Độc đáo ngôi chùa mang dấu ấn nhân duyên của vua Khải Định cùng vợ tại Tây Nguyên

Sắc Tứ Khải Đoan - ngôi chùa được xây dựng đầu tiên tại Tây Nguyên vào thời kỳ Pháp thuộc, không chỉ mang cái tên vô cùng độc đáo mà còn ẩn chứa vô vàn điều thú vị.

Đến thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk - thủ phủ của hạt cà phê và những chú voi con, du khách nên lựa chọn ghé thăm một trong những ngôi chùa được phong “sắc tứ” dưới thời triều Nguyễn. 

Ngôi chùa có tên là Sắc Tứ Khải Đoan, được ghép từ tên của vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Theo các ghi chép, “sắc tứ” là tờ lệnh của vua ban cho một ngôi chùa hay một người, một sự vật đặc biệt quan trọng nào đó. Lý giải cho điều này, các nhà sử học và người dân giải thích rằng bởi vì thời ấy ở Tây Nguyên chưa có bất kỳ ngôi chùa nào có kiến trúc quy mô, cầu kỳ đến như vậy. Vậy nên, Sắc Tứ Khải Đoan được sắc phong đã thể hiện sự hoành tráng, bề thế của ngôi chùa được tọa lạc tại mảnh đất bazan đầy nắng và gió. 

img-9652-1721388082.JPG
Chánh điện có đến 2 kiến trúc khác nhau, nửa đầu là kiến trúc nhà rông kết hợp với hệ thống cột kèo theo thiết kế cung đình Huế, nửa sau được xây với dáng dấp hiện đại - Ảnh: Thúy Hiền
cot-nha-ruong-1721387859.JPG
Các trụ cột của chùa mang nét ảnh hưởng "nhà rông" từ người đồng bào bản địa Ê đê, những chiếc cột có tác dụng ngăn sự xâm nhập của thú rừng thời xưa - Ảnh: Thúy Hiền.
ngoi-ne-1721388415.JPG
Hàng mái ngói mang chất liệu gỗ kết hợp kiến trúc Phật giáo tạo điểm nhấn cho ngôi chùa - Ảnh: Thúy Hiền.
mai-dai-1721389639.JPG
Lối kiến trúc mái nhà dài là đặc trưng nhà sàn không thể lẫn được của người đồng bào Ê đê - Ảnh: Thúy Hiền.

Khi đặt chân đến ngôi chùa vào một chiều gió mùa man mát tại Tây Nguyên, điều tôi cảm nhận đầu tiên đó chính là sự yên bình, trong lành của nơi đây. Lúc đầu, tôi cũng đã ngỡ nơi này sẽ giống như bao ngôi chùa khác nhưng khi được tìm hiểu sâu và kỹ hơn, mới hay rằng sự khác biệt nằm ở lối kiến trúc độc đáo. Đây là sự kết hợp giữa nhà sàn (đặc trưng của người đồng bào Tây Nguyên) và phong cách Phật giáo (hơi hướng cung đình triều Nguyễn).

sen-1721390959.JPG
Loài hoa tượng trưng cho Phật giáo (hoa sen) được điêu khắc tỉ mỉ trên hành lang làm từ gỗ - Ảnh: Thúy Hiền.
toa-bao-thap-1721388753.JPG
Tòa bảo tháp bên trong ngôi chùa là nơi được nhiều người dân tự hào mỗi khi nhắc đến - Ảnh: Thúy Hiền.
tuong-phat-vang-1721389064.JPG
Khu tượng thờ phật A Di Đà cao 1,1m bằng đồng - Ảnh: Thúy Hiền.
ngoi-check-in-1721389347.JPG
Góc check-in được rất nhiều du khách yêu thích - Ảnh: Thúy Hiền.
la-xanh-1721389411.JPG
Những mảng màu xanh từ cây cỏ, điểm xuyết trong không gian ngôi chùa "Sắc Tứ Khải Đoan" khiến nơi đây vốn đã an nhiên nay lại càng trở nên trong lành, tươi mát hơn - Ảnh: Thúy Hiền.

Với khuôn viên rộng lớn, ngày nay ngôi chùa là nơi thu hút du khách ghé thăm đồng thời cũng là nơi hội họp của người dân địa phương trong các dịp lễ lớn. Ngoài mục đích thu hút du lịch, ý nghĩa tâm linh của ngôi chùa cũng là điều được người dân đề cao bởi theo họ chia sẻ, sự an yên, thanh tịnh của chùa Sắc Tứ Khải Đoan đã được truyền qua nhiều đời, ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của mỗi người dân nơi đây.  

chap-tay-niem-phat-1721389813.JPG
Mỗi chiều, người phụ nữ này đều đến chùa Sắc Tứ Khải Đoan chắp tay niệm Phật cầu bình an cho gia đình và người thân - Ảnh: Thúy Hiền.

Đọng lại trong tôi sau khi ghé thăm ngôi chùa này đó là sự bình yên, thanh thản và vô cùng thoải mái, dễ chịu mà khó có thể diễn tả thành lời. Khi chiêm ngưỡng từng thiết kế kiến trúc tỉ mỉ của ngôi chùa, tôi có cảm giác tâm trí mình thanh thản, thư thái hơn. Đặc biệt tôi còn ấn tượng với những câu chuyện lịch sử ý nghĩa thông qua từng tác phẩm điêu khắc, kiến trúc thiết kế khi kết hợp Phật giáo cùng đặc trưng văn hóa của người bản địa. Đây có lẽ là một trải nghiệm thú vị mà tôi muốn được trở lại nơi này nhiều lần nữa.  

Nếu có dịp ghé thăm Tây Nguyên, ngôi chùa Sắc Tứ Khải Đoan chắc chắn sẽ trở thành điểm đến không thể bỏ qua dành cho những ai yêu thích khám phá văn hóa tâm linh.   

Hai Hiền