Đầu tư để hút khách
Trong cuộc gặp gỡ các đại lý golf diễn ra tại TP. Huế vào tháng 6/2024, đại diện sân golf Golden Sands Golf Resort công bố thông tin dự kiến sân golf Golden Sands Golf Resort sẽ phục vụ những người yêu môn thể thao này từ tháng 9 năm nay. Việc Thừa Thiên Huế có thêm sân gofl chuẩn quốc tế là cơ hội để Cố đô thu hút dòng khách cao cấp, phát triển loại hình du lịch này.
Sân golf Golden Sands Golf Resort nằm trên bãi biển Vinh Xuân. Với chiều dài chuẩn thi đấu đỉnh cao thế giới 7.445 yard, nhà thiết kế Nicklaus đã kiến tạo nên một sân golf kiểu link ven biển được mệnh danh là “Tuyệt phẩm đến từ phương Đông”, với ý tưởng thiết kế thân thiện và hòa mình cùng thiên nhiên, giúp bảo tồn những thảm thực vật ngập tràn màu xanh giữa sân golf và bờ biển.
Ông Mark Reeves, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BRG chia sẻ: “Nhà thiết kế sân golf số 1 thế giới Nicklaus Design do huyền thoại golf thế giới Gấu Vàng Jack Nicklaus sáng lập đã kiến tạo Golden Sands Golf Resort trở thành một “Thử thách chơi golf khó nhất Việt Nam”, với độ khó được tính toán đạt hơn 10 gậy so với bất cứ sân golf hiện tại nào tại Việt Nam. Tôi tin rằng với thiết kế dành riêng cho các nhà vô địch này, sân golf Golden Sands Golf Resort sẽ trở thành điểm đến đẳng cấp quốc tế và thu hút du khách trong và ngoài nước, đóng góp vào sự phát triển môn thể thao golf và du lịch nghỉ dưỡng của Thừa Thiên Huế”.
Cơ hội từ du lịch golf rất lớn. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch golf thế giới, hiện có 61 quốc gia thành viên với khoảng 638 công ty du lịch golf, kiểm soát 87% thị trường toàn cầu. Du lịch golf được xếp thứ 3 về động cơ du lịch. Doanh thu ngành golf hiện nay đạt hơn 1 tỷ USD mỗi năm, dự báo đạt 3 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, lâu nay nhắc đến golf và loại hình du lịch này, Huế chỉ mới chính thức khai thác 1 sân golf, đó là Laguna Golf Lăng Cô. Mặc dù sân golf này đã khẳng định được thương hiệu trên “bản đồ” golf cả nước và khu vực, nhưng để thu hút dòng khách cao cấp này đến Huế nhiều hơn, còn nhiều việc phải làm, nhất là câu chuyện kết nối, đầu tư hạ tầng, dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, du lịch golf phục vụ dòng khách chuyên biệt. Cùng với người chơi golf, người thân của họ đi theo cũng có những nhu cầu khám phá, trải nghiệm du lịch. Ngành du lịch khuyến khích các địa phương gần khu vực các sân golf khai thác các dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nghề truyền thống, tham quan các điểm di tích kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.
Gắn kết để phát triển
HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) khu du lịch sân golf xã Hương Thọ (TP. Huế) và xã Bình Thành (thị xã Hương Trà), có diện tích khoảng 90ha. Khu du lịch này sẽ đầu tư xây dựng sân golf, các khu vực phụ trợ kết hợp du lịch nghỉ dưỡng được thiết kế theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, phục vụ cho cộng đồng dân cư và khách du lịch.
Theo đại diện Cục Du lịch quốc gia, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Đây cũng là một trong những sản phẩm chính đang được ngành du lịch quan tâm phát triển, nhằm thu hút đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.
Khách chơi golf thường có thu nhập cao, đến và quay lại những điểm chơi golf nhiều lần. Họ không chỉ chơi golf, mà còn sử dụng chuỗi dịch vụ cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng... Do đó, đầu tư phát triển du lịch golf cũng là con đường cho du lịch Việt nâng tầm chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và thu hút dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày.
Để phát triển du lịch golf, cần phải triển khai hàng loạt giải pháp. Trong đó, cần tăng cường sự kết nối, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu giữa các câu lạc bộ golf, sân golf. Điều quan trọng là để phát triển du lịch, chính quyền địa phương và ngành du lịch cần đa dạng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch golf. Đồng thời tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không, sân golf, chính quyền địa phương.
Lâu nay, sự kết nối, thống nhất để hình thành những tour chuyên biệt về golf hiện vẫn chưa rõ ràng. Vấn đề khó khăn nằm ở chính sách về giá tour và đây là bài toán cần có sự gắn kết, hợp tác tốt hơn từ phía các sân golf và đại diện các doanh nghiệp lữ hành.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, bên cạnh việc kết nối doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch, sở cũng tăng cường công tác quảng bá, truyền thông về du lịch golf. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cùng một số đơn vị quản lý sân golf ở 3 địa phương và hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức một số giải golf liên kết sử dụng sân golf của 3 địa phương cùng khu nghỉ dưỡng của bên sân golf với combo ưu đãi dịch vụ vé máy bay - nghỉ dưỡng - sân golf để khách bay đến 1 trong 2 sân bay ở Huế và Đà Nẵng, kéo dài thời gian lưu trú, trải nghiệm và mua sắm ở miền Trung.