Tetsuya Ishida (1973-2005) là họa sĩ người Nhật Bản nổi tiếng với các tác phẩm mang tính siêu thực. Các bức tranh của ông thường thể hiện sự mất mát của bản thân và bất mãn trong xã hội Nhật Bản. Ishida được xem là một trong những nghệ sĩ xuất sắc của thế hệ ông. Trong ảnh là tác phẩm Prisoner (1999), mô tả một cậu bé khổng lồ đang bị mắc kẹt trong một ngôi trường. Những đứa trẻ khác đều mặc bộ đồng phục thể dục và đứng khắp sân chơi, nhưng không ai tương tác với cậu bé. Đây là lời phê bình của Ishida về hệ thống giáo dục Nhật Bản, nơi sự tuân thủ và khắc khe có thể làm mất đi sự sáng tạo và tương tác xã hội của học sinh.
Ishida không quá nổi tiếng ở xứ hoa anh đào. Nhưng sau khi qua đời, các tác phẩm của ông lại được người yêu nghệ thuật trên thế giới chú ý. Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á tại San Francisco (Mỹ) và Triển lãm văn hóa quốc tế Venice Biennale lần thứ 56 đều từng trưng bày các tác phẩm của ông. Một số bức tranh của họa sĩ cũng đạt mức cao trong các cuộc đấu giá, điển hình là bức The Men on a Belt Conveyor được bán với giá hơn 1 triệu USD tại Sotheby's năm 2023.
Gripe được vẽ năm 1999. Trong tác phẩm của Ishida, những nhân viên văn phòng thường biến thành những sinh vật nửa người, nửa máy móc. Khuôn mặt trống trải của họ phản ánh sự mất mát của con người, danh tính của họ bị tước đi để cống hiến cho những doanh nghiệp đang lớn mạnh của Nhật Bản.
Một tác phẩm không có tựa đề được vẽ bởi Tetsuya Ishida vào năm 1998 miêu tả những "hikikomori" của Nhật Bản. Hikikomori là thuật ngữ ám chỉ những người trẻ tự cách ly và rút lui khỏi xã hội. Họ sống ẩn dật, phụ thuộc vào cha mẹ, tránh giao tiếp với bất cứ ai. Đến nay, hikikomori vẫn là một vấn nạn xã hội khiến quan chức Nhật Bản đau đầu tìm cách giải quyết.
Một bức tranh sơn dầu và acrylic không có tiêu đề được cố nghệ sĩ vẽ vào năm 2004. Bức tranh được trưng bày tại triển lãm My Anxious Self tại phòng trưng bày Gagosian (Mỹ). Trong một đoạn nhật ký từ năm 2000, Ishida viết: “Tôi tin rằng những bức tranh của mình có chức năng giúp người xem nhìn xung quanh thế giới, xã hội và các giá trị đương đại”.
Thức ăn được giao một cách máy móc trong bức tranh Refuel Meal (1996) của Tetsuya Ishida. Với gương mặt không hề biểu lộ cảm xúc, các nhân viên trong bộ đồng phục đang đưa thức ăn cho khách hàng thông qua những chiếc máy bơm. “Sararimen” (người làm công ăn lương) của Ishida cũng thường được miêu tả như robot trong dây chuyền lắp ráp. Họ hoàn toàn vô cảm và đang trên đà tự động hóa.
Một bức tranh khác cũng có tựa đề Gripe (1996), miêu tả một nhân viên văn phòng Nhật Bản với bàn tay giống như càng tôm. Trao đổi với CNN, Jacky Ho, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng nghệ thuật thế kỷ 20 và 21 tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Christie’s, nhận định rằng Ishida đã có sự quan sát tinh tế đối với xã hội ở thời điểm ông sinh sống, và góc nhìn đó không chỉ phản ánh chính xác mà còn trường tồn. "Đô thị Nhật Bản được miêu tả trong các tác phẩm của Ishida từ cách đây 20 năm đã quá tiên tiến và vượt xa thời đại, đến mức vẫn đúng với các thành phố mới phát triển trong thế giới hiện nay", ông chia sẻ.
Bức tranh Recalled được Tetsuya Ishida vẽ vào năm 1998, trong thời kỳ "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản. Khoảng cuối thập kỷ 1980 đến khoảng đầu những năm 2000 được xác định là thời kỳ kinh tế khó khăn của Nhật Bản, xuất phát từ việc suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính mà đất nước này trải qua.
Restless Dream một bức tranh được Tetsuya Ishida vẽ vào năm 1996. Cecilia Alemani, người tổ chức triển lãm của Gagosian, cho rằng những thông điệp và ý nghĩa từ các tác phẩm nghệ thuật của Ishida vẫn còn nguyên giá trị trong xã hội ngày nay.