Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Mùa nước nổi, về miền Tây thưởng thức những món ngon nào?

Vào mùa nước nổi, miền Tây khoác lên mình vẻ đẹp hữu tình, quyến rũ, làm mê đắm mọi tín đồ du lịch. Về miền Tây đúng mùa nước nổi, du khách sẽ được thưởng thức nhiều "món quê" dân dã.

Mùa nước nổi miền Tây thường từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, không chỉ mang theo dòng phù sa bồi đắp đất trồng, mà còn chở theo những sản vật do thiên nhiên ban tặng. Khi đến miền Tây mùa này, bạn có thể thưởng thức nhiều món ngon dân dã và đặc trưng.

Lẩu cá linh bông điên điển

nhung-mon-lau-dac-trung-cua-mien-tay-nen-thu-khi-du-lich-can-tho-3-1695802834.jpg

Cá linh và bông điên điển là đặc sản mùa nước nổi - Ảnh: vietpictures

Mùa nước nổi ở miền Tây là mùa cá linh sinh sôi và phát triển mạnh mẽ nhất trong năm cộng thêm bông điên điển lúc nào cũng vàng rực mé sông luôn sẵn sàng. Cá linh mang một hương vị rất đỗi đặc biệt, chỉ miền Tây mới có.

Loại cá này có thể chế biến được nhiều món ngon như canh chua, kho sả ớt hoặc mía,... trong đó món lẩu cá linh bông điên điển khiến bao nhiêu người con xa xứ và khách du lịch đều nhớ tới khi nhắc về miền Tây.  Món lẩu này tập hợp những món đồng quê của dòng nước lũ đem cho người dân miền Tây: cá linh, điên điển, so đũa, bông súng, ngò gai...

Bánh xèo bông điên điển

r-1-1695803400.jpg
Vị mặn của tép xào, vị chát chát của bông điên điển hòa với vị ngọt ngọt của nước mắm tạo nên hương vị bánh xèo độc đáo - Ảnh: nhahangphuongnam

Mùa nước nổi, ngoài nhân bánh truyền thống, bông điên điển càng làm món bánh thêm đặc biệt với khách phương xa. Bánh xèo bông điên điển có hương vị thơm lừng của bột, nghệ, nước cốt dừa, thịt, tép, bông điên điển, mỡ, hành, tiêu, tỏi... Bánh được ăn với các loại rau trong vườn nhà như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, lá mơ...

Cá lóc nướng trui

27748-ca-loc-nuong-trui-1695804743.jpg
Cá lóc nướng trui - Ảnh: phuongnguyen

Cá lóc to béo, thịt chắc nhất vào mùa nước nổi. Ngoài canh chua cá lóc nổi tiếng, loại nguyên liệu này có thể nướng trui kiểu dân dã mang đậm hương vị đồng quê. Con cá sau khi được làm sạch ruột sẽ được xiên vào que tre, cắm xuống đất rồi phủ rơm lên và đốt. 

Cá lóc nướng trui ngon nhất khi vừa chín tới, thịt trắng phau được bao bọc bởi lớp vảy cháy xém. Ngon nhất là ăn cuộn bánh tráng, kèm các loại rau thơm, chuối xanh, dưa chuột, khế và chấm nước mắm me.

Bông súng mắm kho

bong-sung-mam-kho-1695804216.jpg
Ngoài ăn chung với mắm kho, cọng bông súng có thể dùng để nấu canh chua, trộn gỏi - Ảnh: Dulich

Bông súng được xem là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Vào mùa nước nổi, bông súng mọc đầy trên những cánh đồng bưng, người dân thường chèo ghe ra lấy về nhà rồi chế biến thành những món ăn ngon, trong đó có bông súng mắm kho.

Chỉ cần vài lạng mắm cá linh, thêm tôm khô, thịt ba rọi, bỏ vào nồi đất, cho thêm ớt rồi tiêu xanh, đun nhỏ lửa là có nồi mắm kho thơm ngao hao cơm vô cùng. Bông súng thì tướt vỏ, ngắt thành những đoạn nhỏ, sắp vào mâm để ăn kèm. Món ăn đơn sơ ít tổn kém, vừa bổ vừa ngon còn đậm đà hương vị đồng quê.

