Tham dự hội nghị có bà Phan Linh Chi - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam; và đại diện lãnh đạo các phòng thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đại diện các Sở Du lịch, các công ty lữ hành và các đại biểu tỉnh Quảng Nam.

Mở đầu hội nghị, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh Quảng Nam sẽ công bố một số sản phẩm du lịch mới dựa vào các giá trị di sản văn hóa có tính khác biệt cao và bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn và sức khỏe của du khách. Những sản phẩm du lịch mang tính xanh hoá này được kỳ vọng là “làn gió mới” tạo ra sự khác biệt đẳng cấp và phù hợp với xu hướng du lịch của thời đại, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút du khách.
Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng sẽ giới thiệu các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn nhằm khai thác tiềm năng không gian tự nhiên yên bình, gắn với các hoạt động trải nghiệm của du khách.
Tiềm năng du lịch dồi dào
Phát biểu trong hội nghị, ông Trần Quý Tấn, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết Quảng Nam có nhiều tiềm năng cả về thiên nhiên và văn hóa để hiện thực hóa khái niệm “miền xanh di sản”. Nơi đây tập trung hơn 460 di tích quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có hai di sản văn hóa thế giới là khu di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Vườn Quốc gia Sông Thanh, làng cổ Lộc Yên, địa đạo Kỳ Anh… Nằm ở vị trí có lợi thế cả về giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không, năm 2024, Quảng Nam đã đón hơn 8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm đến gần 80%, tương đương khoảng 5,5 triệu.
Trải nghiệm di sản kết hợp du lịch xanh
Tận dụng những tài nguyên văn hóa được bảo tồn, gìn giữ hàng trăm năm, Quảng Nam lựa chọn đi theo con đường phát triển bền vững bằng du lịch xanh. Những sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: “Cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cổng trời Đông Giang”, đưa du khách đến vùng trời giao hòa giữa những con đường cổ kính, thánh địa linh thiêng của Vương quốc Chăm-pa xưa cũ giữa lòng thung lũng nguyên sinh. “Dấu ấn phố cổ”, nơi thời gian phủ màu rêu phong lên những ngôi nhà cổ kính nằm trầm mặc bên dòng sông Hoài, dưới những ánh đèn lồng và những bức tường màu vàng ấm bạc màu. Chương trình trải nghiệm tham quan làng quê, làng nghề Phố cổ Hội An như làng đất nung Thanh Hà, nơi đất nung hóa thành hình hài, mang theo tinh hoa của những đôi bàn tay tài nghệ; làng rau Trà Quế thơ mộng dưới màn sương trong buổi sớm mai. Ngoài ra, du khách có thể khám phá ẩm thực xứ Quảng và lưu trú tại các homestay xanh giữa lòng làng quê.

Trong năm 2025, tỉnh Quảng Nam mở rộng thêm các điểm đến, xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như tour khám phá rừng dừa Bảy Mẫu, trải nghiệm ngồi thuyền thúng xuyên rừng và thưởng thức ẩm thực bản địa giữa khung cảnh yên bình. Tour trải nghiệm dù lượn “Bay qua miền di sản”, chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt mỹ nơi biển, đồng bằng và núi rừng giao hòa nơi mảnh đất xứ Quảng. Tour khám phá Đỉnh Quế - Tây Giang, nơi du khách có thể phóng tầm mắt xuyên qua mây trời để ngắm nhìn những bản làng Cơ Tu, Ca Dong nguyên sơ ẩn mình trong sương sớm.
Đồng thời cũng trong năm nay, tỉnh Quảng Nam sẽ đăng cai các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế như Tuần văn hóa du lịch Quảng Nam năm 2025, Lễ hội Mì Quảng và Lễ hội Đèn lồng tổ chức trong dịp hè 2025 với mong muốn tạo ra sự trải nghiệm mới cho du khách.
Đầu tư khủng - ưu đãi lớn
Sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh du lịch xanh của Quảng Nam nhằm thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần kích cầu du lịch năm 2025. Sự kiện có sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị ưu đãi khoảng 10 tỷ đồng.
Chương trình đưa du khách đi từ giai đoạn “Cảm xúc mùa hè” (tháng 4 - tháng 8) đến chiêm ngưỡng “Mùa vàng xứ Quảng” (tháng 9 - tháng 11) qua những tour, gói trải nghiệm du lịch xanh. Du khách sẽ được khám phá những cung đường uốn lượn qua những bản làng bình yên của người dân tộc Cơ Tu, Ca Dong hay chinh phục những đỉnh núi hùng vĩ như Đỉnh Quế - Tây Giang...
Nhiều gói sản phẩm du lịch giá ưu đãi lên đến 50% như tour trải nghiệm rừng dừa Bảy Mẫu, tour khám phá làng gốm cổ ven sông và công viên đất nung lớn nhất Việt Nam, vé xem show Ký ức Hội An, chương trình Bay qua miền Di sản bằng dù lượn cùng các combo vé máy bay, dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí.

Truyền thông mạnh mẽ
Trong hội nghị xúc tiến lần này, tỉnh Quảng Nam khởi động chiến dịch truyền thông đồng bộ từ website chính thức như www.visitquangnam.com, www.quangnamtourism.com.vn đến các fanpage và nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram, YouTube.
Thông tin về chương trình được cập nhật liên tục trên hệ thống kênh truyền thông liên kết với các tỉnh, thành trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, cùng Văn phòng đại diện du lịch Quảng Nam tại Hà Nội và TP.HCM nhằm tăng cường sự hiện diện và nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Nam trên toàn quốc và quốc tế.
Theo ông Văn Bá Sơn, Quảng Nam đã theo đuổi hành trình du lịch xanh từ khá sớm, vào khoảng năm 2008 khi Hội An khuyến khích người dân phát triển du lịch không rác thải nhựa tại Cù Lao Chàm. Sau dịch Covid-19, Quảng Nam đưa mục tiêu du lịch xanh vào Nghị quyết của tỉnh, thể chế hóa bằng chính sách. Đến năm 2021, Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước có Bộ tiêu chí du lịch xanh được xây dựng dựa trên 25 bộ tiêu chí của các quốc gia trên toàn cầu. Hiện nay tại Quảng Nam có 33 doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí du lịch xanh. Đây là những bước thành công cơ bản trên con đường hướng đến sự phát triển du lịch bền vững mà địa phương đang theo đuổi.
Trong năm 2025, thông qua sự kết hợp trong dự án Du lịch bền vững của Thụy Sĩ, tỉnh Quảng Nam mong muốn quảng bá thêm hình ảnh du lịch xanh tại các địa phương khác ngoài Hội An, Mỹ Sơn nhằm thu hút thêm những nhóm du khách chất lượng và có trách nhiệm hơn.
Khi phát triển bền vững trở thành xu hướng toàn cầu, tỉnh Quảng Nam đã tạo dấu ấn riêng cho mình bằng chiến lược kết hợp giữa trải nghiệm xanh và những di sản văn hóa để định vị nên thương hiệu “Quảng Nam - Miền xanh di sản”. Thay vì phát triển du lịch đơn thuần, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã mang đến những sản phẩm kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên và tinh hoa văn hóa truyền thống, để mỗi cái chạm tay đều chạm vào di sản, mỗi chuyến du ngoạn đều hướng đến hành trình xanh.