Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du lịch đường thủy TP.HCM: Tạo ra giá trị khác biệt cho sản phẩm du lịch (kỳ cuối)

UBND TP.HCM định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy trở thành một trong các sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của TP trong giai đoạn 2023-2025.
tour-du-lich-tren-song-sai-gon-5-1695892892.jpg
So với du lịch đường bộ, hành trình du lịch đường sông Sài Gòn mang đến cho du khách một khung cảnh TP.HCM khác biệt và ấn tượng - Ảnh: Tàu Sài Gòn Princess

Quy hoạch lại sông Sài Gòn để đột phá về du lịch 

Tham gia tại diễn đàn “Đóng góp ý tưởng Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060”, Kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường chia sẻ về đề án quy hoạch sông Sài Gòn.  Theo ông Tường, không gian trung tâm đã quá tải, hầu hết các quỹ đất đều đang được xây dựng, nén chặt nhà cao tầng. Quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn rất thích hợp làm dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian làm cảnh quan đẹp kết nối khu vực trung tâm và lân cận. 

Nếu hai bên sông Sài Gòn có cảnh quan thông suốt từ đầu đến cuối, công trình phục vụ cộng đồng, phát triển văn hóa và du lịch, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn. 

Đưa ví dụ dải công viên cây xanh như kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè để ai cũng có thể dạo bộ, xe đạp, ngắm cảnh, tham quan, du lịch, chiêm ngưỡng vẻ đẹp dòng sông, ông Tường cho rằng Sông Sài Gòn cùng hai bên bờ vốn là tài sản vô giá nên là không gian mở, càng nhiều người tiếp cận càng tốt. Như vậy, khác với các quy hoạch chủ yếu thiên về bất động sản, nên ưu tiên đầu tư để kinh doanh và thu hồi vốn theo kiểu khai thác cảnh quan tự nhiên và du lịch.

Cụ thể, một không gian thoáng đãng bầu không khí trong lành với tự nhiên kết hợp với di sản văn hóa. Hai bên bờ Sông Sài Gòn thuận lợi có sẵn những di tích và địa điểm văn hóa, chùa, nhà thờ, Cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng sau khi di dời để lại quỹ đất khá lớn. Nếu giữ lại một phần để bảo tồn di tích văn hóa lịch sử và kết hợp khai thác các ngành dịch vụ, phát triển du lịch.  

Mặc khác, cần xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn. Khi triển khai quy hoạch, ngoài hành lang bảo vệ hai bên bờ, còn rất nhiều mảnh đất dọc sông Sài Gòn có thể thuận lợi tổ chức các công viên lớn nhỏ, khu vực tổ chức sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch, các dịch vụ ẩm thực, kinh doanh, mua bán…

Đồng thời, dễ dàng kết nối địa điểm bảo tàng, nhà hát, sân khấu biểu diễn ca nhạc ngoài trời. Đó chính là những điều kiện thuận lợi cho mọi người đến tận hưởng không gian hai bên bờ sông, chiêm ngưỡng dòng sông, khai thác tiềm năng của dòng sông.

“Du lịch đến sông Singapore, tôi thấy nước này đã tận dụng không gian tự nhiên và trùng tu nhiều bến cảng, xưởng tàu, kho bãi, di tích ven sông thành không gian văn hóa công cộng kết hợp với các hoạt động kinh tế thương mại đã tạo ra các bến du lịch là điểm đến thu hút rất đông du khách”. - ông Tường chia sẻ. 

nha-hang-du-thuyen-sai-gon5-1068x534-1695892925.jpeg
Với mức giá hợp lý từ 250.000 đồng/ người, nhiều du thuyền trên Sông Sài Gòn đễ dàng tiếp cận được tệp khách từ nội địa đến nước ngoài - Ảnh: Du Thuyền Bonsai

Cần điều kiện để du lịch đường sông TP.HCM "cất cánh"

Theo báo cáo Hội Thảo Khoa học Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, ông Đoàn Lê Minh Khởi (Chuyên viên Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Đại học Quốc Gia TP.HCM) cho rắng, TP.HCM có 6 điều kiện để phát huy tiềm năng sông nước. 

Trong đó, ông Khởi nhấn mạnh điều kiện tự nhiên, sự liên kết các hoạt động trên bờ sông, ven bờ và trên đất liền, cơ sở vật chất, thứ tư là sự liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và địa phương, giá cả dịch vụ và cuối cùng là nhân lực du lịch. 

