
Tham dự Hội nghị trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo một số Sở du lịch các tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 34 đầu cầu Sở quản lý du lịch trên toàn quốc.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã gửi lời chúc mừng, cảm ơn và tri ân tới những người làm du lịch trên toàn quốc qua các thời kỳ, ghi nhận những đóng góp và cống hiến cho Ngành trên suốt chặng đường 65 năm qua.
Vẽ lại bản đồ du lịch sau sáp nhập
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, sau khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vừa đi vào hoạt động, cũng như sắp xếp lại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành.

Bộ trưởng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến phát triển du lịch và khẳng định du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước thời gian qua, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là làm sao để không đứt gãy trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, trên 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng toàn ngành phải cùng nhau tham mưu để "vẽ lại bàn đổ du lịch Việt Nam". Vẽ lại ở đây không có nghĩa là phủ nhận những cái đã có mà phải có cách tiếp cận mới, vẽ lại để tạo ra liên kết, thay vì phát triển trong không gian hẹp phải tạo ra không gian mở, tạo ra các sản phẩm thực sự đặc sắc.
Người đứng đầu Bộ VHTTDL nhấn mạnh đại diện của 34 địa phương tham dự hội nghị cần cùng nhau thảo luận, đề xuất các chính sách và sáng kiến để ngành du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn trở thành một ngành truyền cảm hứng.
"Chúng ta không chỉ làm kinh tế mà còn mang theo yếu tố văn hóa bền vững, truyền cảm hứng và khơi dậy cảm xúc nơi du khách. Ngày nay, khách du lịch không chỉ đến để ngắm cảnh, mà còn mong muốn được đánh thức cảm xúc sâu sắc trong lòng. Đó mới là yếu tố then chốt để họ quay trở lại", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số mạnh mẽ
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình nhấn mạnh: "Muốn du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phải tập trung toàn lực vào hai trụ cột: chuyển đổi xanh và chuyển đổi số".

Chuyển đổi xanh để có thể chuyển hóa du lịch Việt Nam sang giai đoạn mới, thang bậc mới về chất lượng. Chất lượng phục vụ có tốt hay không, có an toàn hay không đều liên quan đến “xanh”: thực phẩm hữu cơ, hạn chế rác thải nhựa, đồ dùng organic thân thiện môi trường, vận hành du lịch không gây tổn hại đến hệ sinh thái…
Những năm gần đây, VITA đã tập trung vào phát triển du lịch xanh và xây dựng, ban hành tiêu chí về du lịch xanh (VITA Green). Hiện đã có 30 doanh nghiệp đạt được chứng nhận xanh trong đó có: điểm đến xanh, lưu trú xanh, lữ hành xanh và nhà hàng xanh. Với phong trào chuyển đổi xanh đang rầm rộ, bên cạnh hệ thống xếp hạng sao truyền thống, chất lượng xanh sẽ sớm trở thành một tiêu chí cạnh tranh mới giữa các doanh nghiệp du lịch.
Bên cạnh xanh hóa, chuyển đổi số được xem là động lực đưa ngành du lịch bước sang một giai đoạn phát triển hiện đại và nhanh hơn. Không chỉ là xu hướng, chuyển đổi số giờ đây len lỏi vào mọi khâu vận hành, từ quản lý sản phẩm, bán tour, chăm sóc khách hàng cho đến phân tích dữ liệu hành vi du khách. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chatbot, robot phục vụ… đều đã xuất hiện tại VITM, cho thấy khả năng triển khai thực tế không còn xa vời.
Theo Chủ tịch VITA, việc số hóa toàn diện sẽ giúp nâng cao trải nghiệm du khách, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu vận hành và tăng khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, nếu muốn thay đổi cơ cấu khách từ chi trả thấp sang chi trả cao, chính công nghệ sẽ là công cụ giúp cá nhân hóa dịch vụ, nhắm trúng phân khúc và khai thác thị trường hiệu quả hơn.
Để hiện thực hóa hai trụ cột này, công tác xúc tiến, quảng bá được đặt lên hàng đầu. Ngày 16/7 tới đây, Văn phòng Xúc tiến Du lịch Việt Nam đầu tiên tại nước ngoài sẽ khai trương tại Seoul (Hàn Quốc) - thị trường dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay. Đây là bước đi chiến lược, mở đầu cho chuỗi văn phòng đại diện nhằm mở rộng thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Du lịch - điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2025, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, cả nước đón gần 10,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024. Con số này đạt 48,6% so với kế hoạch năm 2025 (22 - 23 triệu lượt khách); tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024. Mức này đạt 64,5% so với kế hoạch năm 2025 (120 - 130 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch, ước đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng, đạt 52,8% so với kế hoạch năm 2025 (980.000 - 1.050 nghìn tỷ đồng).
Đáng chú ý, nhiều địa phương trong cả nước đã đón lượng khách lớn như: TPHCM đón và phục vụ 22,19 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt gần 118.000 tỷ đồng; TP Hà Nội đón và phục vụ 15,55 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt trên 62,2 nghìn tỷ đồng; Thanh Hóa đón và phục vụ 10,48 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt trên 26,3 nghìn tỷ đồng...

Công tác xúc tiến, quảng bá trong 6 tháng đầu năm 2025 có chuyển biến tích cực với những mô hình mới, cách làm sáng tạo, theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ số, gắn với văn hóa - nghệ thuật - điện ảnh. Các hoạt động này tập trung vào các nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Úc, Nga, Pháp, cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Việc liên kết hỗ trợ phát triển giữa các địa phương cũng được quan tâm triển khai đồng bộ và thiết thực hơn, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa đối với các địa phương lân cận.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: "Kết quả đó là minh chứng cho hướng đi đúng, kịp thời của ngành Du lịch trong cơ cấu lại thị trường khách, định hướng xây dựng sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả cả trên thực địa và trên các nền tảng số, cùng hiệu ứng tích cực từ chính sách thị thực mới".
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sau sáp nhập một cách cụ thể và báo cáo báo cáo chậm nhất vào cuối Quý III.