Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nét đẹp làng nghề: Thăm làng nhang Lê Minh Xuân - trăm năm còn mãi!

Không còn sôi động như những năm trước, làng nhang trăm tuổi lúc này thưa dần các giàn phơi trước ngõ nhưng vẫn không làm giảm đi nét đẹp đặc trưng đã có từ bao đời của làng nghề này.

Làng nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM là làng nghề truyền thống lưu truyền gần trăm năm qua. Đây được xem là một trong những trung tâm cung ứng sản phẩm nhang lớn nhất khu vực miền Nam. 

Vào dịp cận Tết hay gần các lễ lớn trong năm như giỗ tổ Vua Hùng, rằm tháng Giêng, tháng 7,... đoạn đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa dẫn vào làng sẽ tràn ngập sắc nhang vàng ươm, mùi hương nhẹ thoảng trong gió. Những con người cần mẫn làm nghề cùng với dòng chảy của thời gian hơn 100 năm  qua càng tô đậm thêm nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời của Việt Nam.

1-1696476902.jpg
Hình ảnh người dân cần mẫn phơi nhang.

Cùng với văn hoá sum vầy ngày Tết, mâm cỗ ngũ quả trên bàn gia tiên thì nén tâm nhang cũng góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Mà ở đó, những người làm nhang đã góp phần lưu lại nét đẹp truyền thống, giữ mãi hồn Việt trong những ngày lễ, Tết, cũng như các hoạt động tín ngưỡng khác.

Giữa cái nắng gắt của buổi trưa thấp thoáng tấm lưng trần cần mẫn lật từng bó nhang thơm, đó là chú Bảy (58 tuổi) - chủ cơ sở nhang lâu đời tại làng nghề này. Chú không nhớ rõ theo nghề từ lúc nào, chỉ biết trước giải phóng (1975) đã thấy gia đình làm nghề se nhang. 

lang-nhang-1-1696477126.jpg
Giàn phơi nhang ở nhà chú Bảy.

Chú Bảy cho biết làm nhang khi xưa cực lắm, phải dùng tay se từng cây tăm tre, người có nghề mới làm được. Phải biết kỹ thuật nếu không bột sẽ không dính vào chân nhang. Ngày nay dùng máy thì nhanh và đỡ vất vả hơn. Dù trong nhà có máy sấy nhưng chú vẫn lựa chọn phơi nhang ngoài trời để lên màu đẹp, mau khô và tiết kiệm điện. 

Anh Nam (32 tuổi) cũng là chủ một cơ sở sản xuất nhang tại đây chia sẻ gia đình anh làm nghề khá lâu rồi. Từ lúc anh chập chững nhận thức đã thấy cây nhang sống cùng gia đình. “Nghề này được truyền từ mẹ, không biết là truyền đời bao nhiêu năm nhưng lúc nhỏ đã thấy nhà se nhang để bán”, anh Nam bộc bạch. Đối với anh đây không chỉ là cái nghề mưu sinh mà còn là "cái nghiệp" lưu truyền qua bao thế hệ. 

lang-nhang-1696476902.jpg
Nhang được phơi trên con đường quanh làng.

Cái nghề - cái nghiệp là vậy nhưng hiện tại làng làm nhang Lê Minh Xuân cũng đang dần mai một đi ít  nhiều. Nguyên nhân phần nhiều là do nền kinh tế chững lại, nhu cầu dùng nhang giảm đi khiến các hộ sản xuất cũng giảm sản lượng. 

“Ngày này các năm trước nhà nhà chuẩn bị nhang bán tết rồi, người ta phơi đầy ngoài sân. Nhiều lúc người ta kêu mình làm không kịp luôn, mà năm nay chưa thấy gì hết. Hồi xưa nhà cô cứ một tháng hay 20 ngày là giao mấy ngàn thiên, giờ đổi thành mấy tháng mới giao như vậy. Người ta đặt mình ít lại”, cô Huệ (64 tuổi) chia sẻ. Được biết, cô theo nghề lúc còn trẻ, có giai đoạn cô bỏ nghề một thời gian nhưng rồi sau đó cũng quay lại tiếp tục.

2-1696476903.jpg
Người dân sản xuất nhang bằng máy thay cho thủ công.

Cái nghề nào cũng có cực nhọc riêng nó, nghề làm nhang cũng vậy. Vào mùa mưa nhang khó phơi, dễ ấm mốc và phai màu. Vào mùa nắng dân làm nghề phải cất công lật trở từng bó nhang giữa trời trưa nóng  nực. Đặc biệt, số lượng đặt hàng giảm, giá nhang thấp đi ít nhiều cũng khiến người dân mất dần tâm huyết với nghề.

Chưa kể nghề làm nhang cũng có phần độc hại vì suốt ngày phải tiếp xúc với bụi, bột hóa chất. Người làm nhang tiếp xúc bằng tay dễ bị nổi mẩn, ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Thế nhưng vì mưu sinh nên cũng đành chịu trận. Và hơn hết với người làm nhang, đây còn là cái nghiệp lưu truyền cả trăm năm qua, cho  nên dù vất vả cũng khó lòng rời bỏ.

Làng nghề nhang Lê Minh Xuân là một nét mực quan trọng cần lưu giữ và phát huy trong bức họa mang văn hoá truyền thống của dân tộc. Hình ảnh những người thợ cần mẫn bên bó nhang vàng ươm giữa một đô thị sầm uất như TP.HCM càng đáng được trân trọng và giữ gìn. 
 

Bài và ảnh: Y Thanh