Những điểm đến gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam, bạn đã biết chưa?

Ngày nay, đây là những điểm đến thể hiện lòng tự hào dân tộc và là nơi giáo dục, lan toả về tình yêu quê hương đất nước cho người con đất Việt.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nơi yên nghỉ vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay còn gọi Lăng Bác, là nơi gìn giữ di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng được chính thức khởi công ngày 2/9/1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Người từng chủ trì các cuộc gặp mặt quan trọng.

lang-bac-nks-1721498025.jpg
Khung cảnh trước khuôn viên Lăng Hồ Chủ tịch. Ảnh: Việt Nam ơi

Lăng được khánh thành vào ngày 29/8/1975, gồm 3 lớp với chiều cao 21,6m, chiều rộng 41,2m, ớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang. Bên ngoài lăng được ốp bằng đá granite xám, bên trong làm bằng đá xám và đỏ được đánh bóng.

lang-chu-tich-ho-chi-minh-1-1685366034-1721497981.jpg
Ảnh: Việt Nam ơi.

Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính có dòng chữ: "CHỦ TỊCH HỒ-CHÍ-MINH" bằng đá hồng màu mận chín. Xung quanh lăng là các khu vườn nơi trồng hơn 250 loài thực vật được đưa về từ khắp mọi miền của Việt Nam.

Với công dân Việt Nam được miễn phí vào thăm Lăng Bác, khách nước ngoài: 25.000 VND/khách.
Thời gian tổ chức hoạt động viếng thăm Lăng Bác:

screenshot-2024-07-21-002013-1721498818.png
Ảnh: Hà Nội tour.

Lưu ý: Mặc dù thứ Hai và thứ Sáu là ngày đóng cửa để bảo trì Lăng Bác nhưng nếu ngày này rơi vào dịp lễ như 2/9, Mùng 1 Tết, ngày sinh Bác Hồ 19/5... thì vẫn mở cửa để đón khách viếng thăm.

Thành cổ Quảng Trị - 81 ngày đêm hào hùng

Sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là bản hùng ca bất tử vang mãi muôn đời. Trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt (từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972), trên toàn bộ khu vực Thành cổ, Mỹ đã ném xuống hơn 328.000 tấn bom. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất, cỏ cây nơi đây.

Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử một trang sử vàng chói lọi, một tượng đài về khát vọng độc lập, hòa bình. Các anh hùng liệt sĩ ngã xuống trên mảnh đất này không phải để viết nên một trang sử bi tráng mà viết nên một trang hòa bình.

thanh-co-quang-tri-2-1024x655-1721498239.jpg
Hình ảnh về khu vực Thành cổ thời xưa. Ảnh: Phong Nha Explore
thanh-co-quang-tri-7-1721498239.jpg
Thành cổ Quảng Trị với những trang sử đầy hào hùng. Ảnh: Phong Nha Explore.

Chính vì vậy, xây dựng Thành cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng hòa bình là niềm mong mỏi của chiến sĩ, đồng bào và nhân dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Giờ đây, Thành cổ với màu xanh bình yên nằm giữa lòng khu đô thị trẻ sầm uất - thị xã Quảng Trị bên dòng Thạch Hãn, nhưng những dấu tích vẫn còn lưu mãi về một thời hào hùng, là cội nguồn nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

thanh-co-quang-tri-16-1721498392.jpg
Ảnh: Phong Nha Explore.

Du khách có thể thăm Thành cổ Quảng Trị từ 7h đến 17h mỗi ngày, kể cả ngày lễ và Chủ nhật. Khi đến đây, hãy tuân thủ quy định và nghi lễ của khu di tích để có những trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ tại địa danh lịch sử này.

Bến tàu không số K15 - Nơi khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển

Đây là một trong những di tích lịch sử hào hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Chiến tranh đã đi qua nhưng di tích Bến tàu không số K15 vẫn còn tồn tại và trở thành một trong những điểm du lịch rất nổi tiếng ở Hải Phòng.

ben-tau-khong-so-hai-phong-1-1624590563-1-1721498423.jpg
Bến tàu không số K15 còn được biết đến với cái tên thân thương “bến Nghiêng”. Ảnh: Quang Minh

Bến tàu không số K15 hay còn được biết tới với cái tên thân thương mà giản dị là “bến Nghiêng”, thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Bến tàu không số K15 đã được xây dựng khá lâu từ thời kháng chiến chống Mỹ và tồn tại cho tới ngày nay như một biểu tượng quen thuộc đối với mỗi người dân đất Cảng. 

Theo ông Nguyễn Minh Tân - cựu chiến binh Đoàn vận tải biển 759, người trực tiếp làm nhiệm vụ trên những con tàu không số kể lại lí do có tên "Bến tàu không số", bởi để đảm bảo bí mật cho con đường vận tải đặc biệt. Những chiếc tàu làm nhiệm vụ phải cải trang thành tàu đánh cá, không được có số hiệu cố định để trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân trên biển.

