1. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Tọa lạc tại trên đường Võ Nguyên Giáp, đối diện với Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, những chiến công hào hùng của dân tộc ta. Bảo tàng được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên diện tích 22.000 m2 và chính thức mở cửa đón khách vào ngày 5/5/2014.

Đây là công trình mang tính biểu tượng được thiết kế gồm một tầng hầm và một tầng nổi với dạng hình nón cụt, phần trang trí xung quanh tạo thành hình quả trám tượng trưng cho tấm lưới ngụy trang của chiếc mũ anh bộ đội. Tầng hầm là nơi trưng bày các hiện vật, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ vui chơi giải trí,... Tầng nổi là không gian trưng bày cố định chuyên đề chiến thắng Điện Biên Phủ với bức tranh Panorama có chiều dài hơn 3.000m2 tái hiện 4.500 nhân vật giữa trận chiến 56 ngày cuối cùng do hơn 200 họa sĩ thực hiện đã được trao giải Nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022.
2. Di tích lịch sử đồi A1
Nằm tại thành phố Điện Biên Phủ, đồi A1 cũng là một trong những địa điểm lịch sử ghi dấu chiến thắng hào hùng của dân tộc. Nơi đây là một trong những cứ điểm được Pháp xây dựng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có ý nghĩa quan trọng bậc nhất và được coi là tấm lá chắn cuối cùng che chở cho Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong 56 ngày đêm bão lửa của chiến dịch Điện Biên Phủ thì trận đánh ở đồi A1 diễn ra trong 39 ngày đêm, hơn 2.500 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại đây.

Ngày nay khi đến thăm khu di tích đồi A1, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những dấu tích còn sót lại của trận đánh ác liệt năm xưa như xe tăng 18 tấn, hệ thống hầm hào của quân Pháp cùng vết tích hố bộc phá của Quân đội Nhân dân Việt Nam,...

3. Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng
Nằm tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là địa điểm lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nơi đây nằm trong một khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn. Với địa thế đặc biệt, Mường Phăng được chọn là nơi đóng quân cuối cùng của Bộ Chỉ huy chiến dịch từ ngày 31/1/1954 đến 15/5/1954 với hơn 20 lán làm việc và hầm trú ẩn của các bộ phận tham mưu.

Cũng chính trong thời gian ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, chiến lược có ý nghĩa quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

4. Công viên chiến thắng Mường Phăng
Nằm cách Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 300m, công viên chiến thắng Mường Phăng xưa kia là nơi quân dân ta hân hoan tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng vào ngày 13/5/1954.
Cụm tượng đài trong khuôn viên được ghép từ những tấm đá xanh của tỉnh Thanh Hóa bao gồm 25 nhân vật đại diện cho các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính giữa là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang và đọc nhật lệnh chào mừng trận đại thắng Điện Biên Phủ.