Với điều kiện thứ nhất, theo ông Khởi, không phải cứ có sông là có thể tổ chức các loại hình du lịch đường sông. Dọc theo bờ sông phải có các di tích lịch sử, công trình văn hóa, điểm tham quan. Con sông sẽ trở nên thu hút hơn nếu gắn với các nhân vật, sự kiện lịch sử hay từng xuất hiện trong các tác phẩm, điện ảnh nổi tiếng. 

Theo đường sông Sài Gòn, du khách có thể tham quan các điểm di tích nổi tiếng của TP như: Bến Nhà Rồng, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Hội quán Quảng Triệu, Cầu Mống,... Hay vào những dịp xuân về có thể trải nghiệm không khí ngày Tết tham quan chợ hoa tại bến Bình Đông (quận 8).

Theo ông Khởi, vấn đề du lịch TP.HCM cần giải quyết hiện tại là đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng. Bề rộng sông Sài Gòn khi qua địa phận thành phố dao động từ 225- 370m và có độ sâu dao động khoảng 20m. Điều này thuận tiện không chỉ cho giao thông đường thủy mà còn phát triển du lịch đường sông với các phương tiện như du thuyền, tàu du lịch.

Vì du lịch đường sông sử dụng phương tiện chủ yếu là thuyền, ghe, ca nô,... Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng nền tảng, đưa ra những chính sách khuyến khích tạo động lực phát triển và quản lý hiệu quả các nhân tố du lịch đường sông. 

Mặc khác, các doanh nghiệp dựa trên những điều kiện đã có, xây dựng các chương trình cụ thể, đầu tư phương tiện tàu, thuyền, xe vận chuyển và tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Người dân địa phương và các điểm tham quan nhìn thấy được lợi ích khi tham gia vào hoạt động du lịch sẽ chủ động ra sức bảo vệ môi trường, hình thành nhiều thói quen tốt.

Về vấn đề giá cả dịch vụ, khi tiến hành bán các chương trình du lịch đường sông cần tính đến đối tượng du khách để có mức giá phù hợp, giá cả phải tương xứng với chất lượng dịch vụ và sử dụng các thủ thuật quảng cáo, kích cầu đánh vào tâm lý chung của du khách.

Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TPHCM giai đoạn 2023 – 2025:

UBND TP.HCM đã lập ra đề án phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố. Với tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.

Để đạt được kỳ vọng trên, UBND TP đặt ra nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2024 là cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có, như nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10km) hay tuyến du lịch đi Bình Quới, tuyến nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè; nhóm các sản phẩm tầm trung gồm tuyến du lịch đi Củ Chi, Cần Giờ. 

Bên cạnh đó, TP. HCM cũng cần tập trung xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy nhằm cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hoá, nét đặc trưng về các hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thuỷ trên địa bàn TPHCM. 

Giới thiệu các sản phẩm tour du lịch đường thủy đang khai thác tại Thành phố; Xây dựng bản đồ các tuyến du lịch đường thuỷ, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS.

Đến giai đoạn 2024 - 2025 sẽ đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới. Bổ sung các bến thủy nội địa trên tuyến: bến Cù Lao Nguyễn Kiệu, bến Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bến Khu dân cư Trung Sơn, bến Công viên Him Lam…

Xây dựng chương trình du lịch mới trên tuyến như: bến Bạch Đằng (quận 1) - bến Ngôi Sao Việt (quận 7), tuyến du lịch đi quận 1, 4, 5, 6 và quận 8, tuyến du lịch đi TP Thủ Đức.

Nhóm các sản phẩm du lịch tầm xa (từ TPHCM đi các tỉnh trong khu vực) xuất phát từ khu vực trung tâm TP như: cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống… đi các tỉnh như: Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc – An Giang để kết nối qua Campuchia.

Trong giai đoạn 2024 – 2025: Tiếp tục phát huy sức hút của Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đối với khách du lịch quốc tế, phát triển các tour về nguồn, văn hóa lịch sử kết hợp thưởng ngoạn sông Sài Gòn, tham quan các làng nghề, nhà vườn, sinh thái... thu hút nhiều đối tượng khách nội địa. 

Lưu Duyên