Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Về thăm Di tích đồi A1 - "địa chỉ đỏ" của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đồi A1 có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Trong 56 ngày đêm bão lửa của chiến dịch Điện Biên Phủ thì trận đánh ở đồi A1 diễn ra trong 39 ngày đêm.

Nằm tại thành phố Điện Biên Phủ, đồi A1 là một trong những địa điểm lịch sử ghi dấu chiến thắng hào hùng của dân tộc. Nhằm thực hiện kế hoạch Nava, từ giữa năm 1953, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Tại đây, quân Pháp đã bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, cùng nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại. 

Tổng số quân Pháp ở Điện Biên Phủ lúc bấy giờ lên đến 16.200 tên bao gồm: 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải với khoảng 200 chiếc, 1 tiểu đoàn công binh cùng phi đội không quân với 17 chiếc. Pháp chia tập đoàn cứ điểm làm 3 phân khu là: Phân khu Trung tâm, Phân khu Bắc, Phân khu Isabelle với 10 Trung tâm đề kháng gồm 49 cứ điểm. Trong quá trình diễn ra trận đánh, tập đoàn cứ điểm được tổ chức lại nhiều lần.

Theo đó đồi A1 là 1 trong 7 cứ điểm thuộc Trung tâm đề kháng Eliane 2 nằm ở phía Đông phân khu Trung tâm, tả ngạn sông Nậm Rốm. Đồi A1 có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Ngọn đồi này cao hơn mặt đất 49m, rộng khoảng 80m, giáp với nhiều cứ điểm quan trọng khác như: C1, C2, A2, A3 và gần Sở Chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri. 

Trong 56 ngày đêm bão lửa của chiến dịch Điện Biên Phủ thì trận đánh ở đồi A1 diễn ra trong 39 ngày đêm, hơn 2.500 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại đây. Ngày nay khi đến thăm khu di tích đồi A1, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những dấu tích còn sót lại của trận đánh ác liệt năm xưa như xe tăng 18 tấn, hệ thống hầm hào của quân Pháp cùng vết tích hố bộc phá của Quân đội Nhân dân Việt Nam,...

doi-a1-3-1708783247.jpg
Ngày nay Di tích đồi A1 là một trong những điểm đến lịch sử nổi tiếng gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ.
doi-a1-7-1708783229.jpg
Đồi A1 là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lúc bấy giờ.
doi-a1-8-1708783228.jpg
Hệ thống hầm hào vô cùng phức tạp tại đồi A1.
doi-a1-5-1708783247.jpg
Tại đây một số hiện vật lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày.
doi-a1-4-1708783247.jpg
Đồi A1, một trong những cứ điểm mạnh của quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
doi-a1-6-1708783229.jpg
Quang cảnh đồi A1.

Nằm ngay cạnh Di tích đồi A1 là Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên, công trình này gồm các hạng mục là: Đền thờ chính, nhà Tiền tế, các nhà Tả vu, Hữu vu, nhà dịch vụ. Đền thờ chính được xây dựng bằng bê tông cốt thép đổ toàn khối, kết hợp hệ kiến trúc gỗ theo phong cách truyền thống với mái lợp ngói, nền nhà và bậc được lát bằng đá granit.

Bên cạnh đó còn có một loạt các hạng mục phụ trợ như: cổng vào, sân dẫn nhập, hệ thống đường dẫn, hệ thống đường dẫn, sân và hồ tĩnh tâm, hệ thống cây xanh, cảnh quan, ... Cổng vào được thiết kế gồm 4 cột trụ bê tông cốt thép ốp đá, hoa văn cách điệu từ họa tiết hoa hồi, ...

nghia-trang-liet-si-dien-bien-phu-1-1708820905.jpg
Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ là một điểm đến tâm linh nhằm tưởng nhớ anh linh những người chiến sĩ đã ngã xuống trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của dân tộc.
nghia-trang-liet-si-dien-bien-phu-2-1708820905.jpg
Hồ tưởng niệm tại Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.

Theo Cổng thông tin của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên: “Hồ tưởng niệm hình bán nguyệt tượng trưng cho con ngươi trong mắt của người chiến sĩ khi ngã xuống. Khi nhìn vào mặt hồ tưởng niệm in bóng mây trời Mường Thanh, đó chính là khoảnh khắc chia sẻ, cảm nhận giữa chúng ta và những người đã khuất.

Lòng hồ được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, vào buổi tối khi ánh điện sáng lên sẽ tỏa bóng lung linh trên mặt nước như những ngọn nến trong đêm. 56 cây đèn đặt chính giữa tượng trưng cho 56 ngày đêm bão lửa của chiến dịch Điện Biên Phủ, 56 cây đèn tạo thành hình ngôi sao năm cánh tượng trưng ngôi sao trên lá quốc kỳ.”

nghia-trang-liet-si-3-1708820905.jpg
Đền thờ mang phong cách kiến trúc truyền thống, được lợp ngói và xây dựng bằng gỗ lim.
Bài và ảnh: Nhật Tân