Các món từ cua đồng

mon-an-mien-tay-mua-nuoc-noi-3-1695804310.jpg
Cua đồng có thể chế biến được thành nhiều món như cua đồng rang lá chanh, canh cua đồng nấu mùng tơi, rang muối ớt, cua đồng chiên sả,...- Ảnh: thamhiemmekong

Nguồn nước dồi dào không chỉ mang đến cá tôm mà còn là sự trù phú của cua đồng, thức quà dân dã nhưng chẳng thua kém về độ hấp dẫn. Thịt cua đồng tuy không mươn mướt, ngồn ngộn như cua biển nhưng vẫn có độ ngọt và dai thơm đặc sắc.

Nếu thân cua thường dùng để nấu canh, lẩu hay bún riêu thì càng cua còn được yêu thích nhiều hơn hẳn. Càng cua to, cứng cáp và chắc thịt sẽ chế biến theo kiểu hấp sả, luộc hay rang muối. Dù là nấu theo kiểu nào, hương vị vẫn có thể khiến thực khách suýt xoa mãi. 

Cá rô mề kho tộ 

ca-ro-me-kho-to-1024x576-1695805018.jpg
Món kho này có hương vị đậm đà nên thường dùng chung với cơm trắng và rau củ - Ảnh: thamhiemmekong

Mùa nước nổi, cá rô bí lên ruộng để kiếm những bông lúa rụng nên lớn rất nhanh, to bằng 3-4 ngón tay, gọi là cá rô mề. Thịt cá rô mề ngọt, béo nên có thể chế biến thành nhiều món ngon.

Món ăn này tuy bình dân, song vị ngon đặc trưng của miền Tây thì rất rõ ràng, sẽ mang lại cho bạn thêm một trải nghiệm thú vị về món ngon vào mùa nước nổi.

Chuột đồng nướng lu

chuot-dong-quay-lu-1695805657.jpg
Với người dân bản địa chuột đồng nướng lu chính là món đặc sản nổi tiếng - Ảnh: thamhiemmekong

Đi khắp miền Tây mùa nước nổi, bạn sẽ thấy nơi đâu cũng bày bán thịt chuột đồng. Ngoài món chuột hun khói vốn đã rất quen thuộc, thì món chuột đồng nướng lu không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ và thường chỉ có vào mùa gặt.

Chuột đồng quay lu vàng óng, bắt mắt với những gia vị được tẩm ướp vừa miệng khiến thực khách phải xuýt xoa với mùi thơm nức hấp dẫn. Chuột nướng lu ăn kèm muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo,...

Gỏi sầu đâu khô sặc 

r-2-1695806100.jpg
Gỏi sầu đâu có nguồn gốc từ Campuchia - Ảnh: SINIFOOD

Nguồn gốc của món gỏi sầu đâu cá sặc là từ Campuchia sau đó được người dân các vùng như Kiên Giang, An Giang,... chế biến phù hợp với nét ẩm thực riêng. Cả lá và hoa sầu đâu đều có thể làm thành gỏi.

Cá sặc khô được nướng lên rồi xé thành các miếng nhỏ. Ngoài ra còn có dưa chuột, ớt và một số loại gia vị được trộn cùng. Sau đó, nước mắm pha sao cho vừa ăn, hơi chua và ngọt rưới lên trên rồi tiếp tục trộn thêm một lần nữa cho thật đều. Đây chính là món ăn tròn vị với đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt, đắng vô cùng thú vị và đáng nên thử một lần.

Đặc sản miền tây mùa nước nổi chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người ghé thăm miền sông nước vào mùa này. Nếu có dịp về miền Tây vào thời gian này, ngoài ngắm nhìn sông nước trên ghe thuyền, thăm quan vườn trái cây và chợ nổi bạn đừng quên thưởng thức các món ăn dân giã đặc trưng mùa nước nổi này nhé!

L.D - Tổng hợp