Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Có nên diện trang phục "ngoại lai" tại các điểm du lịch Việt Nam?

Thời gian gần đây, trên MXH xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh check-in diện trang phục "ngoại lai" thay vì những bộ đồ truyền thống dân tộc tại các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Điều này đang đứng trước nguy cơ mất, hiểu nhầm định danh du lịch của Việt Nam.

Trang phục truyền thống của dân tộc được xem là nét văn hóa đặc trưng của từng quốc gia. Việc gìn giữ, duy trì và quảng bá trang phục dân tộc, sẽ tạo được điểm khác biết ấn tượng bên cạnh sự đa dạng về văn hóa của từng vùng miền trong một quốc gia đó.

befunky-collage-2-1701189880.jpg
Trang phục truyền thống dân tộc H'Mông (bên trái), trang phục dân tộc Dao (bên phải). Ảnh: du lịch Việt

Các nước trên thế giới đã làm khá tốt việc mang hình ảnh những trang phục truyền thống gắn liền với các loại hình du lịch tham quan di tích quốc gia, nổi bật trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, xa hơn là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. 

Từ câu chuyện trang phục "ngoại lai"...

Tây Bắc là một trong những địa điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước, không chỉ bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng những hẻm núi ngoạn mục, hay những dòng sông trôi lững lờ về các bản làng tạo cảm giác thư thái, thú vị và giữ được nét đẹp mộc mạc say đắm lòng người.

337665367-1157157955-1701189438.jpg
Siêu mẫu Minh Tú diện trang phục truyền thống của người Mông chụp ảnh ở sông Nho Quế.

Bất kì khách du lịch nào đến đây cũng muốn có tấm ảnh lung linh ôm trọn vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng. Bên cạnh đó, việc kết hợp chụp ảnh với những “bộ cánh” mang vẻ đẹp riêng biệt của các dân tộc trên dãy đất hình chữ S càng khiến chuyến đi của họ trở nên ý nghĩa. 

Tuy nhiên, tình trạng hiện nay nhiều du khách đã lựa chọn những trang phục ngoại lai, dù vô tình hay cố ý đã khiến khách quốc tế khó nhận ra đó là điểm du lịch của Việt Nam. Sự việc đã được travel blogger Khoai Lang Thang chia sẻ hồi đầu năm 2023.  

photo-11-16795745582311262575918-1701192063.jpg
Nguyên văn lời chia sẻ của nam blogger trên trang cá nhân. Ảnh: chụp màn hình Facebook
z4925439075901-cb7cb97dc6fbba892de60dcc8565e5df-1701226887.jpg
Du khách Việt lựa chọn trang phục Tây Tạng chụp ảnh ở Sapa. Ảnh: Vũ Anh Thư.

Gần đây là travel blogger Jayni cũng bày tỏ về việc nhiều khách du lịch chọn trang phục Mông Cổ, Tây Tạng chụp ảnh ở làng Cát Cát (Sapa) khiến cô cảm thấy lo lắng. Cô chia sẻ đó có thể là cảm xúc nhất thời về việc lựa chọn trang phục hợp với sở thích nhưng về lâu dài điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn. Cô e sợ du khách sẽ quên luôn những chiếc váy xòe sặc sỡ của các cô gái Mông, hay người Dao, người Hà Nhì hoặc người Tày, Nùng và còn nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác ở đây. 

z4925435186091-1908d4834396e84b4060276655d63a43-1701226947.jpg
Du khách chụp hình ở bản Cát Cát. Ảnh: Phạm Công Đức.

Việc lựa chọn trang phục theo sở thích là quyền và nhu cầu cá nhân của mỗi con người, chỉ cần không ảnh hưởng hay vi phạm thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên nếu không có sự tìm hiểu về trang phục truyền thống trong nước. Khách du lịch sẽ mắc phải những sai lầm nho nhỏ từ đó tạo nên một điểm khuyết trong việc bảo tồn và duy trì, quảng bá văn hóa đân tộc. Về lâu dài, những sai lầm đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến độ nhận diện của du khách trong nước lẫn quốc tế ở các địa danh thuần Việt.

