Tour du lịch “Làng Cá Gỗ - Sau ánh hào quang" mới ra mắt có gì đặc biệt?

Mới đây, tại làng Quỳnh Đôi (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), UBND xã Quỳnh Đôi ra mắt Tour du lịch "Làng Cá Gỗ - Sau ánh hào quang" với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo sự tham gia của du khách và người dân địa phương.

Trong hai ngày 16 - 17/12, UBND xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam STID ra mắt tour du lịch đầu tiên tại làng Quỳnh Đôi với tên gọi “Làng Cá Gỗ - Sau ánh hào quang”. 

Tại Tour du lịch “Làng Cá Gỗ - Sau ánh hào quang” du khách có dịp lắng nghe những câu chuyện lịch sử gắn với Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích, gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, hiểu thêm về truyền thống hiếu học, yêu nước của người dân làng Quỳnh Đôi ,…

Xã Quỳnh Đôi, còn gọi là làng Quỳnh hay làng Quỳnh Đôi, có bề dày lịch sử hơn 600 năm, là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng như: Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (Hồ Thơm), thi sĩ Hồ Xuân Hương, Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích đậu Hoàng Giáp, Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông Các... Đây còn là vùng đất nổi tiếng với Phong trào Xô - Viết năm 1930-1931.

Trong thời kỳ lịch sử, Quỳnh Đôi có hai nghề chính là nghề “học”, nghề “ thầy đồ” đi khắp các địa phương để dạy học. Nghề thứ hai là nghề dệt, nghề nuôi các sỹ tử đi học đi thi trở thành quan hay thầy đồ. Đó là truyền thống khổ luyện thành tài gắn với câu chuyện con cá gỗ của Quỳnh Quận Công Hồ Phi Tích. 

img-9559-compressed-1702874255.jpg
Du khách hào hứng thưởng thức hoạt cảnh “Người đã về đây” gắn với câu chuyện cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ cả Khiêm và Bác Hồ đã rời làng từ hơn 100 năm trước do người dân làng Quỳnh thể hiện.
img-9563-compressed-1702874255.jpg
Hoạt cảnh do chính những người dân làng Quỳnh thể hiện.
img-9572-compressed-1702874254.jpg
Tại Nhà thờ Quỳnh Quận Công Hồ Phi Tích, du khách sẽ được thưởng thức hoạt cảnh “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ” gắn với câu chuyện Quỳnh Quận Công Hồ Phi Tích, du khách được hiểu thêm về truyền thống hiếu học, vượt khó của người dân làng Quỳnh.
img-9587-compressed-1702874254.jpg
Nhà thờ Quỳnh Quận Công Hồ Phi Tích được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào ngày 13/02/2015. Đây cũng là 1 trong 8 Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia của làng Quỳnh.
img-9578-compressed-1702874254.jpg
Tại bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương, du khách được lắng nghe những câu chuyện về "Bà chúa thơ Nôm".
img-9594-compressed-1702885393.jpg
Tại bia tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cù Chính Lan, du khách có dịp biết thêm những câu chuyện về cuộc đời của người anh hùng này.
img-9602-compressed-1702874253.jpg
Những tấm biển hình cá gỗ xinh xắn vừa có tác dụng chỉ dẫn du khách đến thăm các khu di tích, vừa thể hiện biểu tượng văn hóa của làng Quỳnh.
img-9611-compressed-1702874253.jpg
Du khách thích thú ghi lại khung cảnh của Đền Thần, nơi thờ thành
hoàng làng và những người khai thôn lập ấp.
img-9605-compressed-1702874252.jpg
Du khách dâng hương tại Đền Thần.
img-9620-compressed-1702874251.jpg
Tại tour du lịch, đến với giếng Bà Cả (giếng cổ), du khách có dịp lắng nghe những câu chuyện, những vần thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, trải nghiệm mặc trang phục xưa, gánh nước nồi đình.
img-9626-compressed-1702874251.jpg
Du khách cũng có dịp chiêm ngưỡng công trình kiến trúc Nhà thờ họ Hồ - Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia của làng Quỳnh Đôi được công nhận vào năm 1992.
img-9647-compressed-1702874250.jpg
Bên trong Nhà thờ họ Hồ.
img-9714-compressed-1702886053.jpg
Du khách dạo bước dưới ánh đèn lồng đỏ ở làng Quỳnh.

Ngoài các hoạt động kể trên trong hai ngày 16-17/12, du khách còn có dịp ghé thăm Nhà cụ Cử Tư – nơi gắn liền với thời niên thiếu của Bác Hồ, gắn liền với một gia đình mà 4 thế hệ được gặp Bác; Lớp học Dương Văn Khai - Lớp học đầu tiên tại làng Quỳnh Đôi, lắng nghe câu chuyện người khai ấp lập làng đưa thầy về dạy cho con cháu làng mình; ghé thăm Đền Cờn - nơi có cảnh quan thanh tịnh, sơn thủy hữu tình, gắn liền sự tích kỳ bí về Tứ vị Thánh Nương nhà Nam Tống, ...

Bài và ảnh: Nhật Tân