Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhiều hộ kinh doanh tìm cách 'cứu' hình ảnh Phú Quốc

Một số cá nhân kinh doanh tìm cách kéo khách trở lại Phú Quốc dịp hè này, sau khi "đảo ngọc" bị ảnh hưởng bởi các vấn đề như chặt chém, giá cao.

Giá dịch vụ (gồm vé máy bay) đắt đỏ, tình trạng chặt chém, du lịch thiếu bền vững... khiến Phú Quốc mất điểm trong mắt du khách. Một số công ty lữ hành, đại lý bán combo du lịch, cũng chia sẻ tình trạng thiếu khách tương tự. AZA Travel ghi nhận lượng khách quan tâm đến Phú Quốc giảm 40%. Từ đầu năm công ty chưa có một MICE (khách đoàn) nào đến Phú Quốc, dù năm ngoái họ "chạy mệt nghỉ". Công ty du lịch Best Price cũng cho biết khách đoàn đặt tour đi Phú Quốc từ tháng 1 đến tháng 7 giảm khoảng 50%.

phuquoc-3206-1684982492-1685133243.jpg

Trước tình trạng này, một số cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch tại Phú Quốc đã lên kế hoạch "cứu" hình ảnh của "đảo ngọc". Phan Anh Phương, chủ một nhóm review du lịch Phú Quốc có hơn 300.000 thành viên, đang triển khai dự án "Phú Quốc thân thiện", nhằm giải quyết "khủng hoảng truyền thông" do vấn đề "chặt chém" gây nên. Về cơ bản, dự án này còn khá sơ khai với khoảng 100 triệu đồng tiền vốn tự góp của các thành viên chủ chốt. Khoảng 30 triệu đồng sẽ được sử dụng cho công tác truyền thông về "Phú Quốc thân thiện".

Bên cạnh đó, Anh Phương cũng hy vọng có thể đưa đến cho du khách thông tin những cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch uy tín, không "chặt chém". Họ sẽ thu thập dữ liệu về các nhà hàng, tài xế để đưa lên website, mạng xã hội, giúp du khách dễ dàng lựa chọn, kết nối. Ngoài ra, nhóm cũng giúp các nhà hàng tham gia cập nhật giá mỗi ngày.

"Chúng tôi là người làm dịch vụ du lịch trên đảo. Nếu khách không tới, bản thân chúng tôi sẽ thiệt đầu tiên nên mỗi người đều phải nỗ lực vì lợi ích chung", anh nói.

Một số hộ kinh doanh khác trên địa bàn Phú Quốc cũng đề xuất các giải pháp giúp "đảo ngọc" lấy lại hình ảnh. Ông Nguyễn Hoàng Diệu, chủ nhà hàng Gió Biển (Gành Dầu), nói các đơn vị kinh doanh nhà hàng, quán ăn nếu không thể giảm giá, hãy tăng giá trị của nhà hàng, món ăn lên. Họ có thể nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện chất lượng món ăn, cách trang trí.

Mặt khác, ông Diệu cũng đề xuất các nhà hàng, quán ăn cần công khai giá trên các phương tiện truyền thông của mình nhằm lọc khách từ đầu. Điều này có thể giúp khách tìm được nhà hàng vừa túi tiền, tránh cảm thấy bị chặt chém.

tai-xuong-2690-1684865587-1685133334.jpg

Trong khi đó, đại diện nhà hàng Shri (Dương Tơ) nói các nhà hàng có thể đa dạng cách thức truyền thông hơn nữa, như nhờ du khách đến ăn đánh giá chất lượng dịch vụ và viết review trên các hội nhóm.

Về mức hoa hồng cho tài xế, đa số chủ nhà hàng được hỏi đều nói đây là một khoản "cảm ơn" nên có bởi tài xế cũng là một kênh marketing. Tuy nhiên, các nhà hàng cần loại bỏ cách làm chộp giật, phụ thuộc nhiều vào tài xế. Mức hoa hồng nên được giữ như cũ, khoảng 10% thay vì 20-30%.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nói, thị trường du lịch có nhiều thành phần tham gia nên các rủi ro, ảnh hưởng xấu sẽ khó tránh. Do đó, bài toán đặt ra là tìm cách phòng rủi ro, thay vì "cháy chỗ nào, dập chỗ đó". Ông Thắng đánh giá cao tâm huyết của những cá nhân muốn tìm lại hình ảnh đẹp cho Phú Quốc nhưng các hành động này là chưa đủ.

236bao-chi-mot-trong-ba-kieng-chan-khong-the-thieu-cua-nganh-kinh-te-xanh-2-1685133456.jpg
Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist.

Hai năm trước ông từng đề xuất với một lãnh đạo du lịch tỉnh Kiên Giang về việc xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê tại Phú Quốc. Phú Quốc được đầu tư nhiều, có tiềm năng lớn, thuận lợi để xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê do diện tích nhỏ, vị trí biệt lập, dễ kiểm soát lượng ra và vào.

"Nếu có cơ sở dữ liệu, thống kê, Phú Quốc sẽ dễ dàng điều tiết giá, không riêng giá nhà hàng mà cả giá vé máy bay. Đó mới là cách làm du lịch bền vững", ông Thắng nói.

Cũng liên quan đến phát triển du lịch bền vững, ông Thắng cho rằng Phú Quốc cần phát triển mạnh hơn về du lịch văn hóa. Ông nhận xét nhiều người vẫn đang hiểu du lịch văn hóa theo cách hạn hẹp là những thứ được "sân khấu hóa". Trong khi đó, du lịch văn hóa thực sự là những gì len lỏi khắp nơi, có thể nhìn thấy rõ rệt trong đời sống người dân.

Ví dụ, Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan) là hai điểm đến biển hàng đầu Đông Nam Á nhờ "đậm đặc văn hóa". Phú Quốc có thể phát triển theo hướng này với di tích nhà tù Phú Quốc, giống như nhà tù Hỏa Lò đã trở thành điểm du lịch hàng đầu ở Hà Nội.

Du lịch văn hóa cũng là cầu nối đến du khách quốc tế - nhóm khách ngành du lịch Việt mong chờ sau dịch. "Ai làm du lịch cũng hiểu nhu cầu khám phá văn hóa của khách nước ngoài rất cao", ông Thắng nói.