...Đến “du lịch có trách nhiệm”

Ông Nguyễn Ngọc Toản CEO công ty du lịch Image & Travel Event đã từng chia sẻ câu chuyện về một du khách người Pháp vẫn chấp nhận mua khăn thêu của một gia đình người Dao, dù ông đã nói nhỏ với họ rằng giá ở đây đắt hơn gấp 5-10 lần so với giá bán tại chợ, nhưng vị khách vẫn chấp nhận mua. “Chúng tôi muốn đóng góp kinh tế cho người dân bản địa”, câu trả lời của đoàn khách đến từ Pháp khiến ông Nguyễn Ngọc Toản ngỡ ngàng.

Lấy câu chuyện trên để chúng ta thấy rằng, việc nên hay không mặc trang phục ngoại lai khi du lịch trong nước là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng đó lại nằm ở cách suy nghĩ của mỗi du khách về câu chuyện “du lịch có trách nhiệm”. 

Tư duy du lịch có trách nhiệm đã thịnh hành ở quốc gia phương Tây. Một trong những giá trị cốt lỗi của “du lịch có trách nhiệm” theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Tổ chức Du lịch Thế giới đưa ra là “Tôn trọng tính xác thực văn hóa xã hội của cộng đồng địa phương, bảo tồn những công trình, di sản văn hóa sống và những giá trị truyền thống của họ, và đóng góp vào sự hiểu biết và khoan dung của liên văn hóa.”

z4921240799151-2c8123bcd9d318f499b00d7114bf4b1e-1701190106.jpg
Chị Riri Phương Trinh trong trang phục của người dân tộc Lô Lô. Ảnh: NVCC

Chị Riri Phương Trinh, travel blogger cũng chia sẻ về quan điểm trên: “Đối với Trinh, bản thân tôi thực sự tôn trọng quyền được chọn và mặc trang phục yêu thích của mỗi cá nhân miễn là không làm ảnh hưởng hay vi phạm thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, để đưa hình ảnh quảng bá và phát triển du lịch nước nhà, tôi đồng tình với quan điểm thay vì mặc trang phục các nước khác chúng ta có thể chọn trang phục truyền thống tại địa phương mình đến. Vì điều đó không chỉ là chụp ảnh check-in mà thông qua đó ít nhiều chúng ta còn được tìm hiểu sâu sắc hơn về truyền thống, văn hoá, con người,... từ trang phục địa phương đó”.

z4921228322418-2dd8e4e1edb51265374ee699cbb51731-3-1701190362.jpg
Trang phục dân tộc của người Lô Lô gây ấn tưởng với họa tiết rực rỡ. Ảnh: NVCC

Chị Riri Phương Trinh cũng chia sẻ thêm về những lần đi du lịch của bản thân: “Khi đi du lịch tôi thường chọn trang phục phù hợp với điểm đến và ưu tiên sự đơn giản, thoải mái, năng động. Những điểm đến đặc biệt mang đậm chất truyền thống văn hoá bản địa như vừa rồi khi đến Hà Giang, Trinh đã chọn thuê trang phục truyền thống của người dân tộc H'Mông, Lô Lô để chụp ảnh ở các địa điểm đặc trưng cũng như tìm hiểu sâu hơn về sự ra đời các bộ trang phục truyền thống của người dân vùng cao Đông Bắc. 

z4921228215368-0db4e89db0b986b19537a00595ed8b2a-1701190395.jpg
Khăn thổ cẩm truyền thống của người dân H'Mông. Ảnh: NVCC

Hay đến với Mù Cang Chải, tôi rất thích được thử đội các chiếc khăn thổ cẩm nhiều màu sắc như người dân tộc H'Mông. Thế là tôi cũng ghé chợ mua và học cách xếp khăn làm sao có thể đội lên xinh như người bản địa. Một trải nghiệm rất thú vị và bản thân được học hỏi với văn hoá, con người ở đây”.

Quyền ăn mặc là tự do, không ai có thể chỉ trích, đánh giá trang phục mà người khác mặc trong một thời điểm trừ khi nó quá phản cảm. Tuy nhiên, việc mặc thế nào để vừa đẹp, vừa trân trọng và lan tỏa những giá trị bản sắc cho đất nước lại là một vấn đề khác. Vì vậy, nhiều người đã kêu gọi hạn chế tối đa trào lưu mặc trang phục ngoại lai để bảo vệ văn hóa của các địa điểm du lịch đó. 
 

Ngân Trần