Diễn đàn “Phát triển điểm đến xanh – Nâng tầm du lịch Việt Nam” có sự tham dự của ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ; Chủ tịch VITA ông Vũ Thế Bình… và nhiều chuyên gia du lịch trong và ngoài nước.
Diễn đàn chia làm 2 phiên thảo luận. Phiên “Điểm đến xanh và mục tiêu tăng tốc phát triển du lịch Việt nam hiệu quả, bền vững” do các chuyên gia trình bày tham luận. Phiên II:Toạ đàm về thực hành phát triển Điểm đến xanh tại Việt Nam do TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh điều phối.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi và thảo luận về việc nâng cao nhận thức và giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam; xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp hiệu quả để huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch; hiện thực hóa các sáng kiến tiếp cận, mở rộng thị trường đối với mô hình kinh doanh du lịch xanh…

Chuyển đổi xanh là bắt buộc
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, du lịch không chỉ là ngành kinh tế tổng hợp có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm và thúc đẩy giao lưu văn hóa mà còn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, ngành du lịch cũng buộc phải chuyển mình mạnh mẽ. Chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai.
Hiệp hội đã tập trung xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh (VITA GREEN), với mục tiêu tạo ra công cụ thực tiễn, rõ ràng, có thể áp dụng cho các điểm đến và doanh nghiệp du lịch hội viên trên cả nước. Diễn đàn hôm nay là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm lan tỏa nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hành động thực tế trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành du lịch Việt Nam.
Tại khai mạc diễn đàn, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, tầm nhìn của UNDP về các điểm đến xanh không chỉ giới hạn ở các nỗ lực bảo tồn của cộng động tại các khu vực biển và khu bảo tồn. UNDP cũng nhận thấy vai trò quan trọng của giao thông xanh. Việc khuyến khích du khách ưu tiên các lựa chọn di chuyển thân thiện với môi trường không chỉ làm sâu sắc trải nghiệm của họ mà còn trực tiếp góp phần vào bầu không khí trong lành hơn và hướng tới các mục tiêu phát thải ròng bằng không đầy tham vọng của Việt Nam.

Dự án thí điểm tại tỉnh Phú Yên và TP. Huế, với việc ra mắt gần đây các trạm “Check-in và chia sẻ Giao thông xanh” ở Tuy Hòa và Hòn Yến là một bước đi cụ thể, hiện thực hóa định hướng này. Thông qua việc thúc đẩy mô hình chia sẻ giao thông xanh và nâng cao nhận thức trong cộng đồng địa phương, UNDP đang từng bước kiến tạo nền tảng cho một hệ sinh thái du lịch xanh thực sự bền vững.
Chủ đề của diễn đàn hôm nay, "Phát triển Điểm đến Xanh – Nâng tầm Du lịch Việt Nam", cộng hưởng sâu sắc với cam kết của UNDP đối với sự phát triển bền vững. Con đường nâng tầm du lịch Việt Nam thông qua phát triển các điểm đến xanh không chỉ là một khát vọng mà còn là một đòi hỏi tất yếu và một cơ hội chiến lược. UNDP Việt Nam cam kết sát cánh cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và tất cả các đối tác trên hành trình chuyển đổi mang tính bước ngoặt này. Bởi lẽ, một quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ là một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế mà còn là lá chắn vững chắc bảo vệ di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam cho thế hệ mai sau.
Cần tăng cường truyền thông
Chia sẻ về xu hướng chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, GS.TS.NGND Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch – VITA khẳng định, chuyển đổi xanh là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm du lịch theo hướng giáo dục du khách về du lịch bền vững. Khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên, giảm du lịch hàng không dài ngày. Hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng. Tiết kiệm nước, điện và áp dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú. Bảo vệ hệ sinh thái, không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Chuyển đổi xanh trong du lịch đòi hỏi phát triển du lịch cộng đồng & kinh tế tuần hoàn, trong đó hỗ trợ các làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân địa phương ưu tiên các sản phẩm, thực phẩm hữu cơ và hàng thủ công địa phương. Khuyến khích khách du lịch tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, giảm phát thải carbon, sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (xe điện, xe đạp, giao thông công cộng)…

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà cho biết, việc đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường… đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài trong khi đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Sản phẩm du lịch xanh giá thành cao, chi phí đầu tư cao nhưng các DN triển khai loại hình du lịch này chưa được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm… nên có nhiều DN muốn chuyển đổi xanh vẫn chưa thể tiếp cận. Tuy nhiên, thị trường khách hàng mục tiêu của LuxGroup – 80% đến từ Âu, Mỹ, Úc – ngày càng ưu tiên các sản phẩm du lịch có trách nhiệm: giảm phát thải, hỗ trợ cộng đồng và bảo tồn văn hóa địa phương. Do vậy, LuxGroup đã đăng ký và thực hành theo tiêu chuẩn Travelife – chứng nhận bền vững uy tín được công nhận bởi GSTC (Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu) và UN Tourism.
Chia sẻ về điều này, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho biết, Hiệp hội đã xây dựng và Ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh, qua đó hướng dẫn các DN kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm đến du lịch tự nguyện tham gia trong việc thực hành du lịch xanh. Trước mắt áp dụng cho: Điểm đến du lịch, Cơ sở lưu trú, Doanh nghiệp lữ hành và Cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch (ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm). Để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá du lịch xanh, giảm thiểu rác thải nhựa phải là yêu cầu tiên quyết để Du lịch Việt Nam Xanh. Chương trình Phát triển điểm đến Xanh của Du lịch Việt Nam trước hết cần làm giảm thiểu rác thải nhựa tại các điểm đến du lịch.

Điều 64 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí công nhận Doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa theo Quyết định số 78/QĐ-HHDLVN ngày 22/12/2024.
Bộ tiêu chí đã được rất nhiều doanh nghiệp trong nước tự nguyện thực hiện góp phần giảm thiểu rác thải nhựa cho ngành du lịch hướng đến mục tiêu Xanh.
Dưới góc độ báo chí và truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng, thời gian tới các báo nên xây dựng chuyên trang, chuyên mục về du lịch xanh, qua đó tập trung đưa tin, phân tích chuyên sâu, đa chiều về chủ đề này tạo sức hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, báo chí có thể chủ động khởi xướng hoặc đồng hành cùng các chiến dịch như: “Nói không với rác thải nhựa tại điểm du lịch”; “Một chuyến đi – Một cây xanh”; “Lựa chọn khách sạn xanh – sống trọn trải nghiệm xanh”… Thông qua loạt bài, phóng sự, tọa đàm trực tuyến, talkshow, báo chí sẽ tạo ra phong trào xã hội rộng lớn ủng hộ du lịch xanh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, tuyên tuyền, tôn vinh các mô hình du lịch xanh tiêu biểu.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, GS.TS.NGND Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch – VITA chia sẻ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam – VITA có tạp chí Vietnam Travel là tiếng nói phát ngôn của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Trong tạp chí Vietnam Travel có rất nhiều bài viết nghiên cứu về du lịch xanh. Đây là tạp chí có chỉ số khoa học, là diễn đàn để các chuyên gia đóng góp ý kiến về du lịch xanh. Viện Kinh tế Du lịch của Hiệp hội Du lịch Việt Nam VITA là đơn vị sẽ cùng hợp tác với tạp chí Vietnam Travel và các địa phương, doanh nghiệp, để chung tay “Phát triển điểm đến xanh – Nâng tầm du lịch Việt Nam”.

