Theo lời kể của người bệnh, do thấy xuất hiện một vài tổn thương sẩn viêm ở trán, má, cằm, lại sợ đi viện nên chị đã quyết định điều trị theo kê đơn của một "bác sĩ online" được người quen giới thiệu. Thuốc được kê ban đầu là isotretinoin 20mg/ngày, không có thuốc bôi.
Sau dùng thuốc 10 ngày, các tổn thương sẩn, cục, nang xuất hiện nhiều lên nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục duy trì thuốc. Sau đó, do tình trạng không thuyên giảm nên vị "bác sĩ online" đã kê đơn phối hợp isotretinoin 20mg/ngày và doxycycline 100mg/ngày cho bệnh nhân dùng trong 1 tháng tiếp theo.
Càng dùng thuốc, tổn thương trên mặt nữ bệnh nhân càng tiến triển nặng với nhiều nang kích thước lớn gây biến dạng khuôn mặt. Vì thế, bệnh nhân mới chịu đến viện khám.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán trứng cá bùng phát mức độ nặng, được điều trị thuốc toàn thân kết hợp với chăm sóc tại chỗ.
Theo các bác sĩ, dùng isotretinoin cần được làm các xét nghiệm sàng lọc trước khi dùng thuốc, để tránh gặp các tác dụng phụ. Đặc biệt, việc kết hợp isotretinoin với kháng sinh doxycyclin là chống chỉ định do có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn do tăng áp lực nội sọ.
Hơn nữa, bệnh nhân này không được tư vấn về quy trình chăm sóc da tại chỗ, chế độ ăn uống, sinh hoạt, dẫn đến đáp ứng điều trị kém.
Sau 3 tuần điều trị tại bệnh viện, số mụn viêm, mụn mủ trên mặt bệnh nhân đã giảm đáng kể, song nguy cơ để lại sẹo lõm, sẹo đỏ trên da rất lớn.
Các bác sĩ khuyến cáo, trứng cá là bệnh phổ biến, nhưng nếu không điều trị đúng, có thể tiến triển kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tâm lý và sự tự tin của người bệnh. Để điều trị trứng cá, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám trực tiếp và theo dõi.
Gợi ý các thuốc trị mụn phổ biến hiện nay
Phụ thuộc vào tình trạng bệnh, những trường hợp bị mụn có thể dùng thuốc kháng sinh đường uống hoặc thuốc bôi tại chỗ:
Thuốc bôi tại chỗ
-
Thuốc trị mụn có Retinol: đây là dạng chất là dẫn xuất của vitamin A, tác dụng trị mụn rất mạnh giúp tiêu diệt vi khuẩn, chống lại viêm nhiễm, tiêu cồi mụn, hạn chế bít tắc lỗ chân lông. Bên cạnh đó Retinol còn có tác dụng kích thích quá trình tái tạo da, giảm thâm mụn, tăng sinh collagen giúp các vết mụn nhanh lành;
-
Thuốc chứa Salicylic Acid: hoạt chất này có khả năng tan trong dầu nên có thể len lỏi vào các lỗ chân lông và làm sạch da, tiêu diệt vi khuẩn, hạn chế dầu thừa, giảm thiểu tình trạng bít tắc lỗ chân lông. Đặc biệt thuốc kháng khuẩn rất tốt nhờ đặc tính kháng viêm mạnh;
-
Thuốc chứa Benzoyl Peroxide: tác dụng chính của thuốc này là giúp loại bỏ vi khuẩn P.Acnes (tác nhân gây mụn trứng cá), đồng thời cải thiện làn da khô và bong tróc do tế bào chết, giảm viêm, làm sạch lỗ chân lông, tiêu cồi mụn. Thuốc được sử dụng nhiều trong các trường hợp mụn đầu đen và mụn đầu trắng;
-
Thuốc trị mụn chứa Azelaic acid: có công dụng ngăn ngừa vi khuẩn gây mụn xâm nhập, tẩy da chết, hạn chế sừng da và kiểm soát tốt sự gia tăng sắc tố trên da.
Thuốc kháng sinh trị mụn đường uống
Các thuốc này chỉ được sử dụng trong những trường hợp mụn quá nặng và việc điều trị bằng thuốc bôi không đem lại hiệu quả cao. Nếu dùng các thuốc kháng sinh đường uống thì bệnh nhân không nên kết hợp với các thuốc bôi chứa Retinol và Benzoyl Peroxide. Thời gian dùng kháng sinh chỉ được giới hạn trong thời gian ngắn vì sử dụng lâu ngày sẽ gây hại cho cơ thể.
Một trong những thuốc kháng sinh trị mụn đường uống hiệu quả nhất được các bác sĩ da liễu chỉ định là thuốc chứa Doxycycline. Bên cạnh công dụng tiêu diệt vi khuẩn P.Acnes, tiêu viêm, giảm sưng mụn thì Doxycycline cũng có thể khiến làn da của bệnh nhân bị nhạy cảm hơn với ánh sáng, da dễ bị bắt nắng hơn bình thường. Thuốc không dành để điều trị cho trẻ dưới 12 tuổi và phụ nữ có thai cần tham vấn từ bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
Ngoài ra còn một số loại thuốc kháng sinh trị mụn thuộc nhóm Tetracycline đó là: Minocycline, Lymecycline. Trong đó Minocycline gây ra nhiều tác dụng phụ hơn. Ngoài ra thuốc trị mụn kháng sinh đường uống còn có nhóm Macrolid như trimethoprim, TMP/TMS, Erythromycin.
Các vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thuốc trị mụn
Như đã đề cập trước đó, trong quá trình trị mụn bằng các dạng thuốc uống hoặc thuốc bôi, bạn có thể gặp phải tình trạng không đáp ứng thuốc, thuốc đem lại hiệu quả điều trị không cao. Bên cạnh đó ở một số trường hợp mặc dù bị mụn ở mức độ nhẹ và trung bình nhưng lại nôn nóng muốn mụn phải khỏi nhanh, rút ngắn thời gian điều trị nên đã tự ý tăng liều dùng, kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc với nhau khiến làn da trở nên yếu, nhạy cảm, thậm chí là mọc nhiều mụn hơn.
Khi bị mụn, người bệnh thường có xu hướng tự tìm hiểu cách chữa hoặc nghe người khác “mách" các cách trị mụn, những bài thuốc theo kinh nghiệm riêng của họ nhưng lại không biết rằng mỗi người sở hữu một làn da có cơ địa khác nhau và tình trạng mụn cũng không giống nhau. Cho nên đơn thuốc này, phương pháp này có thể tốt với người này nhưng chưa chắc đã phù hợp với người khác. Ngoài ra việc uống thuốc kháng sinh bừa bãi để trị mụn sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc trong tương lai, chưa kể đến một số tác dụng phụ có hại cho sức khỏe bạn có thể gặp phải trong quá trình dùng thuốc.
Chính vì những lý do trên, nên bạn đang gặp phải các vấn đề về mụn thì hãy đi khám tại Chuyên khoa Da liễu ở các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín.