Làng nghề nặn tò he Xuân La: Nét đẹp bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam

Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề nặn tò he. Chúng được làm bằng bột dùng để cúng lễ nên thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... nên người ta gọi sản phẩm này là "đồ chơi chim cò". Đây cũng là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam. Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được. Ngày nay, nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ.

nghe-nhan-dang-van-ha-tao-ra-nhieu-san-pham-to-he-hap-dan-phuc-vu-du-khach-1679565173.jpgNghệ nhân Đặng Văn Hạ tạo ra nhiều sản phẩm tò he hấp dẫn phục vụ du khách, Ảnh: Sở Du lịch Hà Nội

Tính đến nay, làng nghề nặn tò he Xuân La đã được gần 300 năm tuổi. Qua các thế hệ, nghề được lưu giữ lại theo hình thức cha truyền con nối. Đã có những khi, tò he tưởng chừng bị quên lãng, những nghệ nhân tưởng như không thể trụ được bằng nghề truyền thống… Nhưng cuối cùng, tò he vẫn giữ được giá trị đích thực của mình trong tâm hồn Việt.

to-he-mon-do-choi-mang-dam-ky-uc-cua-tuoi-tho-1679565725.jpgTò he - món đồ chơi mang đậm ký ức của tuổi thơ, Ảnh: laodongthudo

Trước đây, nghề nặn tò he còn được gọi là nghề nặn chim cò (bánh chim cò). Bởi người dân làng Xuân La lúc bấy giờ chỉ nặn chim, cò, và các con vật dùng để cúng lễ như: công, gà, trâu, bò, lợn cá… Sau đó mỗi chiếc bánh chim cò đều được gắn thêm một chiếc còi. Khi thổi phát ra tiếng “tò te”, nên được đọc chệch là tò he.

4-1679565822.jpgTò he đa sắc màu với nhiều hình thù con vật, nhân vật hoạt hình ngộ ngĩnh - Ảnh: VGP/Bích Phương

Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo tẻ và bột gạo nếp, pha theo tỉ lệ 10:1. Nếu thời tiết nóng, hanh khô thì tỷ lệ bột nếp sẽ nhiều hơn để giữ được độ dẻo của sản phẩm. Sau khi luộc chín, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng cho từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, xanh, đen, màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc, màu đen từ cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này.

3-1679565822.jpgTrẻ em và du khách được hòa mình vào thế giới sắc màu của tò he - Ảnh: VGP/Bích Phương

Những cục bột đa màu sắc này muốn “có hồn” phải nhờ vào bàn tay tài hoa, đầu óc sáng tạo và một trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân tò he Xuân La. Kết hợp với những đồ nghề đơn giản là một chiếc lược có chuôi, một nắm que tre, mảnh sáp ong… chỉ sau vài phút, với vài động tác véo bột, vê bột, các nghệ nhân Xuân La đã tạo ra những con tò he trong sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng và khâm phục của các khách hàng.

nan-to-he-o-xuan-la-da-tro-thanh-net-dep-van-hoa-dan-gian-1679565897.jpgNặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, Ảnh: quocphongthudo

Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ không có khó khăn gì để nặn được tò he, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nặn tò he như một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt.

du-khach-nuoc-ngoai-cung-rat-thich-to-he-1679566312.jfifDu khách nước ngoài cũng rất thích tò he, Ảnh: VTV

Nghề làm tò he ở làng Xuân La là niềm đam mê của người dân nơi đây. Các nghệ nhân, thợ nghề thường di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là vào dịp Tết Trung Thu, hay những nơi nào có đình đám, hội hè. Dần dần trải qua năm tháng, người dân làng Xuân La đã đem nghề đi khắp nơi, từ Bắc vào Nam. Sản phẩm tò he là đồ chơi thú vị, hấp dẫn trẻ em và cũng là món quà lưu niệm mộc mạc, đậm chất làng quê Việt Nam. Chính nhờ nét độc đáo và tài tình trong cách tạo nên đồ chơi cho trẻ thơ mà sản phẩm tò he làng Xuân La đã được giới thiệu, quảng bá tại nhiều nước trên thế giới và đã tạo ấn tượng với bạn bè quốc tế.