Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thanh bình cảnh làng quê xưa tại địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi không chỉ là một hệ thống hầm ngầm phức tạp nằm dưới lòng đất, mà nơi đây còn có khu tham quan tái hiện vùng giải phóng, phục dựng 6 làng quê yên bình tại "vùng đất thép".

Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km về phía Tây Bắc. “Thành phố ngầm” này được xây dựng và mở rộng từ những năm 1946 với hệ thống đường hầm dài 250 km. Những hầm này không chỉ là nơi trú ẩn cho quân đội và người dân mà còn là nơi tổ chức các hoạt động quân sự như hội họp, y tế, sản xuất vũ khí và trữ lương thực trong thời chiến. 

Bên cạnh “thế giới dưới lòng đất” nổi tiếng được UNESCO công nhận, phía trên khu di tích địa đạo còn có vùng giải phóng với diện tích 38,5ha, tái hiện lại cảnh quan và cuộc sống tại Củ Chi sau khi được giải phóng khỏi quân xâm lược. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm những thước phim tài liệu tái hiện lại những năm tháng chiến đấu, cuộc sống sinh hoạt của quân và dân ta trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến năm 1972. 

51c34fa4d072712c28636-1715608096.jpg
Tái hiện nơi truyền tin trong thời chiến.

Công trình này được chia thành ba không gian như sau:

Không gian 1: Tái hiện thời điểm chiến tranh từ năm 1961 đến 1964. Giới thiệu về cuộc sống chiến đấu, sinh hoạt, lao động và học tập của người dân, các cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong vùng giải phóng Củ Chi thông qua các mô hình sống động.

b5065157ce816fdf36907-1715608096.jpg
Tái hiện không gian nhà ngói nền đất cùng đồng chí cán bộ đang suy nghĩ sách lược đánh giặc.

Không gian 2: Tái hiện cảnh làng quê tan hoang và cuộc sống đau thương của người dân trong chiến tranh khi bị bom đạn tàn phá vào giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1968.

Không gian 3: Tái hiện lại vùng đất Củ Chi trong thời gian từ năm 1969 đến năm 1972, khi bị địch ném xuống hàng trăm tấn chất độc hóa học và bom đạn, biến nơi này thành vùng đất trắng hoang tàn, không còn sự sống trên mặt đất mà chỉ còn lại là những vỏ bom đạn, xác máy bay và xe tăng. Điều này khiến cho người dân và các chiến sĩ chỉ có thể sinh hoạt dưới lòng đất.

d8b083b31c65bd3be47415-1715608097.jpg
Tái hiện cảnh chế tạo lại vũ khí.

Trong Vùng giải phóng có tổng cộng 6 căn nhà với lối kiến trúc khác nhau, tương ứng với 6 xã an toàn khu thuộc huyện Củ Chi trong thời chống Mỹ bao gồm: An Nhơn Tây, An Phú, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng. Những xã này không chỉ cung cấp nền tảng địa lý lý tưởng cho việc ẩn náu và tổ chức hoạt động quân sự mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực và tài nguyên cho các hoạt động của quân giải phóng lúc bấy giờ. 

Thông qua không gian từng căn nhà, du khách hiểu sâu hơn về cuộc sống nông thôn Nam Bộ. Nơi đây có khoảng sân đất, trước sân trồng trầu, cau. Nhà được lợp lá, tường bằng đất, trong nhà có các mô hình tái hiện cuộc sống người dân lúc bấy giờ: vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu. 

screenshot-100-1715609116.png
 
b0ac04db9b0d3a53631c4-1715608097.jpg
Ngôi nhà tranh vách đất đậm chất Nam Bộ.

Du khách đặc biệt ấn tượng với hoạt động tráng bánh trong không gian nhà tranh từ nhân viên địa đạo. Đây là một hoạt động tương tác, cho phép khách du lịch tham gia và trải nghiệm cách làm bánh tráng truyền thống. Các hướng dẫn viên cung cấp thông tin chi tiết về nguyên liệu và kỹ thuật làm bánh, cũng như giải thích vai trò của tráng bánh trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây. 

554158ccc61a67443e0b1-1715608096.jpg
Hình ảnh người phụ nữ Củ Chi tay thoăn thoắt tráng nên những chiếc bánh khiến du khách thích thú.
8c822ec5b113104d49029-1715608096.jpg
Cảnh người nông dân cấy lúa và bắt cá cũng được dựng lại bằng "người thật, việc thật".

Giữa chuyến hành trình, du khách dừng chân tại khu chợ quê. Đây là một cách để giới thiệu văn hóa và lịch sử của vùng đất Củ Chi thông qua việc trưng bày và bán các sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương. Khách du lịch được mời tham quan các gian hàng bày bán các sản phẩm địa phương như rau củ, trái cây, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ và các loại hàng thủ công truyền thống.

Bên cạnh vùng giải phóng thanh bình, du khách không thể nào bỏ qua đặc sản “chui hầm” khi đến nơi đây. Khu di tích có đa dạng các loại hầm đã được gia cố và mở rộng để tiện cho việc tham quan. Du khách có thể chọn trải nghiệm đến những căn hầm có chiều dài khác nhau, chiêm ngưỡng “vương quốc dưới lòng đất” đồ sộ với từng chức năng riêng biệt từ hội họp, cứu thương đến sinh hoạt… 

56353ac6a510044e5d0117-1715607939.jpg
Du khách hào hứng trải nghiệm chui hầm địa đạo.

Các căn hầm tại đây có diện tích nhỏ, đủ một người chui qua. Tùy vào tình trạng thể lực và sức khỏe có thể lựa chọn trải nghiệm hầm dài 15m, 25m... Đặc biệt trước lối vào hầm có bảng khuyến cáo những người có vấn đề về tim mạch, huyết áp không nên thử. 

9ed8fe3461e2c0bc99f318-1715607987.jpg
Bạn trẻ hứng khởi check-in bên trong địa đạo.

Sau một ngày khám phá địa đạo Củ Chi, bạn Thanh Thuy (23 tuổi) cảm nhận nơi đây thật thú vị và bổ ích. “Đây là lần đầu tôi đến khu di tích này, thật sự bất ngờ về sự chỉn chu tại đây. Củ Chi thật sự đầu tư và thành công khi biến khu di tích lịch sử hào hùng trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Tôi ấn tượng với những ngôi làng đầy thanh bình nơi đây, hay hình ảnh cấy lúa, bắt cá... đậm chất Nam Bộ”, Thanh Thuy cho biết thêm.

Khi xưa địa đạo Củ Chi không chỉ là nơi trú ẩn của dân và quân ta, mà còn là trung tâm tổ chức hoạt động quân sự. Ngày nay, địa đạo Củ Chi đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi đến tham quan, hiểu rõ hơn về lịch sử và chiến thuật quân sự độc đáo của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Bài, ảnh: Y Thanh