Thông thường chúng ta thường ăn măng cụt chín, thịt mềm, ngọt và vỏ tím sẫm, nhưng để làm gỏi gà măng cụt thì phải là những trái vỏ còn xanh hoặc chuyển vàng nhẹ, phần thịt phải có độ giòn, ngọt, ít chua thì mới chuẩn vị.
Măng cụt được trồng nhiều ở các tỉnh miền Đông, đặc biệt là măng cụt Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Mùa của loại trái cây này thường vào tháng 4, đỉnh điểm là tháng 6.
Trên diễn đàn TikTok, khắp nơi đều thấy dân tình đổ xô săn lùng măng cụt xanh vì là nguyên liệu chính trong món gỏi gà đang gây sốt. Giá thành đầu mùa "cực chát", khoảng 120.000 đồng/kg quả to; cuối mùa giá trung bình 40.000 - 50.000 đồng/kg. Năm ngoái, măng cụt xanh chưa gọt vỏ giá khoảng 75.000 đồng/kg; loại đã gọt vỏ, quả to có giá 350.000 - 400.000 đồng/kg. Lúc cao điểm, lượng măng cụt xanh không có nhiều, giá mỗi cân lên tới gần nửa triệu đồng.
Do mỗi năm chỉ có một mùa măng cụt nên đi du lịch "không đúng mùa vụ" thì du khách khó có thể được thưởng thức món gỏi chuẩn vị "măng cụt xanh" này. Nên việc măng cụt đắt hàng là điều vô cùng dễ hiểu.
Gỏi măng cụt không chỉ nổi tiếng ở Bình Dương hay các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ, hiện còn được lan tỏa rộng khắp, trở thành thức quà lạ miệng hút khách thập phương.
Làm gỏi nghe thì đơn giản bởi chỉ cần trộn tất cả nguyên liệu với nhau cho thấm đều gia vị, nhưng gỏi gà măng cụt lại đòi hỏi khá cầu kỳ, nhất là ở công đoạn gọt vỏ. Chính vì sử dụng măng cụt còn xanh nên quả sẽ cứng, vỏ dày và có rất nhiều mủ (nhựa), khi gọt phải xả dưới vòi nước liên tục để làm sạch, cắt lát và ngâm muối để tránh thâm cho thịt quả. Sau khi làm xong bạn chỉ thu được một phần thịt và có thể bỏ đi tận bốn phần vỏ.
Gà ta hay gà tre sẽ được ưu tiên chọn làm gỏi bởi độ chắc thịt, vị ngọt tự nhiên không bị bở. Thịt xé miếng vừa ăn, trộn với hành tây, cà rốt cắt sợi, rưới nước sốt mắm chua ngọt, sánh sệt đậm đà. Thêm chút hành phi, rau răm cắt nhỏ và đậu phộng để tăng hương vị món ăn.
Gỏi gà măng cụt thường sẽ được ăn kèm với cháo nấm rơm nóng ấm, nấu từ chính nước luộc gà.
Với cơn sốt gỏi gà măng cụt đang xâm chiếm này, cộng đồng mạng còn phải "xót thương" cho phận măng cụt khi chưa kịp chín đã bị lìa cành. Có người lo lắng không còn măng cụt chín để ăn hay nói để. Từ khoá "năm tam tai của măng cụt" liên luỵ sang cả nhưng chú gà và thậm chí trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội vì thức quả hót hít.