Nét đẹp cổ kính "có 1 không 2" của ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi tại Sài Gòn

Đến TP.HCM, bạn hãy dành thời gian viếng thăm chùa Ngọc Hoàng - một trong những ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi - để cùng trở về chốn an yên, thanh tịnh trong tâm hồn và chiêm ngưỡng di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã đi vào sử sách.
z4562217228058-38417ad3cf609a499026d1cd74ef62e9-1690785113.jpg
Ngôi miếu nhỏ thờ thần Hộ Pháp trước chùa Ngọc Hoàng - ảnh: Hồng Đăng

Chùa Ngọc Hoàng hay còn được gọi bằng tên điện Ngọc Hoàng hay Phước Hải tự. Một tên gọi đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu, là một ngôi chùa được xây dựng đầu thế kỷ 20 với lối kiến trúc theo kiểu đền chùa Trung Hoa.

Chùa rộng khoảng 2.300m2 nằm yên tĩnh ở một khu phố nhỏ trung tâm Quận 1 (TP.HCM). Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế "tranh châu". Phía ngoài trước có ngôi miếu nhỏ thờ thần Hộ Pháp. Đây là một trong những điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá lịch sử và tìm hiểu về tín ngưỡng thờ thần của người Trung Hoa.

z4562217350963-ccb6ce92b8bc76cd94c479b58ba4909b-1690789621.jpg
Chùa Ngọc Hoàng được xây bằng gạch, lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái các linh vật bằng gốm nhiều mầu - ảnh: Hồng Đăng
 

Chùa được xây bằng gạch, lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái các linh vật bằng gốm nhiều mầu. Tone màu chủ đạo là màu hồng đỏ được phối cùng màu gỗ nâu tạo nên sự huyền bí thu hút du khách. Bên trong ngôi chùa gồm 3 tòa: Tiền điện, Trung điện và Chánh điện. Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng.

z4562217276565-82b9488be2f4e39e5d48bbebb9b9e938-1690789891.jpg
Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng. - ảnh: Hồng Đăng

Nhà giải vũ bên trái thờ một số vị thần quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên Lôi, thần Môn Quan (thần giữ cửa), thần Thổ Địa (thần đất đai), thần Táo Quân (thần lò bếp), thần Hà Bá (thần sông nước), Văn Xương và thần Lã Tổ (thần văn chương), Thái Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), 13 đức thầy,… Nhà giải vũ bên phải là điện thờ Phật Quan thế âm Bồ tát và thờ Tổ.

z4562217406885-6878c2c82ed7aa0a0a695e9758b00424-1690789777.jpg
Cung thờ Kim Hoa Thánh Mẫu (thần coi việc sinh nở) cùng 12 bà mụ - ảnh: Hồng Đăng

Cung thờ Kim Hoa Thánh Mẫu (thần coi việc sinh nở) cùng 12 bà mụ, mỗi bên 6 bà với tư thế khác nhau, mỗi bà lo một việc: nắn tay, nắn chân, nắn đầu, dạy trẻ tập đi, tập nói,… Người dân đến đây cầu “mẹ tròn con vuông” khi có người thân đang mang thai. Mong muốn đứa bé chào đời được may mắn, bình an, hạnh phúc là tâm nguyện của nhiều người khi đến đây cầu nguyện.

z4562217295105-4808450afcf6026e8a24e5b383e20687-1690789715.jpg
 

Đến thăm chùa Ngọc Hoàng, du khách được ngắm những vết tích thời gian đã làm nên dấu ấn đậm nét của lịch sử và truyền thống; được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án được điêu khắc bằng gỗ, giấy bồi, gốm... chứa đựng tri thức và trí tuệ của nghệ nhân hàng thế kỷ trước. Các bức tranh và tượng Phật trang nghiêm đan xen nhau, tạo nên cảm giác sâu lắng và tôn nghiêm đối với các vị Thần trong đạo.

z4562217468170-f9d6fbffa3d8c80f7c36395b05a9b2ac-1690789980.jpg
Chùa Ngọc Hoàng được công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” - ảnh: Hồng Đăng

Chùa mở cửa đón khách hàng ngày từ 7h00 - 18h00 cho người dân, du khách trong và ngoài nước đến lễ, chiêm bái chùa.

Lễ hội lớn nhất là Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, tương truyền là ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng đế.

Ngày 15/10/1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”.

Hồng Đăng