"Hạnh phúc xanh" phủ xanh rừng ngập mặn Sóc Trăng

Hạnh Phúc xanh là dự án trồng rừng ngập mặn tại tỉnh Sóc Trăng đang được Annam Gourmet đồng hành cùng Sống Foundation và các nhà hoạt động xã hội nhằm bảo vệ “lá phổi xanh” và cải thiện đời sống kinh tế của cư dân ven biển Việt Nam.

h3-3-green-day-2023-s-2-1684825049.jpgNgày 20/5, Annam Gourmet tổ chức workshop Trải nghiệm Xanh với sự chia sẻ các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội nhằm giúp cho người tham gia tiếp cận với lối sống xanh và phương pháp mua sắm bền vững.

Chia sẻ tại Ngày hội Trải nghiệm Xanh tại TP.HCM ngày 20/5, Nhà sáng lập dự án "Hạnh phúc Xanh" Helly Tống cho biết, dự án này bắt đầu từ 2018 tại tỉnh Sóc Trăng trên vùng đất bãi bồi ngoài biển nên việc chỉ nhiệt huyết không thì chưa đủ, mà cần kiến thức để đưa ra chiến lược thực hiện dự án đầy đủ hơn.

"Sóc Trăng chủ yếu là người dân Kh'mer  sinh sống nên để tuyên truyền giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của dự án trồng rừng ngoài biển là một trong những việc quan trọng của dự án. Do đó, sự ủng hộ đồng hành của địa phương sẽ là thành công lớn. Việc đầu tiên là chia sẻ nhận thức, hiểu ý nghĩa của dự án trồng rừng ngập mặn là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ chính mình. Từ nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành động đúng", chị Helly Tống chia sẻ.

Chị Helly Tống cũng tin rằng, thông qua dự án "Hạnh phúc Xanh" khi kết nối với tự nhiên thì ta tự tìm thấy được chính mình, tìm thấy hạnh phúc và thấy mình là một phần của thiên nhiên.

h6-6-green-day-2023-f-18-1-1-1684825638.jpgTại workshop Trải nghiệm xanh, người tham gia còn được học làm Terrarium (hệ sinh thái thu nhỏ) giúp thêm kiến thức thú vị về trồng cây xanh.

Chị Helly Tống cũng cho biết thêm, Forest Symphony (giao hưởng rừng xanh) là một phần của dự án Hạnh phúc xanh - dự án chung tay trồng rừng trên 50ha đất bãi bồi tại xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Hoạt động của dự án nhằm mục đích gia tăng diện tích rừng, tạo hành lang chắn sóng để bảo vệ đê bờ, giảm sạt lở do mưa lũ, góp phần ngăn chặn xâm nhập mặn và tạo điều kiện phát triển sinh kế dưới tán rừng cho người dân địa phương.

Đồng hành cùng  dự án, Tiến sĩ Trương Văn Vinh, Nguyên Phó trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm TP HCM, Cố vấn chuyên môn chương trình Hạnh phúc Xanh cho biết: Dự án Hạnh phúc xanh là người thật, việc thật. Hiện nay ở vùng ngập mặn diện tích đất liền để trồng rừng hầu như không còn, do đó những bãi bồi sẽ là diện tích trồng rừng của dự án.

h7-7-1684826042.jpgWorkshop Trải nghiệm xanh của Annam Gourmet là cầu nối giúp người tham gia tìm hiểu và góp thêm công sức trồng cây xanh vào dự án trồng rừng ngập mặn bắt đầu từ những sản phẩm Terrarium

Một trong những khó khăn trong quá trình trồng cây tại các bãi bồi ngập mặn là vũng bãi bồi thời điểm thuỷ triều cao thường ngập từ 1m2 đến 2m. Mỗi ngày con nước lớn nước ròng lên xuống 2 lần, vì vậy khi trồng cây xuống, cường độ sóng lớn dẫn tới lượng bùn lắng đi từ cửa sông ập vào các bãi trồng rừng gây nghẹt rễ thở của cây, hoặc khi thời tiết có bão từ miền Trung đổ vào, lúc đó hướng gió Tây Nam thổi ngược ra miền Trung cũng thốc vào bãi cây.

Mặt khác, việc thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay thực hiện dự án, làm sao để mọi người hiểu được vai trò ý nghĩa của việc trồng rừng và dự án chúng tôi đang làm là việc quan trọng trong quá trình thực hiện. Để nâng cao được nhận thức đó, bên cạnh việc anh em tại địa bàn bám sát công tác tuyên truyền, thì trong chương trình Hạnh phúc xanh có những hoạt động về giáo dục môi trường từ các trường học cấp 1 trở lên.