Trong niềm xúc động, tiếc thương, từ sáng sớm ngày 25/7, nhiều đoàn đại biểu đã tề tựu tại Hội trường Thống Nhất (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) để dự Lễ viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với lòng biết ơn và sự kính trọng.

Đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghỉ hưu tại TP.HCM, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP.HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đến viếng cùng đoàn còn có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ…





Bên ngoài Hội trường Thống Nhất, nhiều đoàn cũng đã đến từ sáng sớm chờ đến lượt vào viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó có đoàn đại biểu Liên đoàn Lao động TP.HCM, ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết: "Trước đó liên đoàn chúng tôi đã từng làm việc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua đại hội Công đoàn Việt Nam. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư thật sự rất sâu sắc mang tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam. Đồng thời thể hiện được tình cảm sâu sắc, thân thương của người đi trước đối với thế hệ trẻ, của một vị lãnh đạo đất nước đối với công nhân cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng".

Ông Nguyễn Tống Đôn (79 tuổi) - cựu chiến binh của Sư đoàn 341 - Quân đoàn 4 chia sẻ, ông cùng vợ bắt xe ôm chạy từ quận 12 đến Hội trường Thống Nhất từ 6 giờ sáng để tham gia Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Vừa hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi cảm thấy rất xúc động. Sáng sớm tôi tranh thủ thời gian đến thắp hương và tưởng niệm Tổng Bí thư. Ông là người giản dị, gần gũi với nhân dân, đặc biệt ông rất thương cụ già và trẻ em, cả đời sống vì nhân dân vì đất nước. Tuổi già sức yếu nhưng tôi luôn tự nhủ phải làm tốt trách nhiệm của một người chiến binh khi đã về hưu", ông Đôn chia sẻ.


Trưa chiều cùng ngày 25/7, mặc cho trời đổ mưa, nhiều người dân TP.HCM vẫn có mặt tại khu vực Hội trường Thống Nhất xếp hàng chờ tới lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đến hơn 16 giờ ngày 25/7, đoàn người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM vẫn kéo dài. Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ lặn lội từ những tỉnh bạn như Đồng Nai, Bình Dương hay các quận, huyện của TP.HCM đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.


Ngày 26/7, người dân có thể đến viếng vào khung giờ 7h-12h30 theo đoàn hoặc đăng ký riêng lẻ, trẻ em có thể đi cùng người lớn. Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ diễn ra lúc 13 giờ ngày 26/7 tại Hội trường Thống Nhất (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM).
Khi đến viếng mặc trang phục trang trọng, sậm màu nghiêm túc theo nghi thức Quốc tang. Học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, công chức, người lao động mặc đồng phục theo trường, đơn vị. Lưu ý không mang theo vòng hoa, trái cây, nhang đèn. Người dân chỉ cần mang theo căn cước công dân hoặc ứng dụng VNeID, không mang theo túi xách. "Người dân đến viếng trình thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID để quét mã, sau đó sẽ được kiểm tra an ninh trước khi vào viếng", đại diện ban tổ chức hướng dẫn.
Trong hai ngày diễn ra Quốc tang, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang treo cờ Tổ quốc theo nghi thức cờ rủ, có dải băng tang màu đen (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ), băng vải đen buộc, không để cờ bay và chỉ kéo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ; vị trí treo cờ rủ tại vị trí treo cờ hằng ngày; ngừng tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.