Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Dấu ấn đặc biệt từ chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện trong Lễ hội Sông nước TPHCM 2024

Đại nhạc kịch "Chuyến tàu huyền thoại" tại Lễ hội sông nước thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai huy động 1.000 diễn viên cùng 1.000 drone, bắn pháo hoa tầm thấp ở 3 nơi.

Dấu ấn của lễ hội 

Điểm nhấn của lễ hội tiếp tục là chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” tái hiện câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua ngôn ngữ hoàn toàn mới dưới hình thức của một vở đại nhạc kịch ngoài trời bên sông Sài Gòn. Không gian biểu diễn như một phim trường rộng lớn với hơn 1000 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng. Các kỹ xảo điện ảnh được ứng dụng vào dàn dựng sân khấu, bối cảnh linh hoạt và liên tục thay đổi tạo sự bất ngờ cho người xem. 

202308111014251796-1715222493.jpeg
Nhạc kịch ngoài trời đầy màu sắc tại lễ hội năm ngoái. Ảnh: BTC

Chương trình là câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt đã từng đến và đi trên sông Sài Gòn, là những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của dân tộc, là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy, là chuyến tàu ra khơi mang theo vận mệnh cả dân tộc, là những trận đánh tàu vang dội trên sông, là những chuyến tàu đoàn tụ sau hàng chục năm xa cách, những chuyến tàu đưa thương hiệu Việt đi khắp năm châu… Đó không chỉ là câu chuyện của những chuyến tàu mà còn là hành trình của cả dân tộc, đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại. 

Theo tổng đạo diễn Lê Hải Yến: “Đến với năm 2024 ‘Dòng sông kể chuyện’ sẽ kể những câu chuyện lịch sử cận đại được diễn ra trên dòng chảy này. Dòng sông Sài Gòn cũng chính là dòng sông di sản, dòng chảy thời gian, là nhân chứng lịch sử trước bao thay đổi, biến thiên của thời cuộc, cửa ngỏ kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các châu lục là giao điểm lịch sử của những chuyến tàu đã đến và đi trên dòng sông này. Trong những chuyến tàu ấy, có những chuyến tàu đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại của dân tộc gắn với những dấu mốc đặc biệt”. 

1a4992095a1dfb43a20c-1715222588.jpg
Đạo diễn Hải Yến phát biểu trong họp báo ngày 8/5.

Đạo diễn Hải Yến cho biết vở kịch này sẽ kể về những ghe bầu vượt đại dương được đóng tại một xưởng vào triều Nguyễn (thế kỉ XVIII), về những hạ trình vượt biển Đông gắn với công xưởng Ba Son, di tích đặc biệt của thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng sẽ được phục dựng lại, tái hiện câu chuyện hoạt động cách mạng nổi tiếng của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng. 

“Đặc biệt với thành phố mang tên Bác, vở kịch về hành trình vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước của chàng trai hơn hai mươi sẽ được sân khấu hóa, kể lại với chất liệu nghệ thuật đặc sắc. Chuyến tàu đặc biệt khi Người bước chân lên con tàu Amiral Latouche Tréville vào 5/6/1911 từ bến cảng Nhà Rồng sẽ được phục dựng, kể lại một cách hào hùng, tráng lệ. 

Cùng với với đó là những trận đánh tàu vang dội làm dậy sóng cả một dòng sông, gắn với những câu chuyện đầy cảm xúc của những đặc công, trinh sát. Hay là một chuyến tàu sau giải phóng, chuyến tàu đầu tiên nối liền đường biển hai miền Nam - Bắc, nơi của những người con Nam Bộ sau nhiều năm xa cách được trở về vào 13/7/1945. 

Khi xưa chuyến tàu ra đi mang theo vận mệnh của dân tộc thì hôm nay những con tàu cập bến sẽ mang theo vận hội của quốc gia. Đó là những chuyến tàu hàng hải từ Việt Nam vươn mình ra bốn bể, đưa thương hiệu của người Việt đi khắp năm châu”, đạo diễn Hải Yến thông tin. 

Với sự đầu tư đó ban tổ chức kỳ vọng chương trình sẽ tạo ra xu hướng kết hợp giáo dục, giải trí (edu-tainment), tôn vinh giá trị lịch sử và văn hoá, tự tôn dân tộc trong cộng đồng giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại.

1htbk5b7i-8ri6pk-1715222715.jpg
Đại diện ban tổ chức chủ trì, trả lời những vấn đề liên quan đến lễ hội.

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên đưa vào lễ hội hoạt động bắn pháo hoa nghệ thuật tầm thấp tại ba điểm: khu vực bờ sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức); khu vực cầu cảng Ba Son (phường Bến Nghé, quận 1) và khu vực công viên bờ sông Landmark 81vào khai mạc ngày 31/5. Đồng thời tái hiện chợ nổi miền Tây, tổ chức giải bơi vượt sông mở rộng, giải vô địch ván chèo đứng, trình diễn mô tô nước và sản phẩm du lịch đường thủy theo chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại”.

Các hoạt động thu hút của lễ hội lần thứ nhất tiếp tục được phát triển như diễu hành trên sông, không gian trên bến – dưới thuyền – tuần lễ trái cây, không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực, trang trí ánh sáng nghệ thuật, các chương trình kích cầu du lịch, kích cầu mua sắm và giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Tăng cường liên kết với các tỉnh, thành đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ hướng tới xây dựng lễ hội trở thành sự kiện chung của khu vực Nam Bộ.

Những giá trị được kỳ vọng 

Theo đại diện Sở Du lịch, lễ hội năm nay mong muốn thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước trong thời gian diễn ra lễ hội, góp phần tăng trưởng ngành du lịch của thành phố. Tạo cơ hội kinh doanh cho ngành du lịch, dịch vụ và thương mại, tăng cường thu nhập cho cộng đồng địa phương. Kích cầu mua sắm thông qua các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. 

2e597100bf141e4a4705-1715222715.jpg
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM phát biểu trong họp báo. 

Tạo ra giá trị bản sắc độc đáo riêng vốn có của một “đô thị sông nước” thành phố Hồ Chí Minh. Khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Giáo dục truyền thống và lịch sử ngàn đời của cha ông. Đem lại nguồn cảm hứng khám phá trải nghiệm cho người dân và du khách về điểm đến thành phố, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần định vị thương hiệu du lịch của thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị sông nước giàu bản sắc, đa văn hóa - một thành phố của lễ hội. Qua đó quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, bản sắc văn hoá, hoạt động du lịch và ẩm thực đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng hình ảnh sông Sài Gòn là biểu tượng văn hóa của thành phố và khai thác tối ưu giá trị hệ thống sông ngòi, kênh rạch thành phố với nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn, mới lạ.

Bài, ảnh: Y Thanh