2-7-1721498559.jpg
Đài tưởng niệm tại Bến tàu không số K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng). Ảnh: Quang Minh.

Mỗi lần ra khơi tàu đều phải chọn những ngày thời tiết cực đoan nhất, mưa gió bão bùng. Những người lái thuyền đều những là thanh niên trẻ tuổi, sẵn sàng hy sinh, cải trang thành người đánh cá, khách đi tàu, dân buôn,... Nhiều người thậm chí chưa từng đi con đường biển này, không biết đường biển từ Bắc vào Nam nhưng vẫn lái những “con tàu không số” cập bến một cách an toàn. Thật đáng tự hào cho những người lính trẻ tuổi thời kỳ đó. 

Tháng 4/1963, lực lượng công binh đã xây dựng cầu tàu không số K15 - cột mốc số 0 nay vẫn còn tồn tại, chính thức là điểm khởi đầu của đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong suốt thời gian kháng chiến, từ bến tàu không số K15 đã có hàng trăm lượt tàu xuất phát, vận chuyển thành công hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị hỗ trợ và hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam để viện trợ chiến trường. 

Ngày 18/8/2008, bến tàu K15 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia (theo Quyết định số 63 /2007/QĐ-BVHTTDL). 

Vĩ tuyến 17 - Cột cờ bên bờ Hiền Lương

Vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị là biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng suốt 21 năm (1954-1975). Đây không chỉ là điểm đến tri ân mà còn là hiện thân, nơi hội tụ của khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.

vituyen17-1721498697.jpg
Cột cờ Hiền Lương bên sông Bến Hải trở thành biểu tượng, niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: Tân Minh

Địa danh Hiền Lương - Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - Ngụy. Sau khi Hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết (ngày 20/7/1954), nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.

vt17-hienluong-6671-1721498742.jpg
Vĩ tuyến 17, Cột cờ bên bờ Hiền Lương hiện tại. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Ngã Ba Đồng Lộc - Đất thiêng của 10 đóa hoa rực rỡ anh hùng

Ngã ba Đồng Lộc từng là “tọa độ chết” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ khi mang trên mình những hố bom chi chít. Đến nay, nơi đây đã trở thành di tích tham quan với những huyền thoại linh thiêng.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mọi con đường chi viện từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Chính vì sự hiểm yếu này mà không quân Mỹ đã liên tục cho máy bay ném bom đánh phá Đồng Lộc nhằm mục đích cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về miền Nam. Vì thế, Đồng Lộc còn được mệnh danh là “tọa độ chết” khi mỗi m2 nơi đây đều phải gánh tới 3 quả bom tấn. 

Theo dòng lịch sử, trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 (do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng) thuộc Đại đội 552 được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa ném bom để thông đường cho xe đi qua. Nhận nhiệm vụ, các chị đã đến hiện trường gấp rút san lấp, mở đường. Đến 16H30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom đã rơi trúng 10 cô gái. Cả trận địa lặng đi, rồi vỡ òa bởi tiếng khóc. Các cô gái đã hy sinh ở lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời.

nga-ba-dong-loc-2-1629474190-1721498891.jpg
Toàn cảnh ngã ba Đồng Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Việt Nam ơi.

Và còn rất nhiều những tấm gương liệt sĩ anh hùng trong số hơn 4.000 người con đất Việt đã nằm lại nơi mảnh đất “máu và hoa” này. Bởi vậy, dù đã 53 năm trôi qua, ngã ba Đồng Lộc vẫn là “địa chỉ đỏ” mà hàng triệu trái tim người Việt hướng về.

Hiện tại nơi đây có tượng đài tri ân sự hy sinh cao cả của 10 cô gái và tập thể lực lượng thanh niên xung phong trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, những câu chuyện huyền thoại về Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên trong tim mỗi người. 

nga-ba-dong-loc-7-1629474329-1721499007.jpg
Tượng đài chiến thắng với ý nghĩa tri ân sâu sắc. Ảnh: Việt Nam ơi.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ thành phố Hà Tĩnh, du khách theo quốc lộ 1A đi về phía Bắc khoảng 9km. Khi đến ngã ba Giang thì rẽ trái, đi tiếp 10km là đến khu di tích. Khu di tích mở cửa tham quan từ: 7h - 18h. Giá vé tham khảo: Gồm vé tham quan ngã ba Đồng Lộc 10.000 VNĐ/người và vé xe điện 10.000 VND/người/lượt.

Ngoài những địa điểm trên, vẫn còn nhiều điểm đến khác gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trên khắp dải đất hình chữ S có thể kể đến như: Chiến khu Tân Trào - Tuyên Quang, Khu di tích lịch sử Kim Liên - Nghệ An, Đền Trần - Thái Bình/Nam Định,...

Ngân Hà