Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hàng nghìn người đổ về dự lễ hội đền Lảnh Giang - Duy Tiên, Hà Nam

Cứ vào tháng 6 âm lịch hàng năm, nhân dân khắp các nơi lại tìm về đền Lảnh Giang để tham quan và dự lễ hội "Thoải Phủ".

Đền Lảnh Giang nằm ở địa phận thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Là ngôi đền có lịch sử khởi tạo lâu đời, chứa đựng phù sa văn hóa quý báu. Đền có 3 tòa, 14 gian, gồm nhà khách, lầu thờ cùng tường thành kiên cố bao quanh. Trong đền còn bảo tồn được nhiều đồ thờ có giá trị.

c0302fafde0b7c55251a16-1721015826.jpg

Tam quan đền Lảnh Giang, Duy Tiên, Hà Nam.

Hàng năm đền Lảnh Giang tổ chức 2 kỳ lễ hội chính vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Lễ hội tháng 6 được tổ chức quy mô, gắn liền cùng Tín ngưỡng thờ Mẫu (người mẹ xứ sở) nên thu hút đông đảo người dân và người thực hành Tín ngưỡng tới tham gia.

Tháng 6 âm lịch hàng năm trong Tín ngưỡng thờ Mẫu quy định là tháng tiệc của riêng "Công đồng Thoải Phủ". Từ "Thoải" là âm đọc chệch từ chữ Thủy - nghĩa là nước. Công đồng Thoải Phủ được hiểu như "hội đồng những vị thần cai quản sông nước".

Đền Lảnh Giang sớm được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996, nên các hoạt động liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng đi cùng lễ hội đã được phục dựng và tổ chức lại từ lâu. Đền chủ yếu thờ các vị Thánh cai quản sông nước như Thánh Mẫu đệ tam, Tam vị danh thần phò tá Vua Hùng dẹp giặc và cả Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa.

f7b8c5a73603945dcd1223-1721015826.jpg
Khách thập phương chen chân lễ trong đền.

Từ lâu, tháng tiệc Thoải Phủ đã ăn sâu vào tiềm thức người dân như một dịp trọng đại, là thời điểm tốt lành để ký thác, trao gửi niềm tin đến với các thế lực siêu nhiên mong cầu cho gia đình yên ấm, vạn sự hanh thông.

Theo báo cáo từ BQL di tích Đền Lảnh Giang, lễ hội đền Lảnh Giang diễn ra từ ngày 18 đến 25/6 âm lịch nhưng ngay từ đầu tháng 6, du khách tấp nập đổ về đây không ngớt. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách tới tham quan, lễ bái, đây là cơ hội để không chỉ đền Lảnh Giang, xã Duy Tiên mà cả tỉnh Hà Nam quảng bá du lịch văn hóa - tâm linh đặc sắc của địa phương.

1c495f95ac310e6f572021-1721015826.jpg
Lễ vật dâng lên rất đa dạng, ngoài hương, trà, quả, còn có mã trạng màu trắng.

Do tính chất công việc, cô N.T.Chinh (62 tuổi) thường xuyên đến đền Lảnh Giang. Cô cho biết đây là lần thứ 4 kể từ đầu tháng cô tới tham quan, lễ bái. Do khoảng cách từ nhà khá xa, cô Chinh phải lên xuống 3 lần xe khách và đi thêm một chặng xe ôm mới có thể đến đền. 

"Mặc dù tuổi không còn trẻ, lại ở tận Văn Quán - Hà Đông, cách đền 53km nhưng tôi vẫn thường xuyên đến đền Lảnh Giang, bởi đây là một trong những trung tâm của Tín ngưỡng, rất linh thiêng". Cô Chinh chia sẻ.

0131a4c65a62f83ca17326-1721015825.jpg
Cô N.T.Chinh đã đến đền lần thứ 4 kể từ đầu tháng.

Khác với cô Chinh, anh Tấn (30 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) lại là du khách tới tham quan đền Lảnh Giang lần thứ 2. Lần này anh Tấn tới đây để trải nghiệm không gian văn hóa, thưởng thức hát văn và dự nghi lễ hầu bóng cùng bạn bè. Anh cho hay, không khí lễ hội ở đây mang đậm phù sa văn hóa của một vùng đất được hình thành từ lâu đời. 

Bên trong khu vực chính của đền được trang hoàng rất đẹp mắt, các lầu thờ phủ vải, lụa nhiều màu kết thành tầng, với hàm ý chúc tụng. Người đến lễ không chỉ dâng vật phẩm như hương, hoa, quả mà còn mua sắm thêm các thức mã trạng của riêng Thoải Phủ hoặc Tam vị danh thần, Quan lớn đệ Tam. Mã trạng dâng lên chủ yếu có màu trắng (màu sắc quy định của Thoải Phủ) như thuyền rồng, ngựa, kiệu, y phục, nón...

70327c5e8dfa2fa476eb17-1721015826.jpg
Không gian đền đều được phủ vải, lụa trang trí đẹp mắt mừng lễ hội.

Ngoài hoạt động lễ bái, trong thời gian diễn ra lễ hội chính thức, BQL di tích Đền Lảnh Giang còn tổ chức hát văn, cho phép đăng ký hầu bóng và các hoạt động văn nghệ khác.

Ngay bên cạnh đền Lảnh Giang còn có đền Tam Giang cũng thờ các vị thần Thủy cung. Do vị trí 2 ngôi đền sát nhau nên du khách lại càng đông đúc. Theo anh Hùng - người kinh doanh tại khu di tích cho biết, việc kinh doanh buôn bán của anh trở nên vì khả quan hơn mỗi dịp lễ hội. Ngay từ cuối tháng 5, khi tiệc chưa bắt đầu, rất nhiều đoàn khách thập phương đã tìm về lễ bái, những ngày chính hội lại càng tấp nập hơn.

Ngoài ra, các ngày mùng 1, ngày rằm, ngày 12, 18, 24 âm lịch theo người dân được xem là những ngày linh thiêng nhất, mang nhiều cơ hội để họ ký thác niềm tin đến Thoải Phủ, cầu nhiều may mắn.

287db45d47f9e5a7bce822-1721015825.jpg
Các loại hoa tiến dâng.
942e64be901a32446b0b24-1721015825.jpg
Và vật lễ thường mang màu trắng.
Uy Danh