Nước rượu pha gừng
Người ta quan niệm rằng, nước rượu và gừng giúp thu hút tài lộc cho gia chủ. Nếu như theo quan niệm người xưa thì loại nước này có thể giúp xua đuổi tà ma, xui xẻo và đón may mắn đến cho gia chủ.
Về thực tế, việc lau bàn thờ bằng nước máy hay nước giếng khó để làm sạch những vết bẩn, bụi min. Nên dùng nước rượu và gừng sẽ giúp bạn tẩy sạch những vết bám lâu ngày.
Công thức làm nước gừng và rượu không khó. Bạn cần chuẩn bị một ít gừng tươi, rượu và nước ấm. Sau khi rửa sạch gừng, bạn chỉ việc đập dập cho vào hỗn hợp gừng và rượu.
Nước ngũ vị hương
Ngũ vị hương là một nguyên liệu được ưa chuộng dịp Tết. Không đơn thuần là một loại gia vị đặc trưng, nước ngũ vị hương khá phổ biến trong việc lau dọn nhà cửa, gia tiên cuối năm.
Ngũ vị hương là tổng hòa của những nguyên liệu như đinh hương, quế, hồi, gỗ vang, bạch đàn.
Bên cạnh mùi hương thoang thoảng dễ chịu, nước ngũ vị còn có tác dụng chống ẩm mốc, đuổi côn trùng. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng ngũ vị này cho việc xông nhà giúp xua đuổi ma quỷ, muộn phiền năm cũ để "nhường chỗ" đón tài lộc, bình an và may mắn.
Cách làm nước ngũ vị cực nhanh và dễ dàng: Bạn chỉ cần đun sôi 1,5 lít nước lọc với 5 loại hương liệu kể trên. Đun sôi từ 3 - 5 phút rồi tắt bếp. Nếu bạn muốn hương thơm tỏa lâu hơn thì bạn có thể đun thêm vài phút hoặc cho nhiều nguyên liệu hơn. Sau khi nước hạ dần nhiệt độ xuống độ ấm vừa phải thì bạn có thể dùng khăn sạch nhúng vào để lau sạch bàn thờ và đồ cúng.
Rượu pha tỏi
Khi lau bàn thờ hay bài vị thì không nên dùng nước lạnh, gia chủ nên dùng rượu pha loãng với tỏi giã nhỏ. Lý do, tỏi ngâm rượu có thể tẩy vết bẩn bám dính vô cùng hiệu quả đồng thời cũng xua đi được những vận xấu đang đeo bám.
Không phải cứ Tết mới sử dụng rượu pha tỏi mà trong năm cũng có thể dùng nước đặc biệt này để lau dọn bàn thờ, bát hương, bài vị...
Nước ngâm hoa tươi
Những cánh hoa tươi thơm nức ngày Tết bên cạnh việc dùng để dâng hương cúng bái tổ đường thì bạn hãy sử dụng chúng làm nước ngâm bao sái bàn thờ. Bạn có thể chọn hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa sen, hoa hồng hay hoa mẫu đơn...
Các bước thực hiện cũng không quá cầu kỳ: Bạn ngắt cánh từng loại hoa, cho vào chậu nước ấm ngâm cùng rồi sử dụng để lau bàn thờ ngày Tết.
Nước cây mùi già
Ngày nay, dù bạn ở nông thôn hay thành phố cũng đều có thể mua được những bó mùi già đã trổ hoa, kết trái để làm nước lau bàn thờ ngày Tết. Những cây mùi già phần thân đã chuyển màu tía khi đun sôi có mùi thơm ngát, giúp tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn.
Những lưu ý khi lau dọn bàn thờ
Theo các chuyên gia phong thủy, các thành viên trong gia đình đều có thể lau dọn bàn thờ không nhất thiết cứ phải là gia chủ. Tuy nhiên, người lau dọn bàn thờ trước hết phải để cơ thể sạch sẽ, mặc đồ đàng hoàng, thành tâm.
Đặc biệt không được di chuyển chân nhang tùy tiện bởi nó sẽ ảnh hưởng đến may mắn của gia chủ. Nhất là khi lau dọn bàn thờ không được làm đổ vỡ hay nói tục chửi bậy, to tiếng là ảnh hưởng đến tổ tiên.
Nếu có nhiều bài vị cần lau dọn thì phải đổi chậu nước khác, không dùng chung nước để tránh bất kính với "bề trên".