Lễ hội cầu ngư là gi?
Lễ hội cầu ngư có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân, được thể hiện qua các nghi lễ đặc sắc và loại hình diễn xướng dân gian phong phú. Đây là lễ hội diễn ra ở nhiều nơi của ngư dân vùng biển, gắn với các tín ngưỡng thờ cúng cá Ông.
Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân sống tại các tỉnh ven biển nước ta, trải dài từ Quảng Bình trở vào Nam và bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc xinh đẹp. Tuy nhiên, nơi mà tổ chức Lễ hội Cầu Ngư nổi tiếng nhất với những hoạt động thú vị đặc sắc lại chẳng nơi đâu bì bằng vùng đất Phú Yên hoa vàng cỏ xanh với cảnh sắc thiên nhiên, non nước hữu tình.
Thời gian diễn ra?
Thật ra không có một ngày cụ thể nào được chọn làm ngày tổ chức Lễ hội Cầu Ngư cả. Người dân thường chọn những ngày từ tháng Giêng đến tháng Sáu âm lịch hàng năm để tổ chức, và tùy theo mỗi nơi mà lễ hội sẽ được tổ chức vào những ngày khác nhau.
Thông thường, ngư dân có thể chọn ngày cá Ông đầu tiên lụy hoặc ngày Ông được nhận sắc phong vua để tổ chức lễ hội. Hoặc nếu không, họ có thể tùy theo phong tục và công việc làm ăn của người dân tại làng mà cùng nhau định ngày mở hội.
Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội cầu mùa-cầu ngư hay lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”.
Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Lễ hội Cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai…
Lễ hội cầu ngư thường được tổ chức ở lăng thờ cá voi vào dịp mùa xuân. Đây là nơi cải táng hài cốt của cá voi (cá ông) chết trôi dạt vào bờ. Ở Quy Nhơn có lăng thờ ông Nam Hải thuộc phường Trần Phú được xây dựng để khói hương, thờ cúng thần biển. Ở cửa biển Đề Gi, xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) cũng có lăng thờ lớn, tập trung gần 100 bộ xương cá voi bày trang trọng trong các quách để thờ cúng.
Lễ hội cầu ngư thường được tiến hành theo hai phần là: Lễ nghinh (đưa linh), tức là rước hồn các "Đức ông" cùng những người chết sông chết biển về nơi yên nghỉ. Tiếp theo là phần khởi ca với nhiều hoạt động vui chơi như múa hát, đua thuyền, thi bơi... Các hoạt động ở phần này phản ánh những sinh hoạt, lao động của ngư dân trên trên sóng nước.
Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là loại hình múa hát bả trạo. Bả trạo như một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa linh của một đoàn thuyền chuyên chở những linh hồn oan uổng đến cõi siêu linh.
Lễ hội cầu ngư là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Một hình thái tổng hòa văn hóa đồng thời đây còn là một môi trường văn hóa đặc thù, nhiều loại hình nghệ thuật đã ra đời và được giữ gìn trong môi trường này. Lễ hội này là dịp để ngư dân - những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả thể hiện khát vọng được bình yên trong cuộc sống.