Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Kinh doanh xanh trở thành chiến lược và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt

Chiều 11/7, tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp và phát triển bền vững” do LifeNex và PDA & Partners tổ chức, Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cùng các đối tác, chuyên gia chính sách đã cùng trao đổi các thực tiễn tốt nhất để thúc đẩy chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

Theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Đồng thời, Việt Nam hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu ở nhiều mặt như: Giảm đa dạng sinh học rừng; Nước biển dâng làm mất đi nguồn đất màu mỡ; Hạn hán làm hoang mạc hoá nhiều khu vực ở miền Trung,...

Trước những thực trạng đáng báo động trên, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của thực hành kinh doanh bền vững. Để tuân thủ các quy định toàn cầu về giảm phát thải, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các chiến lược xanh như một lợi thế cạnh tranh và triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.

Tham dự buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Thu Hiền đến từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã dẫn lại số liệu báo cáo khảo sát của PwC, 2022 về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam. Cụ thể, yếu tố môi trường (E) chiếm 22%; Xã hội (S) là 16%; Quản trị (G) là 62%. Từ các kết quả khảo sát có thể thấy, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã sẵn sàng cam kết vận hành và quản lý hoạt động một cách có trách nhiệm.

2a24fd45-c80a-4c15-a315-6ae39654ed46-1-1720716341.jpeg
Bà Bùi Thị Thu Hiền đến từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đề cập đến sáng kiến Nature Positive Initiative

Đồng thời, bà Hiền cũng đề cập đến sáng kiến Nature Positive Initiative với mục tiêu là thúc đẩy sự liên kết và phối hợp giữa nhiều bên tham gia, những người sẽ ủng hộ phát triển bền vững thực hiện các hành động hướng tới kết quả tích cực về mặt thiên nhiên là ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất mát thiên nhiên vào năm 2030, và đạt được sự phục hồi sinh học hoàn toàn vào năm 2050.

Cũng theo bà Hiền, cứ 1 đồng đầu tư vào việc bảo tồn và phục hồi thiên nhiên thì sẽ thu được ít nhất được 9 đồng lợi ích. Cơ hội kinh doanh bằng cách sử dụng thiên nhiên làm cơ sở hạ tầng có thể đạt 160 tỷ USD và tạo ra 4 triệu việc làm vào năm 2030.

Bà Nguyễn Minh Tâm - CEO khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo cũng chia sẻ về mô hình kinh doanh xanh bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam. Theo đó, khu nghỉ dưỡng lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh làng chài truyền thống Việt Nam sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường cùng các chi tiết trang trí mộc mạc. 

04c1e571-d333-45cc-ab58-203917a0920b-1-1720716490.jpeg
Bà Nguyễn Minh Tâm - CEO khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo chia sẻ về mô hình kinh doanh xanh bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam.

Ngoài ra, khu nghỉ còn thực hiện một số hoạt động hướng tới bền vững như: Đầu tư vào năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, sử dụng các chai thuỷ tinh đựng nước nhằm hạn chế rác thải,... Trong đó, đáng chú ý là hoạt động ươm tạo, chăm sóc cho 27.000 con rùa biển trước khi thả về môi trường biển được khởi động từ năm 2018 đến nay. 

“Chính nhờ xác định ngay từ đầu mục tiêu phát triển bền vững, đối xử tốt với môi trường, hướng tới thiên nhiên nên bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng nhận được nhiều lợi ích, trái ngọt vì lựa chọn đúng đắn này”, bà Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ tọa đàm  "Doanh nghiệp và phát triển bền vững” cũng diễn ra phiên thảo luận nhóm với chủ đề “Doanh nghiệp Phát triển bền vững - Góc nhìn thực tiễn”. Tại đây, các đại diện từ PRO Vietnam, Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED), NS BlueScope Việt Nam và Duy Tân Recycling đã cùng đưa ra các ví dụ thực tiễn, nhấn mạnh cơ hội và thách thức trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh doanh xanh và bền vững thông qua phân tích chính sách và nghiên cứu trường hợp thực tế.

img-6561-1720717927.JPG
Phiên thảo luận nhóm với chủ đề “Doanh nghiệp Phát triển bền vững - Góc nhìn thực tiễn”.

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), hiện các doanh nghiệp đã nắm khá rõ các quy định về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, mới nhất là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta cũng có khá nhiều quy định về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, hướng tới phát triển bền vững.

“Quan trọng nhất lúc này, các doanh nghiệp đã thực sự quan tâm và sẵn sàng hành động để phát triển bền vững chưa. Theo tôi thì mỗi doanh nghiệp cần phải có cái nhìn rộng hơn, tầm nhìn dài hạn hơn, chủ động hơn nữa trong tư duy và hành động hướng tới phát triển bền vững” - PGS.TS Nguyễn Hồng Quân khuyến cáo.

20240107062453-img-9170-1-optimized-1720717896.jpg
Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành PRO Việt Nam trao đổi tại phiên thảo luận.

Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành PRO Việt Nam cũng chia sẻ, ngay từ năm 2022 trước khi EPR có hiệu lực, dù Nhà nước không yêu cầu nhưng nhận thấy trách nhiệm của nhà sản xuất đối bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp đã tự nguyện đóng góp tài chính, ủy quyền PRO Việt Nam tổ chức thu gom và tái chế các bao bì sản phẩm đã qua sử dụng. 

“Năm 2022, PRO Việt Nam đã tổ chức thu gom và tái chế khoảng 3.500 tấn bao bì, đến 2023 con số này lên đến 14.000 tấn, và theo kế hoạch, năm 2024, PRO Việt Nam sẽ tổ chức thu gom và tái chế 70.000 tấn bao bì”, bà Kim Thanh nói.

Nói về việc chuyển đổi kinh doanh xanh và bền vững của Duy Tân Recycling, ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển Bền vững Công ty CP tái chế nhựa Duy Tân cho biết, hiện nhà máy tái chế nhựa của công ty đạt tiêu chuẩn 3 không trong quá trình sản xuất gồm không rác thải - không khí thải - không nước thải. Theo đó, năm 2023, nhà máy đã tái chế 2,3 tỷ chai nhựa, dự kiến năm 2024 sẽ tái chế 5 tỷ chai nhựa, và Duy Tân Recycling cũng đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà máy tái chế có quy mô tầm cỡ thế giới. 

20240107063129-img-9186-optimized-1720717896.jpeg
Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển Bền vững Công ty CP tái chế nhựa Duy Tân cho biết nhà máy tái chế nhựa của công ty đạt tiêu chuẩn 3 không trong quá trình sản xuất.

Sự kiện “Việt Nam hướng tới tương lai bền vững” sẽ kéo dài từ 11/7-14/7 với nhiều hoạt động, nhằm tạo điều kiện để các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng quan hệ đối tác, cùng đóng góp vào hành trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Bài và ảnh: Anh Thư