghề nghiệp mới, nhưng cũng có nhiều nghề mất đi, vì vậy cần có các nghiên cứu các chính sách tác động của AI nhằm giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong quá trình phát triển; Thúc đẩy việc nghiên cứu liên ngành về AI trong thời gian tới như thế nào? PGS Vũ Hải Quân đề nghị các nhà khoa học sẽ cùng nhau thảo luận để có thêm thông tin, định hướng ứng dụng, phát triển AI trong tương lai.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Ủy viên Dự khuyết TW Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN khẳng định, Bộ KH&CN rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, pháp lý liên quan đến AI, đây là Hội thảo rất được mong chờ đối với các nhà quản lý, nhà khoa học.

z4439433481234-e77ab8d3eec1385c03ca3ddcf7f7f129-1686971052.jpg
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Tọa đàm.

“Hội thảo sẽ thảo luận nhiều vấn đề chuyên môn, định hướng nghiên cứu, đặt ra các bài toán về quản lý đối với nghiên cứu, ứng dụng, triển khai AI trong giai đoạn tới, góp phần triển khai thành công chiến  lược phát triển AI cũng như chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ tin tưởng.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy đặt ra bốn nhóm vấn đề nghiên cứu để Hội thảo cùng thảo luận gồm: Tích hợp các kết quả nghiên cứu của KHXH&NV vào nghiên cứu phát triển AI như: cảm xúc, tâm lý, ảnh, video; Quy chuẩn đạo đức, pháp lý trong xây dựng và ứng dụng AI trong đời sống xã hội; Đánh giá tác động của xã hội (đến từng cá nhân) khi triển khai ứng dụng AI sâu rộng trong cuộc sống, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp trong nghiên cứu và ứng dụng AI; Ứng dụng AI để thúc đẩy các kết quả đầu ra trong nghiên cứu KHXH&NV.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã cũng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Vai trò của KHXH&NV, định hướng nghiên cứu và những vấn đề đặt ra liên quan đến AI; Ứng dụng AI và tương tác thông minh trong bảo tồn văn hóa truyền thống; Chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia đến năm 2030 và ứng dụng AI trong KHXH&NV; Trí tuệ nhân tạo trong KHXH&NV: Phạm vi ứng dụng, thách thức và phương hướng.

tri-tue-nhan-tao-ai-voi-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-1686971527.jpg
TS Nguyễn Quân, Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; PGS.TS Bùi Thế Duy, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng Thứ trưởng Bộ KH&CN; PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP Hồ Chí Minh chủ trì tọa đàm.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, nghiên cứu và ứng dụng về AI là xu hướng diễn ra rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Việt Nam cũng đã có Chiến lược phát triển AI. Tuy vậy, các vấn đề liên quan đến tác động của việc nghiên cứu và ứng dụng AI đối với xã hội, với con người hiện còn ít được quan tâm hơn khía cạnh công nghệ.

pgs-1686971414.png
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt , Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát  biểu tại Toạ  đàm.

Theo Bộ trưởng, Tọa đàm đã chỉ ra sự ảnh hưởng của AI đến xã hội, con người, đến hoạt động nghiên cứu khoa học... rất rõ nét, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. “Chúng ta càng thấy rõ hơn sự cần thiết của việc xậy dựng hành lang pháp lý cho việc nghiên cứu, ứng dụng AI vào đời sống”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị các vụ chức năng của Bộ KH&CN tổ chức xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên quan đến AI trong lĩnh vực KHXH&NV, nhất là trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia. Trong đó, lưu ý các nghiên cứu về khía cạnh pháp lý, đạo đức, tác động của AI. “Bộ KH&CN mong muốn các nhà khoa học tiếp tục quan tâm, đồng hành với Bộ KH&CN trong thời gian tới”.