Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du lịch Việt Nam có thể tạo nên được bước đột phá trong năm 2024?

Theo chuyên gia du lịch đánh giá, ngành du lịch Việt Nam cần có những mục tiêu "cao hơn, táo bạo hơn" trong năm 2024.

Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2023 Việt Nam đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế, vượt mục tiêu đề ra đầu năm là 8 triệu lượt khách. Dù vượt mục tiêu đề ra nhưng con số này chỉ đạt 62% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước tình hình này, chuyên gia du lịch Phạm Hà - CEO của LuxGroup, đánh giá rằng du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi, tuy nhiên cần nhìn nhận khách quan đây là "con số khá khiêm tốn": "Khách quốc tế phục hồi tùy từng thị trường, có thị trường phục hồi nhanh, có thị trường phục hồi chậm nhưng tôi đánh giá đây cũng là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên cần phải có sự nhìn nhận tổng quan hơn, ví dụ so với đối thủ cạnh tranh của chúng ta là Thái Lan, họ rất linh hoạt trong việc đưa ra các chiến lược, chiến thuật để thu hút du khách và đặt ra mục tiêu tham vọng hơn. Họ thường đặt mục tiêu 3 tháng sau đó có sự thay đổi để phù hợp với từng bối cảnh. Họ cũng dồn hết nguồn lực, Chính phủ chỉ đạo coi du lịch là một ngành kinh tế. Nhìn sang đó chúng ta có thể thấy Việt Nam chưa quyết liệt được như vậy, các con số cũng chỉ là tương đối, điều cần thiết là phải biết làm thế nào, ai làm, làm ra sao, du khách ở đâu... để có thể đạt được mục tiêu xa hơn".

dulichvietnam2024-1-1701853188.jpg
Chuyên gia du lịch Phạm Hà.

Trong năm 2023, Thái Lan đặt mục tiêu sẽ đón 30 triệu du khách quốc tế. Đi cùng với mục tiêu này, Chính phủ Thái Lan triển khai 10 biện pháp thu hút du khách như giải pháp du lịch an toàn, thực hiện video quảng cáo du lịch, sử dụng hình ảnh các diễn viên nghệ sĩ nổi tiếng nhằm quảng bá Thái Lan là một "điểm đến hàng đầu", lên kế hoạch mở đường bay mới đến các tỉnh thành phố có tiềm năng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, nâng cao chất lượng phục vụ...

Với mong muốn khai thác du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thái Lan đặt mục tiêu rõ ràng cho năm 2024 là đón khoảng 38-40 triệu lượt du khách quốc tế. Nhằm đạt được kế hoạch này, Chính phủ Thái Lan đã có chính sách nới lỏng visa cho một số nước châu Âu, cấp phép tổ chức hàng nghìn sự kiện, lễ hội... Thậm chí mới đây nhất Thái Lan điều chỉnh lễ hội té nước Songkran, không chỉ tổ chức trong 3 ngày như thông thường mà kéo dài 1 tháng với rất nhiều sự kiện đi kèm.

Trong khi đó năm 2023 Việt Nam đặt mục tiêu phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Ông Phạm Hà nói thêm rằng theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch thế giới phục hồi khoảng 90% so với năm 2019, tức là thời điểm trước đại dịch. Từ số liệu này rõ ràng Việt Nam chưa đạt được mục tiêu này. Chính vì thế Việt Nam nên học hỏi Thái Lan và các nước trong khu vực, đặt mục tiêu tham vọng hơn, táo bạo hơn trong năm 2024. Sau đại dịch nhu cầu của con người của sự thay đổi cùng với đó là các chính sách có sự nới lỏng, vậy nên du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đặt những mục tiêu xa: “Năm 2019, Việt Nam đón được 18 triệu khách, vậy chúng ta có thể táo bạo hơn khi đặt ra mục tiêu 18 triệu lượt khách. Tuy nhiên cũng không nhất thiết phải lấy năm 2019 làm mục tiêu mà có thể làm tốt hơn, đón được nhiều khách hơn, không chỉ là 18 triệu mà cao hơn là 20 triệu lượt khách”.

dulichvietnam2024-1701853188.jpg
Ông Phạm Hà cho rằng du lịch Việt Nam có thể đặt các mục tiêu đón khách quốc tế "tham vọng như Thái Lan".

Học hỏi kinh nghiệm làm du lịch từ Thái Lan, chuyên gia du lịch Phạm Hà cho rằng cần có một lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này, trước tiên phải xác định rõ thị trường khách du lịch lớn: “Ví dụ 11 tháng đầu năm 2023 10 thị trường du lịch lớn đến Việt Nam là những quốc gia, vùng lãnh thổ nào, từ đó có các chính sách nới lỏng visa hoặc có thêm biện pháp mở rộng thị trường mới. Trung Quốc là thị trường du lịch lớn của Việt Nam nhưng thời gian vừa qua du khách Trung Quốc đến Việt Nam chưa nhiều, hầu hết là các đoàn nhỏ lẻ. Rõ ràng chúng ta cần phải mở rộng thị trường nguồn, có thể tập trung vào thị trường mới như Ấn Độ hay khu vực Đông Âu, đầu tư các sản phẩm du lịch mới, đa trải nghiệm, nhân lực du lịch cũng được nâng cao để phục vụ du khách tốt hơn”.

Đặt ra mục tiêu cao hơn đồng nghĩa với đó cần có những biện pháp, việc làm thiết thực để đạt được kỳ vọng. Chính vì thế ông Phạm Hà đề xuất rằng cần có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó là quản lý điểm đến một cách chặt chẽ, đề cao sự sáng tạo, đổi mới trong các sản phẩm du lịch, cách thức tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đến các thị trường mới: “Việt Nam chúng ta vừa được giải thưởng là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, vậy có những sản phẩm du lịch nào đặc trưng? Liệu có thể tổ chức các lễ hội liên quan đến các di sản? Điểm đến di sản như Vịnh Hạ Long, Lan Hạ... có sự liên kết thành vùng du lịch chưa? Chúng ta cần phải đổi mới cách làm, có sự sáng tạo nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của du khách, thỏa mãn du khách để có thể khuyến khích họ ở lại lâu hơn, chi tiêu tiền nhiều hơn”.

Lam Giang