Một giấc mơ phát sáng giữa rừng già
Đêm thứ Năm cuối tháng Tư, Nguyễn Hồng Nhật – một kiến trúc sư sinh năm 1990, sống tại Hà Nội – đặt chân vào Vườn quốc gia Cúc Phương. Không phải để cắm trại hay tránh cái nóng đầu hè, anh đến đây với một mục tiêu duy nhất: chụp lại khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong năm – khi rừng lên đèn theo cách tự nhiên nhất, bằng hàng ngàn con đom đóm nhỏ bé phát sáng trong bóng đêm.
Nhật chọn đi vào ngày thường để tránh đám đông. “Mình đến vào thứ Năm cho vắng, chụp từ 19h đến 21h – đúng khung giờ đom đóm xuất hiện nhiều nhất,” anh kể. “Đây là kế hoạch mình ấp ủ từ lâu. Mình rất thích chụp ảnh thiên nhiên, cảnh sắc Việt Nam – và mùa đom đóm ở Cúc Phương thì luôn nằm trong danh sách ‘phải đi một lần’.”

Rời xa ánh đèn thành phố, bước chân vào bóng tối nguyên sơ của Cúc Phương, Nhật kể lại cảm xúc gần như “choáng ngợp” khi đối diện với cảnh tượng kỳ ảo đầu tiên: “Lần đầu thấy cả khu rừng bừng sáng bởi hàng ngàn đốm sáng li ti, mình gần như nín thở. Cảm giác vừa chill, vừa có chút hoang mang vì xung quanh tối đen như mực, nhưng rồi cũng quen dần và thấy một sự yên bình lạ thường. Mình như lạc vào một thế giới khác – đẹp, hoang dã và tĩnh lặng.”
Không giống ánh sáng nhân tạo, ánh sáng từ đom đóm là thứ ánh sáng sống – dịu dàng, lập lòe, nhịp nhàng như một bản nhạc không lời. Khi hàng ngàn con phát sáng đồng loạt trong một đoạn rừng, cảm giác như ai đó đã thắp hàng vạn đèn dầu li ti giữa lòng thiên nhiên. Không còn tiếng người, không có wifi, chỉ có tiếng côn trùng và ánh sáng diệu kỳ của sự sống.

Mùa đom đóm – mùa của sự kiên nhẫn và cảm nhận
Theo các nhân viên kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương, mùa đom đóm thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7, trong đó cao điểm là khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 6. Chúng thường xuất hiện từ khoảng 19h đến 21h mỗi tối – khi trời bắt đầu tối hẳn và nhiệt độ không khí mát dịu. Đom đóm đặc biệt nhạy cảm với thời tiết: trời mưa, gió hoặc có trăng sáng quá thì lượng đom đóm sẽ ít đi đáng kể.
Một số địa điểm được các “thợ săn ảnh” như Nhật gợi ý là hồ Mạc, đường vào Động Người Xưa hoặc khu trung tâm rừng – nơi có ít ánh sáng nhân tạo và lượng cây cối đủ rậm để đom đóm trú ngụ. “Đi sâu một chút sẽ thấy ánh sáng lấp ló hiện ra. Như thể cả khu rừng có linh hồn,” Nhật mô tả.

Để chụp được một bức ảnh đom đóm đẹp không dễ. Người chụp phải mang theo chân máy, mở khẩu lớn, chỉnh ISO phù hợp và nhất là – kiên nhẫn. “Đom đóm không dành cho ai vội. Phải thật chậm, nhẹ nhàng, tôn trọng thiên nhiên, thì mới thấy được vẻ đẹp thực sự của chúng.”
Ngoài kỹ thuật, một vài “bí kíp” khác cũng được Nhật chia sẻ: mặc quần áo dài tay, mang thuốc chống muỗi, đi giầy hoặc ủng chống trơn trượt. Khi di chuyển, nên dùng đèn pin có ánh sáng ấm và tránh rọi thẳng vào đom đóm để không làm chúng hoảng sợ. “Và tuyệt đối không đi vào bụi rậm. Dù là rừng có kiểm soát, nhưng vẫn là môi trường hoang dã – không thể lường trước được điều gì.”

Tour đêm Cúc Phương: Khi thiên nhiên trở thành trải nghiệm
Tận dụng sức hút của mùa đom đóm, từ năm 2024, Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương chính thức mở tour đêm xuyên rừng bằng xe điện. Hành trình kéo dài khoảng 1,5 giờ, đưa du khách đi sâu vào rừng để chiêm ngưỡng không chỉ đom đóm mà còn cả hệ sinh thái động vật hoang dã về đêm như cầy vằn, mèo rừng, tê tê, culi…
Chỉ trong một tháng đầu mở bán, đã có hơn 2.000 du khách tham gia tour, chủ yếu là các nhóm gia đình, nhiếp ảnh gia và các bạn trẻ yêu thiên nhiên.
Giá vé tham quan ban ngày vào Vườn quốc gia Cúc Phương dao động từ 10.000 đến 60.000 đồng. Riêng tour đêm “Ngắm đom đóm và động vật hoang dã” có giá 100.000 đồng cho người lớn, 50.000 đồng cho trẻ em dưới 10 tuổi. Du khách có thể đặt vé online trên website chính thức của vườn hoặc mua trực tiếp tại cổng vào.

Cúc Phương – khu rừng quốc gia lâu đời nhất Việt Nam – không chỉ là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, mà đang dần trở thành biểu tượng của du lịch sinh thái bền vững. Trong bối cảnh ô nhiễm ánh sáng đô thị ngày càng gia tăng, việc được ngắm nhìn ánh sáng tự nhiên từ hàng ngàn sinh vật phát quang như đom đóm trở nên quý giá hơn bao giờ hết.
Nguyễn Hồng Nhật tin rằng, trải nghiệm này không chỉ mang tính thị giác mà còn là sự gột rửa cảm xúc. “Ở thành phố, ánh sáng quá nhiều khiến người ta quên mất vẻ đẹp của bóng tối. Mình nghĩ, ai cũng nên có một đêm không đèn, chỉ có rừng và đom đóm. Khi đó, bạn mới thực sự nhìn thấy thiên nhiên – và cả chính mình – rõ hơn.”