Trên trang cá nhân, Quang Đại bày tỏ cảm xúc khi đến Hội An những tháng đầu năm mới. "Những ngày tân niên, phố Hội như được khoác một chiếc áo của sự tươi mới khi từng con ngõ đều rực rỡ với sắc màu của những khóm cúc cam, hoa mai vàng, hoà quyện trong tiết trời trong lành, mát mẻ.
Chọn một quán nước khúc quanh chùa Cầu, trước mắt dòng sông Hoài, ở phía bên là bức tường vàng đã đượm chút màu của thời gian rêu phong, mình thưởng thức một ly cà phê ấm thơm lừng, rồi ngắm nhìn người người nhà đi chùa cầu lộc, đi dạo Tết du xuân. Một điều mình thấy rất đặc biệt ở những ngày xuân Hội An chính là lá bàng đỏ. Những góc phố rợp màu đỏ của từng chiếc lá bàng, gợi đến một cảm giác gì đó thật cổ kính. Bàng đỏ phủ trên từng mái ngói nhà cổ, trên từng khung cửa, trên từng cành cây kẽ lá. Những ngày ở Hội An, dậy sớm một chút để ngắm nhìn cảnh vật và con người bình yên, chậm rãi và khoan thai thật dễ chịu", anh viết.
Anh kể lại những trải nghiệm khó quên khi đặt chân đến Hoài Phố (tên gọi khác của Hội An. Buổi sáng mượn chiếc xe đạp của homestay, dạo một vòng phố cổ, mua ổ bánh mì ăn sáng và tiện thăm thú phố phường.
Khắp phố phường, hoa xuân rực rỡ khắp ngõ ngách, cũng không kìm lòng được mà mua một bó hoa về. Người dân Hội An hiền hòa, luôn chào đón mọi vị khách với nụ cười gần gũi, như thể đứa cháu đi xa đã lâu mới về.
"Cảm giác rất đỗi thân thuộc, khiến người ta cứ quyến luyến những điều bình dị tại Hội An như thế. Trái cây ở đây cũng tươi lắm, nếu có dịp đến bạn nhớ mua ủng hộ người dân địa phương và cũng có thêm chút quà ăn vặt giải nhiệt, tươi mát đó.
Rồi những buổi tối, ngắm nhìn mọi người thả hoa đăng trên sông Hoài tựa như thả hồn mình nhẹ nhàng trôi theo thanh âm lãng mạn nơi chốn phố Hội này. Những chiếc hoa đăng mang theo những lời cầu nguyện về một cuộc sống mà họ mong muốn, những lời cầu chúc cho sự bình an. Mình cũng thả một chiếc đèn hoa nhưng mình chẳng cầu mong gì. Vì mình nghĩ cuối cùng thì mọi thứ đều do chính mình gây dựng nên mà thôi", Quang Đại tâm sự.
Đến Hội An không chỉ được đắm mình trong vẻ đẹp bình dị của phố cổ, du lịch phố cổ Hội An chính là sự trải nghiệm sâu sắc về sự giao thoa giữa các nền văn hóa phương Đông đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và văn hóa Việt. Bởi Hội An vốn là thương cảng đông đúc và sầm uất nhất tồn tại dưới triều Nguyễn cách đây khoảng 200 năm, chính sự giao thương giữa Việt Nam và các nước khác (Nhật Bản, Trung Quốc,...) đã tạo nên một Hội An đa văn hóa, đa sắc màu tồn tại đến ngày nay.