“Lóc cóc leng keng” tiếng mài lư đồng cứ đều đặn vang lên giữa trung tâm TP.HCM sầm uất. Những thanh âm quen thuộc đơn giản ấy cũng đủ khắc họa một làng nghề lưu truyền hơn trăm năm qua.
Nằm giữa thành phố sầm uất, làng lư đồng An Hội vẫn gìn giữ cái nghề gia truyền qua bao thế hệ. Theo thời gian dù làng nghề mai một đi chỉ còn lại 4 hộ sản xuất nhưng bếp lửa lúc nào cũng đỏ rực. Bộ ảnh dưới đây giúp độc giả cảm nhận rõ hơn về nghề thủ công mang đậm tinh hoa văn hoá dân tộc.
Giữa thành phố hoa lệ đâu đó văng vẳng âm thanh mài lư leng keng truyền đến... Đó là những thanh âm quen thuộc phát ra từ làng đúc lư đồng An Hội tọa lạc trên con đường Nguyễn Duy Cung, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Ông Trần Minh Toàn, chủ cơ sở đúc đồng Năm Toàn cho biết từ nhỏ đã ngửi mùi đất, nhìn màu đồng, nghe tiếng mài lư mà lớn lên. Ông không rõ bậc cha chú đã truyền nghề lại bao đời nhưng ít nhất đã lưu giữ qua 3 thế hệ.
Hơn 50 năm trong nghề, tuổi đời hơn tuổi nghề chẳng bao nhiêu ông Toàn trải qua thời hoàng kim của làng lư An Hội rồi chứng kiến nó lụi tàn. Ông kể vào thế kỷ XIX nơi đây có đến 20 hộ sản xuất lư, cánh thương lái ngược xuôi đặt hàng. Vốn là làng lư nổi tiếng sản xuất tinh xảo, đẹp mắt những sản phẩm lư đồng, bát hương, bình hoa được tiêu thụ khắp Nam Kỳ lục tỉnh, có lúc xuất sang tận Malaysia, Campuchia, Lào…
Trải qua hơn trăm năm, làng đúc lư đồng An Hội vẫn đỏ lửa, lưu giữ được gần như đầy đủ những tinh hoa của ông cha truyền lại. Tất cả những công đoạn sản xuất đều được làm thủ công bằng tay, từ làm khuôn đến điêu khắc hoạ tiết sản phẩm. Đảm bảo một chiếc lư đồng được tạo ra đều mang dấu vết của nghệ nhân, sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng hoạ tiết.
Hiện nay làng nghề An Hội đang trong giai đoạn tất bật chuẩn bị hàng bán dịp Tết. Các năm trước nơi đây cung ứng hàng nghìn bộ lư đồng cho thị trường khắp cả nước. Những chiếc lư, bát hương, khai rượu, bình hoa… được đánh giá cao về tạo hình, độ sáng bóng và cả nét văn hoá truyền thống được gìn giữ trong chúng.
Một bộ lư hoàn chỉnh trên bàn thờ gia tiên mà ta thấy trải qua nhiều công đoạn. Khuôn đất được đắp bằng tay. Theo người thợ thủ công, khuôn gồm một lớp sáp và nhiều lớp đất nặng thành. Khi đắp khuôn dùng 2 loại đất gồm đất sét và đất sét trộn tro trấu. Tỷ lệ phải được canh chuẩn. Chỉ việc đắp khuôn đất cơ sở sản xuất của ông Toàn phải trải qua 3 công đoạn.
Những chiếc khuôn sau khi phơi khô sẽ tiếp tục tinh chế, tỉa gọt, quét sáp. Sau khi khuôn đúc hoàn thành, sẽ đem đi nung và rót đồng vào. Tỉ lệ pha đồng mỗi cơ sở là khác nhau, lưu truyền qua mỗi thế hệ và không truyền ra bên ngoài. Có Những nghệ nhân lâu năm chỉ cần nghe tiếng lửa reo đã đoán được khuôn ra sao, đồng chảy tới đâu, thêm củi, bớt than chỗ nào.
Các bước cuối cùng khắc hoạ tiết và mài lại sản phẩm phải được những thợ tay nghề lâu năm đảm nhận. Đây là công đoạn đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ và cả khéo léo của đôi tay.
Trong tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Việt, hành kim tượng trưng cho thành công, màu vàng là sự thịnh vượng. Tập hợp cả 2 yếu tố trên lư hương được ưa chuộng và yêu thích, trở thành đồ thờ cúng không thể thiếu trên bàn gia tiên. Vào ngày Tết hay vào dịp đám tiệc, bộ lư sáng bóng trên bàn thờ tổ còn thể hiện được sự giàu sang, đầy đủ của gia chủ.
Bộ lư thành phẩm có thể trưng trong nhà.
Mặc thời gian cứ trôi, dù thành phố có nhiều đổi thay thì bếp lò ở làng An Hội vẫn đỏ rực. Ngọn lửa ấy lưu truyền bao thế hệ để cái nghề - cái nghiệp - một phần văn hoá truyền thống dân tộc tiếp nối đến ngày nay.