Vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn trong Lễ hội Sông nước

Lễ hội sông nước thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức với quy mô quốc tế diễn ra trong vòng 10 ngày từ 31/5 đến 9/6 với những hoạt động mang tầm quốc tế cùng chuỗi sự kiện đa dạng, đặc sắc.

Lễ hội gồm 22 hoạt động về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí, ẩm thực, thương mại, dịch vụ… được tổ chức một cách đồng bộ theo một concept chủ đề xuyên suốt, trải dài từ khu vực trung tâm đến các quận, huyện trong khắp địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. 

Chương trình nghệ thuật khai mạc diễn ra vào đêm 31/5 tại khu cảng Nhà Rồng (Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh). Tại đêm khai mạc, vở đại nhạc kịch ngoài trời "Chuyến tàu huyền thoại" lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn. Không gian biểu diễn được dàn dựng như một phim trường rộng lớn, bối cảnh liên tục thay đổi tạo sự bất ngờ cho người xem. 

202308111015561838-1714103436.jpeg
Tiếc mục biểu diễn đặc sắc tại Lễ hội Sông nước năm ngoái.

Vở kịch còn ứng dụng những kỹ xảo điện ảnh vào dàn dựng sân khấu, quy tụ hơn 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng. Tạo ra xu hướng edu-tainment, tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa, tự tôn dân tộc trong cộng đồng giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại. 

Vở kịch là câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt đã từng đến và đi trên sông Sài Gòn. Là những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của non sông, là hành trình của cả dân tộc đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại. Tất cả sẽ được tái hiện một cách sống động qua những ký ức thời gian trong chương trình nghệ thuật đêm khai mạc. 

Sau đêm khai mạc, lễ hội có các chuỗi hoạt động đặc sắc khác, bao gồm:  

Giải Vô địch bơi vượt sông mở rộng thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 2/6 tại bến Bạch Đằng.  

Giải vô địch ván chèo đứng (SUP) thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ nhất năm 2024 diễn ra vào ngày 2/6 tại kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, quận Bình Thạnh.

Các hoạt động thể thao dưới nước khác diễn ra từ ngày 3 đến ngày 6/6 tại bến Ngôi Sao Việt, quận 7. 

Các tiết mục trình diễn thuyền buồm, mô tô nước, thuyền sailing, ván chèo đứng (SUP), dù lượn diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/6 tại bến Bạch Đằng.

298ef92eee7a07245e6b-1714103683.jpg
Màn trình diễn tại Lễ hội Sông nước lần 1.

Không gian trên bến dưới thuyền diễn ra từ ngày 1 đến ngày 9/6 tại kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè. Nơi đây không chỉ tái hiện hoạt động chợ nổi, sinh hoạt gắn liền với miền Tây sông nước mà còn giúp du khách đến với những trải nghiệm mua sắm trái cây trên chợ nổi cùng các hoạt động diễn xướng dân gian truyền thống. 

Tuần lễ trái cây Trên bến dưới thuyền diễn ra từ ngày 4 đến ngày 10/6 tại khu vực dọc bờ kè tuyến đường bến Bình Đông (quận 8). Nơi đây sẽ tổ chức các xe hàng trưng bày mua bán trái cây của các nhà vườn từ miền Tây sông nước, trải nghiệm nét văn hóa trên bến dưới thuyền và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian. 

Hoạt động diễu hành trên sông nước diễn ra từ 21h30 đến 22 giờ ngày 31/5; 20 giờ đến 20h30 ngày 1-2/6; 20 giờ đến 20h30 ngày 7- 9/6.

Phát triển sản phẩm trải nghiệm nhập vai tương tác theo chủ đề lễ hội từ ngày 1-9/6 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tại đây sẽ bố trí không gian nghệ thuật visual art bằng công nghệ trình chiếu 3D mapping trong không gian các công trình kiến trúc.

Không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian diễn ra lúc 18 giờ đến 21 giờ ngày 31/5, và các ngày 1, 6, 7 và 8/6 tại công viên Bến Bạch Đằng. Tổ chức không gian văn hóa các loại hình nghệ thuật di sản văn hóa dân tộc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể và tổ chức các trò chơi dân gian. 

Bên cạnh đó, lễ hội cũng có các không gian trang trí ánh sáng, triển lãm, mô hình tiểu cảnh tại bến Bạch Đằng, công viên bờ sông Sài Gòn, di tích Cột cờ Thủ Ngữ. 

screenshot-82-1714103727.png
 

Lễ hội Sông nước lần 2 có hoạt động liên kết với các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Kết hợp tổ chức các sự kiện hoạt động tại các tỉnh thành nhằm quảng bá đặc trưng sông nước và thế mạnh tài nguyên du lịch của địa phương theo ba cụm: Du lịch gắn với sông nước gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long;  Du lịch gắn với văn hóa chợ nổi gồm Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp; Du lịch gắn với văn hóa các dân tộc gồm Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Tổ chức khảo sát và tọa đàm đánh giá các chương trình du lịch đường thủy liên kết từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành và ngược lại. Phối hợp cùng doanh nghiệp phát triển tuyến du lịch đường thủy mới và tiếp tục hoàn thiện các tuyến đã khai thác hiệu quả hệ thống sông ngòi vùng Nam Bộ.

Y Thanh