Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nét đẹp làng nghề: Độc đáo làng nặn tượng ông Táo duy nhất ở xứ Huế

Nằm nép mình bên dòng sông Hương thơ mộng, làng Địa Linh (TP Huế) là ngôi làng duy nhất vẫn còn duy trì nghề làm tượng ông Táo.
z5729982040138-4f2717665c3d01d76a4972d432aca654-1723620238.jpg
Làng Địa Linh nhìn từ trên cao.

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ông Táo là vị thần bếp núc, người quản lý việc nhà cửa và mang lại sự bình an, may mắn cho gia đình. Với người dân xứ Huế, tượng ông Táo được người dân đặt lên bàn thờ ông Táo vào mỗi năm để cầu mong một năm mới may mắn và an khang. Trải qua nhiều biến đổi của thời gian, nghề làm ông Táo đã từng có nguy cơ bị lãng quên. Thế nhưng nhờ lòng yêu nghề, tại làng Địa Linh hiện tại vẫn còn một gia đình duy nhất vẫn duy trì được nghề nặn tượng ông Táo cho đến nay.

Nghề làm ông Táo ở Địa Linh được làm bởi sự tỉ mỉ và khéo léo từ việc chọn loại đất sét tốt nhất, nhào nặn thành hình, phơi khô dưới nắng, đến công đoạn cuối cùng là nung tượng trong lò. Để hoàn thành một tượng ông Táo, người thợ phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất và cho đất sét vàng vào khuôn đúc làm từ gỗ lim, được đục chạm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau sau đó ép thật chặt đất sét vào khuôn để ra được sản phẩn hoàn chỉnh.

z5729941705220-735fc908cd752a24ab7f76ec68b7aa54-1723622195.jpg
Công đoạn đầu tiên là nhào nặn đất bỏ vào khung để ra hình ông Táo.

Bước tiếp theo, sau khi tượng được lấy ra khỏi khuôn, người thợ sẽ đem phơi nắng đến khô và cho vào lò nung với thời gian từ 2 - 3 ngày. Những hình tượng sau khi nung có màu vàng nhạt đặc trưng của đất sét, sau đó tượng ông Táo được người thợ trang trí thêm màu sơn và bột kim tuyến trước khi bán ra thị trường.

Theo đó, tượng ông táo có kích cỡ rộng khoảng 12cm và cao khoảng 10cm và mỗi bức tượng ông Táo được bán ra thị trường với mức giá khoảng từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/tượng.

z5729941719889-e63797dcbed1694986a8f77afdec1c2d-1723622591.jpg
Những bức tượng sau khi nhào nặn sẽ được đem đi phơi nắng.
z5729941746023-b269f53cba5e8b74568fafb76b22df77-1723620198.jpg
Cuối cùng, tượng sẽ được tô màu để bán ra thị trường.

Hiện tại, ở làng Địa Linh, gia đình của ông Võ Văn Nam là những người cuối cùng còn theo đuổi và duy trì nghề làm ông Táo. Trải qua 4 đời đến nay, gia đình ông Nam vẫn tiếp tục theo nghề vì nghề không chỉ là kế sinh nhai mà còn là niềm đam mê, là trách nhiệm đối với tổ tiên và văn hóa.

Con gái ông Nam, một trong những người hiện tại vẫn còn duy trì nghề chia sẻ rằng, ngày xưa tại làng Địa Linh có rất nhiều công nhân làm nghề nặn ông táo. Tuy nhiên, vì thu nhập ít ỏi nên mọi người đã dần bỏ nghề để chuyển qua nghề mới hoặc đi xa xứ để lập nghiệp.

z5729941728713-1921ff2f7f305942288fc8f806ee09f8-1723624172.jpg

Hiện nay, làng Địa Linh không chỉ là nơi gìn giữ một nghề truyền thống mà còn trở thành địa điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây để tìm hiểu về một nghề truyền thống. Đến đây, du khách sẽ tận mắt quan sát toàn bộ quy trình làm tượng ông Táo từ những giai đoạn nhào nặn đất sét đến nung tượng trong lò. Những chia sẻ của người thợ về nghề cũng một phần nào giúp du khách hiểu hơn về lịch sử và ý nghĩa của nghề làm tượng ông Táo.

Ngoài ra khi đến đây, du khách còn có thể mua những bức tượng ông Táo về làm kỷ niệm như một cách để ủng hộ và gìn giữ nghề truyền thống cũng như cảm nhận được lòng đam mê và sự kiên trì của người nghệ nhân cuối cùng còn bám nghề. Ngoài ra, đây còn là một biểu tượng của sự may mắn và bình an trong đời sống tâm linh của người Việt.

z5729941749729-96f1e1b36da19b315ce45632bc35731f-1723623988.jpg

Dù nghề làm ông Táo ở làng Địa Linh hiện đang đứng trước nguy cơ mai một khi chỉ còn lại một gia đình tiếp tục giữ nghề. Tuy nhiên, tục cúng đưa - rước ông Táo là tập quán sẽ không bao giờ nhạt phai và nghề làm tượng ông Táo sẽ mãi là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa đặc sắc của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây không chỉ là nghề mà còn là niềm tự hào của người dân Địa Linh và là di sản quý giá của cả dân tộc cần được giữ gìn và trân trọng.

Bài: Q.H - Ảnh: Xuân Thao