Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn: "Cần phải hình thành liên minh bảo vệ bản quyền báo chí từ bây giờ!"

Ngày 16/3, tham dự tại phiên thảo luận “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số” gồm các diễn giả, nhà báo nổi tiếng. 
3a891227-6018-4031-9d2a-b651ede81322-1-1710610551.jpeg
Phiên thảo luận “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số” gồm các diễn giả, nhà báo kỳ cựu

Phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết: “Chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội. Tại Việt Nam, ngày 6/4/2023 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó khẳng định đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số. Để thực hiện tốt chiến lược này, một trong những thách thức lớn với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền báo chí".

Đồng thời, ông nhấn mạnh việc bảo vệ bản quyền báo chí sẽ giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc. Bảo vệ bản quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, ngày nay vẫn còn những bất cập trong việc phân định quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, chưa có sự thống nhất cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng và các cơ quan báo chí trong việc bảo vệ bản quyền. Đồng thời, sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm báo chí vẫn chưa cao. Ở góc độ chủ thể và người sáng tạo nội dung, các nhà báo và các cơ quan báo chí vẫn còn lúng túng và chưa thực sự quyết liệt trong việc bảo vệ bản quyền báo chí.

Vì vậy, phiên thảo luận sẽ tập trung làm rõ những thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí; đưa ra những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số; nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền; đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật báo chí nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền báo chí và thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triển; đóng góp của kinh nghiệm xử lý, bảo vệ bản quyền. 

7d29572b-7daa-4944-b1af-bfbedf661cd5-1-1710610619.jpeg
Toàn cảnh phiên thảo luận "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số”.

Trong phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đã trình bày tham luận “Sự cần thiết của một liên minh bảo vệ bản quyền báo chí” trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, bản quyền báo chí không phải là vấn đề mới nhưng đứng trước sự "lên ngôi" của báo điện tử, trang tin điện tử, cộng với sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, vấn đề vi phạm bản quyền báo chí gần như là bành trướng, áp đảo các nhà sản xuất tin tức. 

Cũng chính vì sự dễ dàng và nhanh chóng trong việc sao chép thông tin từ các nền tảng số, chưa kể đến những quy định pháp lý bất cập đã cho phép trang tin điện tử “núp bóng” tạp chí điện tử mọc lên như nấm. Đồng thời, ông cũng quan ngại rằng trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI đang phát triển mạnh mẽ, vấn đề vi phạm bản quyền sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi những cỗ máy này có khả năng tự tổng hợp, tự viết, tự đăng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân mà ông Toàn cho là dẫn đến sự sa sút về mặt doanh thu của các cơ quan báo chí truyền thống.

“Báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng, hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy một hướng dễ dãi, dẫn đến nhu cầu bảo vệ bản quyền trở nên không cần thiết. Bản quyền không chỉ là một vấn đề đơn lẻ, mà nó là một phần của hệ sinh thái báo chí truyền thông, có quan hệ đến sức mạnh của mọi cơ quan báo chí", ông Toàn nhấn mạnh.

530c1976-2b9d-429e-b92a-ac1b6b2c8aa9-1710610761.jpeg
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên trình bày tham luận “Sự cần thiết của một liên minh bảo vệ bản quyền báo chí”

Qua đó, ông Nguyễn Ngọc Toàn thẳng thắn đưa ra giải pháp hình thành liên minh bản quyền báo chí hội tụ đủ năm yếu tố. Đầu tiên, đây phải là liên minh của tất cả các cơ quan báo chí, nhằm gia tăng tính hiệu lực thực tế.

Thứ hai, liên minh phải kết nối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông.

Thứ ba, liên minh phải thống nhất được những luật chơi có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo chứng cũng như đứng ra làm trọng tài phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài.

Thứ tư, cần phát huy tính chất hiệp hội của liên minh để một số chế tài không nhất thiết thông qua cơ quan quản lý nhà nước mà vẫn đạt được hiệu quả răn đe.

Thứ năm, hoạt động của liên minh không chỉ mang tính hướng nội giữa các thành viên mà cần bao gồm mục tiêu giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động chính sách về bản quyền báo chí. Cuối cùng là cần phải hình thành liên minh bảo vệ bản quyền báo chí ngay từ bây giờ, trước đó cần xây dựng đội ngũ chuyên gia am hiểu luật pháp, từ đó tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đề xuất lộ trình khả thi với đầy đủ các bước thực hiện.

Bài và ảnh: Anh Thư