Cơ hội kích cầu du lịch
Việt Nam có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 km, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch. Đơn cử như sông Hoài ở Hội An, sông Hương ở Huế, sông Cần Thơ, tuyến du lịch đường sông nối di sản Tràng An,...
Ngoài tiềm năng về địa hình sông nước, những con sông trên còn biết tận dụng về lịch sử, văn hóa, ẩm thực để tạo nên những dấu ấn riêng cho mình. Sông Hương ở Huế ghi điểm trong lòng du khách với những tiếng ca Huế thả trôi theo dòng nước, những món ăn đậm chất miền Trung trong không gian sông nước hữu tình.
Sông Cần Thơ ghi dấu với chợ nổi Cái Răng với loại hình chợ buôn bán trên sông độc đáo và đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có được.
Vậy sông Sài Gòn có gì để ghi dấu ấn du lịch đường thủy?
Sông Sài Gòn xưa là nơi mà những tàu buôn và ghe thuyền trong và ngoài nước ra vào không ngớt, đầu tàu nối liền, đuôi cột buồm chi chít. Cách đây 112 năm, sông Sài Gòn đã lưu dấu ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước với hình ảnh bến cảng Nhà Rồng là chứng nhân lịch sử.
Ngày nay, sông Sài Gòn ghi dấu ấn với hình ảnh thành phố hiện đại như Landmark 81, khu đô thị mới An Phú, bán đảo Bình Quới,... Sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại, giữa văn hóa lịch sử và văn hóa đương đại, với lợi thế này Sông Sài Gòn sẽ là yếu tố chính để kích cầu du lịch đường thủy TP.HCM trong tương lai.
Với những tiềm năng ấy, hiện nhiều công ty du lịch đang khai thác chương trình ăn tối trên du thuyền sông Sài Gòn như tàu Saigon Princess, du thuyền Đông Dương - Indochina Junk, tàu Bến Nghé Sài Gòn,... với giá dao động từ 270.000 - khoảng 1.300.000đ/người.
Hay như đầu tháng 8/2023, Sở Du lịch TP.HCM cũng đã tổ chức Lễ hội sông nước TP.HCM. Trong thời gian diễn ra lễ hội từ ngày 4 đến ngày 7/8, Thành phố đón gần 54.000 lượt khách quốc tế, 100.000 khách nội địa. Về công suất phòng tăng 15% so với bình thường. Đặc biệt, tổng số lượng khách tham gia lễ hội hơn 51.000 lượt.
Theo đánh giá , Lễ hội Sông nước TP.HCM là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú giới thiệu sản phẩm đến du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, thông qua lễ hội lần này, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng đã chú ý nhiều hơn tiềm năng đô thị sông nước đang “ngủ quên” của TP.HCM.
Theo ông Trần Quang Duy - Giám đốc Công ty Chim Cánh Cụt Travel: “Du lịch đường thủy là dạng tài nguyên tiềm năng... Hiện nay công ty đang điều hành nhiều tour du lịch đường thủy với các mô hình như tham quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, du thuyền tham quan sông Sài Gòn,... Sắp tới công ty sẽ phát triển thêm tour du lịch xanh đi tham quan Cần Giờ xuất phát từ bến Bạch Đằng.”
"Thừa thuyền, thiếu bến"
Gần 10 năm khai thác du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Phan Xuân Anh, Tổng Giám đốc Công ty Thuyền Sài Gòn cho biết: TP.HCM có một lợi thế rất lớn về sông ngòi để phát triển du lịch sông nước. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể còn khá nhiều hạn chế đặc biệt như hạ tầng bến bãi, cảnh quan môi trường, thiếu các dịch vụ như ăn uống vệ sinh, wifi tại bến,....
“Nếu các sở ban ngành có thể quy hoạch rõ ràng các bến bãi, đầu tư hạ tầng bến bãi, các doanh nghiệp có thể đầu tư hơn vào các dịch vụ thì chương trình du lịch sông nước tại TP.HCM có thể phát triển tương đương như Thái Lan hay Singapore...” - ông Phạm Xuân Anh nói.
Cùng quan điểm, theo ông Trần Quang Duy - Giám đốc Công ty Chim Cánh Cụt Travel mặc dù sản phẩm du lịch đường thủy tại TP.HCM đã có từ rất lâu tuy nhiên hiện tại nhiều bến thủy nội địa chưa đảm bảo an toàn cho du khách. Vấn đề về chất lượng bến bãi khiến doanh nghiệp vẫn còn e dè khi tổ chức thêm các tour sông nước mới.
“Ngoài ra, giá của nhiều loại hình du lịch sông nước giá rất cao như ăn tối hay thưởng thức âm nhạc trên thuyền. Các tour như này chỉ phù hợp với khách nước ngoài chứ chưa thể tiếp cận khách nội địa nhiều.” - ông Duy chia sẻ thêm.
Nhiều doanh nghiệp cũng trăn trở về quy hoạch bến bãi đường thủy nội địa quá chậm, trong khi mạng lưới có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm TP chính là điều kiện rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách kết hợp du lịch.
Trước đó, vào tháng 6-2023, Sở GTVT TP.HCM đã có có công văn gửi Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình quản lý các bến thủy nội địa. Hiện trên địa bàn TP còn tồn tại 58 bến thủy nội địa hoạt động khi chưa được cơ quan thẩm quyền công bố, cấp phép hoạt động.
Sở GTVT cho biết, để chuyển đổi quy hoạch, định hướng tổ chức quản lý các bến thủy nội địa, UBND TP đã giao các địa phương cập nhật 411 vị trí định hướng đầu tư xây dựng bến thủy nội địa giai đoạn 2020-2030 vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.
Sở GTVT đã đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện, tuy nhiên công tác cập nhật quy hoạch bến thủy nội địa của địa phương còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ đề ra theo chỉ đạo của UBND TP. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong công tác công bố, quản lý hoạt động bến thủy nội địa.
... Còn tiếp!