“Tao nhân tân thế”, xuất phát là sự kiện nhằm kết nối góc nhìn của thế hệ trẻ với những giá trị văn hóa đặc trưng của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi lưu giữ kho tàng tinh hoa học thuật nghìn năm của dân tộc. Trong khuôn viên Hồ Văn, tại gò Kim Châu, với từng ấy ngàn năm lịch sử đã tôn tạo, càng khiến không khí của sự kiện thêm nhiều phần ý nghĩa.

Lịch sử sống động qua từng tấm thẻ “Văn Miếu chi ngôn”
Bộ thẻ “Văn Miếu chi ngôn là hành trình đưa người trẻ đến gần hơn với tinh hoa học thuật của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với thiết kế nhỏ gọn, hình ảnh sắc nét và thông điệp truyền cảm hứng, “Văn Miếu chi ngôn” đã khơi dậy niềm yêu thích sưu tầm của không ít bạn trẻ. Mỗi tấm thẻ được thiết kế tinh tế, một mặt là hình ảnh biểu tượng như Khuê Văn Các, các bia tiến sĩ, Khu Thái học…, mặt sau là những câu danh ngôn sâu sắc, chứa đựng triết lý giáo dục, nhân sinh quan của các bậc hiền tài. Không chỉ là lời nhắn nhủ về tinh thần học tập, những câu danh ngôn này còn khơi dậy cảm hứng và ý chí phấn đấu cho người trẻ học tập, làm việc trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, điểm mới lạ của bộ thẻ là mã QR tích hợp, giúp người sở hữu dễ dàng tra cứu thông tin về các địa điểm trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đồng thời nhận thêm quà tặng là những hình dán từ bộ sưu tập “Tao nhân tân thế”. Đây là cách kết nối hiện đại, giúp người trẻ khám phá lịch sử một cách sống động và trực quan hơn.

Ngọc Bích, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Điều khiến tôi thích nhất là mặt sau mỗi thẻ có trích dẫn danh ngôn của các bậc danh nhân, đây là một cách lồng ghép tinh tế và truyền cảm hứng”.
Mỗi tấm thẻ là một lát cắt của không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám được khéo léo ghi lại trong những khoảnh khắc khác nhau, song tất cả đều mang theo nhiều cảm xúc và gắn chặt, làm rõ nét hơn chiều sâu lịch sử. Nhiều bạn trẻ còn sáng tạo trong cách sử dụng bộ thẻ: làm bookmark, trang trí góc học tập, hay tặng bạn bè như một lời chúc học tốt. Bộ sản phẩm không chỉ là vật lưu niệm, mà còn là nhịp cầu kết nối thế hệ trẻ với tinh thần hiếu học ngàn năm.
Bộ hình dán “Tao nhân tân thế”: nét sáng tạo dễ thương từ văn hóa truyền thống
Bên cạnh bộ thẻ “Văn Miếu cho ngôn”, bộ hình dán “Tao nhân tân thế” cũng được khách tham gia sự kiện quan tâm với thiết kế sinh động, gần gũi. Từng chi tiết, nét vẽ hiện lên vừa thân quen vừa mới lạ qua 4 chủ đề độc đáo: chủ đề nhân vật lịch sử tiêu biểu có đóng góp quan trọng, chủ đề ẩm thực Hà Nội, chủ đề địa danh Hà Thành và chủ đề những câu nói trendy trẻ trung. Những hình ảnh vừa xa xưa cổ kính, vừa to lớn nghiêm trang và cả những hình ảnh quen thuộc luôn hiện hữu trong đời sống, nay được khắc họa lại gói gọn trong những chiếc hình dán nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nhiều bạn trẻ đã sử dụng những sticker này để trang trí góc học tập, làm quà tặng hoặc chia sẻ trên mạng xã hội như một cách lan tỏa tình yêu văn hóa, tinh thần tự hào dân tộc.

Truyện tranh AR “Chu Văn An và cậu học trò Thủy thần”
Sản phẩm truyện tranh tích hợp công nghệ AR “Chu Văn An và cậu học trò Thủy thần” cũng là một điểm nhấn đặc biệt trong sự kiện. Không chỉ đơn thuần là cuốn truyện tranh, tác phẩm này đưa người đọc bước vào thế giới kỳ ảo của lịch sử, khi hình ảnh nhân vật và bối cảnh chuyển động sống động qua công nghệ thực tế tăng cường (AR). Lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian về Chu Văn An - người thầy của muôn đời, bộ truyện tái hiện giai thoại nổi tiếng về bài học nhân cách và lòng nhân ái. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của sản phẩm này chính là công nghệ AR. Chỉ cần sử dụng thiết bị thông minh, người đọc có thể quét trang truyện và ngay lập tức chứng kiến các nhân vật chuyển động, cảnh vật hiện ra sống động ngay trước mắt.
Bạn Lê Hoài Nam, thành viên trong nhóm sản xuất sản phẩm truyện chia sẻ về quá trình thực hiện tích hợp công nghệ AR: “Là một sinh viên đang theo học ngành Công nghệ thông tin và cũng là một người yêu thích lịch sử, em và các bạn trong nhóm đã ấp ủ dự định giúp lịch sử được tiếp cận theo một cách thú vị riêng bằng công nghệ. Chúng em đã tìm tòi, nghiên cứu, tham khảo ý kiến thầy cô và thực hành nhiều lần để xây dựng và tích hợp thành công công nghệ AR vào bộ truyện lần này. Em rất vui và tự hào khi nhận được sự ủng hộ và yêu thích của mọi người về sản phẩm đầu tay của chúng em”.

Không chỉ là một câu chuyện dân gian, “Chu Văn An và cậu học trò Thủy thần” còn mang đến bài học nhân văn sâu sắc về tình thầy trò, lòng nhân ái và tinh thần hiếu học - những giá trị luôn trường tồn từ ngàn xưa đến ngày nay, là biểu hiện đặc sắc của đạo học Việt Nam, của cốt cách con người Việt Nam suốt mọi thời đại.
Tọa đàm “‘Hiền tài là nguyên khí của quốc gia’ trong kỷ nguyên 4.0” và sự kiện ra mắt bộ sản phẩm “Tao nhân tân thế” đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhận được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng từ đông đảo công chúng trong một không gian trải nghiệm sống động, lắng đọng các giá trị văn hóa, lịch sử. Chính sự kết nối ấy đã khiến di sản bước ra khỏi khung kính bảo tàng để đi cùng ta trong hành trình sống, học tập và lao động hết mình.