Thành phố Hồ Chí Minh với lợi thế về mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều chương trình du lịch đường thủy của các công ty như Vietravel, Vietluxtour, TST Tourist, Chim Cánh Cụt Travel JSC,... mở ra đã thu hút hàng ngàn lượt khách tham gia mỗi ngày.
Du khách tận hưởng tour du lịch độc đáo
Gần 10h sáng chủ nhật 24/9, rất đông du khách đã đến bến Bạch Đằng trải nghiệm chuyến buýt đường sông (WaterBus) với mỗi lộ trình dài gần 11km đi qua 5 bến. Lần đầu tiên trải nghiệm đi buýt trên sông, anh Trần Hoài Phương (27 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk ấn tượng với loại hình du lịch này: “Chỉ với 30.000 đồng cả lượt đi lẫn lượt về là một trải nghiệm vừa rẻ vừa tuyệt vời. Tham quan thành phố bằng đường sông sẽ tạo nên những góc nhìn mới về quang cảnh thành phố. Quả thật,thành phố mình rất đẹp khi chiêm ngưỡng từ một con tàu”.
Nhiều du khách rất hào hứng khi được đi lại bằng phương tiện hiện đại và tận hưởng không khí mát mẻ của sông Sài Gòn. Đi buýt sông, du khách có thể dễ dàng check in các điểm sống ảo như toà nhà Lankmark 81, các toà cao ốc ven sông Sài Gòn...
Tương tự anh Phương, chị Phạm Thị Thu Hà (20 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) hào hứng chia sẻ: “Cuối tuần, tôi tranh thủ cùng bạn bè đến để trải nghiệm và chụp hình check in, chắc chắn tôi sẽ đi nữa và không quên giới thiệu cho bạn bè cùng tham gia”.
Theo số liệu từ Saigon WaterBus, mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt khách trải nghiệm buýt sông. Số chuyến Saigon WaterBus hoạt động mỗi tháng là 900 chuyến. Không chỉ buýt đường sông, nhiều nhóm du khách có thể lựa chọn các loại hình du lịch bằng du thuyền, tàu nhà hàng, ẩm thực giải trí về đêm trên sông Sài Gòn.
Đa dạng các tuyến du ngoạn trên sông
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM về tình hình hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.941.267 lượt khách, tăng 306% so cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, khách du lịch nội địa đến TP.HCM 6 tháng năm 2023 ước đạt 16.415.438 lượt, tăng 48% so cùng kỳ năm 2022.
Trong báo cáo của Sở GTVT TP.HCM về phương án sắp xếp, chỉnh trang bến Bạch Đằng (quận 1) hiện TP.HCM có 3 nhóm du lịch đường sông. Nhóm dưới 10km (Bạch Đằng - Bình Qưới, Nhiêu Lộc -Thị Nghè),... với khoảng 15.000 lượt khách mỗi tháng. Nhóm 10 - 60km (Bạch Đằng - Bến Dược, Bạch Đằng - Xoài Rạp) thu hút khoảng 4.000 lượt khách mỗi tháng. Nhóm liên tỉnh TP.HCM đi các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long hoặc nối với tuyến Châu Đốc - An Giang để kết nối qua Campuchia với hơn 19.000 lượt khách tham gia mỗi tháng.
Theo đó, nhóm các tour trên sông dưới 10km với thời gian di chuyển từ 3-4 giờ hiện có khoảng 15 đơn vị đang khai thác và thu hút đông du khách nhất. Lộ trình chủ yếu là các tuyến du lịch đi Bình Qưới theo lộ trình bến Bạch Đằng - Thanh Đa - Bình Quới, Bạch Đằng - Lan Anh - Landmark - Bình Quới, các lộ trình này thu hút khoảng 14.000 lượt khách/tháng.
Ngoài ra, nhóm các tour trên sông tầm ngắn còn có tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lưu lượng khách trung bình khoảng 1.000 lượt khách/tháng.
Nhóm thứ hai là nhóm các tour trên sông tầm trung có bán kính từ 10-60km với khoảng 13 đơn vị khai thác. Tuyến này chủ yếu khai thác theo hai hướng đi về huyện Củ Chi và Cần Giờ. Trong đó tuyến Bạch Đằng - Củ Chi thu hút khoảng 3.000 lượt khách/tháng, còn tuyến Bạch Đằng - Cần Giờ có khoảng 1.000 lượt khách/ tháng.
Nhóm cuối cùng là nhóm các tour trên sông liên tỉnh, ở nhóm này có khoảng 10 đơn vị tham gia. Sở dĩ nhóm này vẫn chưa có nhiều công ty du lịch khai thác là do chi phí khá cao, thời gian di chuyển lâu nên khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường khách.
Có thể thấy, sản phẩm du lịch đường sông ở TP.HCM hiện chủ yếu là các chương trình du ngoạn trên sông, trải nghiệm ngắm nhìn cảnh quan, kiến trúc hai bên bờ và còn thiếu sắc màu lễ hội hay ẩm thực... Tuy nhiên, với sự đa dạng các tuyến cùng lợi thế sông ngòi dày đặc, du lịch trên sông của TP.HCM vẫn có tiềm năng rất lớn, kỳ vọng trở thành sản phẩm đặc thù của du lịch địa phương.