Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Mâm ngũ quả 3 miền khác nhau thế nào?

Cứ mỗi năm tới dịp Tết về thì thứ không thể thiếu để trang trí tết trên bàn thờ gia tiên đó là mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả bày trên bàn thờ ngày Tết không chỉ khiến không khí Tết lan tỏa khắp nơi mà còn mang ý nghĩa tâm linh hết sức quan trọng. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao?

Theo thuyết duy vật cổ đại xưa thì tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu, đó chính là: kim loại (kim), nước (thủy), gỗ (mộc), lửa (hỏa) và thổ (đất) được gọi là ngũ hành. Và chính cái tư tưởng ấy đã xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa các dân tộc phương Đông, trong đó có người Việt, được thể hiện ngay trên mâm ngũ quả ngày Tết.

Mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên.

Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có chừng năm thứ trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Thông thường là trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Do điều kiện địa lý tự nhiên của người Việt có sự khác biệt và thay đổi theo vùng miền nên mâm ngũ quả cũng được trình bày với các loại quả và hình thức khác nhau.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Bày mâm ngũ quả ngày tết như thế nào cho đẹp
Mâm ngũ quả miền Bắc.

Đối với người dân miền Bắc, một mâm ngũ quả đẹp, đúng chuẩn phải là một mâm ngũ quả có đầy đủ các loại trái cây với màu sắc rực rỡ nhưng phải hài hòa, đảm bảo đúng theo Ngũ hành: kim (trắng), mộc (xanh), thủy (đen), hỏa (đỏ), thổ (vàng). Cũng bởi điều ấy mà mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng và quýt với ý nghĩa như sau:

  • Chuối xanh: màu xanh của trái chuối tượng trưng cho hành Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.
  • Bưởi: bưởi căng tròn, mát lạnh, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống.
  • Trái đào: Thể hiện sự thăng tiến.
  • Trái hồng, quất: Sắc đỏ cam rực rỡ, tượng trưng cho sự may mắn và thành đạt.

Người miền Bắc thường bày mâm ngũ quả kiểu truyền thống là đặt nải chuối xanh ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ các loại quả còn lại, chính giữa đặt bưởi, phật thử hoặc là mãng cầu, các loại quả khác nhau đào, hồng, quýt, táo thì đặt ở xung quanh, ở chỗ trống thì có thể xen kẽ quất, táo xanh hoặc quả ớt chín đỏ.

Mâm ngũ quả miền Trung


Mâm ngũ quả miền Trung.

Miền Trung được ví như là đòn gánh đỡ 2 đầu Nam Bắc của đất nước ta. Nơi đây vốn là mảnh đất nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt và không hề nhận được sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng một chút nào. Do đó, vào dịp Tết Nguyên đán, ở đây rất ít hoa quả nên người dân cũng không quá câu nệ hình thức mà chủ yếu có gì cúng nấy và thành tâm dâng cúng lên tổ tiên, bày tỏ tấm lòng thành kính nhất. Bởi thế, mâm ngũ quả ngày Tết của mỗi nhà lại khác nhau và các loại quả thường thấy nhiều là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa… với ý nghĩa như sau:

  • Thanh long: ý rồng mây gặp hội
  • Nải chuối: mang ý che chở, bảo bọc
  • Dưa hấu: hứa hẹn một năm mới đủ đầy, nhiều may mắn.
  • Quả mãng cầu: Mang ý nghĩa cầu chúc những điều tốt, bình yên, sức khỏe và thịnh vượng 
  • Dứa: là loại trái cây tượng trưng cho sự may mắn.

Người miền Trung thường trình bày mâm ngũ quả xếp theo hình long phụng, tháp với hai trái dứa ở hai bên. Bên cạnh đó, có thể xếp những loại trái cây khác ở cạnh. 

Mâm ngũ quả miền Nam


Mâm ngũ quả miền Nam cùng với hoa mai khoe sắc.

Trang trí mâm ngũ quả của người miền Nam họ rất quan tâm tới việc lựa chọn và kiêng kị. Bạn sẽ thấy trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam họ thường chọn đu đủ, xoài, mãng cầu, dừa... Với ý nghĩa:

  • Đu đủ: biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.
  • Xoài: đọc gần âm với "xài" ý chỉ cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn, luôn luôn dư dả. Một năm mới không cần lo cái ăn, cái mặc.
  • Quả mãng cầu:  mang ý nghĩa cầu mong nhũng điều tốt đẹp.
  • Dừa: có nét tương đồng với từ vừa. Nhân gian cho rằng, chưng dừa vào dịp Tết cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn trong cuộc sống.

Trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam họ thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu (kể cả khi đọc trại) như chuối - chúi nhủi, cam - cam chịu, lê - lê lết, sầu riêng, bom (táo)... và không chọn trái có vị đắng, cay. Khi trang trí, người miền Nam sẽ đặt dừa, đu đủ và xoài lên trước, sau đó mới bày thêm các loại khác lên trên để tạo thành hình ngọn tháp. 

 

Sai lầm cần tránh khi chuẩn bị mâm ngũ quả

  1. Bày quả đã chín già

Hoa quả đã chín thường có màu rất đẹp, chính vì thế nhiều người thường chọn chúng để bày mâm ngũ quả. Tuy nhiên, nếu chọn quả đã chín thì chắc chắn chúng sẽ bị hỏng khi được bày trong thời gian từ 5 ngày 1 tuần trong Tết. Ngoài ra, sức nóng của nhang khi thắp sẽ khiến những loại quả này nhanh hỏng.

  1. Bày quả có gai, nặng mùi

Cần phải tránh những loại quả có gai nhọn như mít, sầu riêng, dứa… trên mâm ngũ quả ngày Tết. Ngoài ra, mít và sầu riêng là loại trái cây rất nặng mùi. Theo quan niệm của người xưa, không nên để những gì quá nặng mùi hay sắc nhọn lên bàn thờ vì đây là nơi thiêng liêng.

  1. Bày hoa quả bị ướt

Nhiều người có thói quen rửa sạch sẽ hoa quả rồi bày lên mâm. Tuy nhiên, nếu sau khi rửa, hoa quả còn ướt sẽ khiến chúng nhanh bị hư. Do đó, sau khi mua hoa quả mua về, bạn có thể dùng khăn giấy lau nhẹ hết lớp bụi bẩn bên ngoài là được.

Tâm Nhi (t/h)
Ảnh: Pinterest.