Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cùng tìm hiểu sự khác nhau của mâm cỗ ngày Tết của 3 miền

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, nhà nhà lại tất bật chuẩn bị mâm ngũ quả và nhiều món ngon để cúng Tết. Những mâm cỗ này chứa đựng những giá trị truyền thống và ý nghĩa thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Cùng Vietnamtraveller tìm hiểu những món ăn thường có trên mâm cỗ ngày Tết ở 3 miền nhé.


Ảnh minh họa.

Ý nghĩa mâm cỗ ngày Tết

Mâm cỗ ngày Tết là một trong những nét văn hóa độc đáo và lâu đời của người Việt. Tết cổ truyền tượng trưng cho sự khởi đầu của một năm mới, ước mong một cuộc sống ấm no. Tùy thuộc vào hoàn cảnh nhưng người người vẫn cố sắm sửa mâm cỗ Tết đầy đủ để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu mạnh khỏe,  gia đình làm ăn phát đạt. 

Ý nghĩa mâm cơm cúng ngày Tết Cổ Truyền các vùng miền Việt Nam -  Goodtaste.vnẢnh minh họa.

Mâm cỗ miền Bắc

Miền Bắc chú trọng chi tiết, tuân theo các nguyên tắc trong việc sắp xếp mâm cỗ. Vì thế, theo phong tục của người miền Bắc, mâm cơm phải có 4 bát và 4 đĩa đối với nhà nhỏ, 6 bát và 6 đĩa hoặc 8 bát và 8 đĩa đối với nhà có điều kiện mới là mâm cỗ cúng tất niên.  Nhưng dù với số lượng thế nào thì luôn phải có những món ăn sau: thịt gà, thịt heo, bánh chưng, giò lợn, giò thủ, nem rán, canh măng, dưa hành. Ngoài ra, các gia đình miền Bắc thường thêm một đĩa xôi gấc với mong muốn cả năm luôn may mắn, hạnh phúc tràn đầy.
Và câu đối dân gian “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” cũng từ đây mà ra đời. 

Tuy nhiên, theo quan niệm miền Bắc sẽ kiêng sát sinh vào dịp đầu năm mới nên các món ăn thường sẽ được chuẩn bị trước. 


Mâm cỗ miền Bắc. Ảnh: Pinterest.

Mâm cỗ miền Trung 

Miền Trung với khí hậu khắc nghiệt nên ​​văn hóa ẩm thực cũng sẽ khác, theo tinh thần tiết kiệm,  đùm bọc, sẻ chia của người miền Trung,  thể hiện qua việc sắp xếp trong một những chiếc đĩa nhỏ và sắp xếp trên mâm tròn. Mâm cỗ ngày Tết cũng luôn được nhà nhà chuẩn bị kỹ lưỡng, trong mâm cơm không thể thiếu những món đặc trưng của miền Trung như:  Nem lụi, bò nướng gà quay, lợn quay, thịt nạc rim, và không thể thiếu bánh chưng.

Mâm cỗ miền Trung được sắp xếp trên mâm tròn.  Ảnh: Internet. 

Mâm cỗ miền Nam

Miền Nam với bản tính phóng khoáng, không thích sự phức tạp, cầu kỳ như các miền khác. Ngoài ra, do khí hậu nhiệt đới, không có mùa đông nên các món ăn ngày Tết của người miền Nam ưa chuộng là món nguội. Có thể kể đến một số món ăn phổ biến trên mâm cơm ngày Tết của người dân Nam Bộ như sau: Bánh tét kèm với củ cải ngâm nước mắm, canh măng nấu, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, thịt heo luộc,  dưa giá và không thể không có củ kiệu.


Mâm cỗ miền Nam với những món đặc trưng. Ảnh: Pinterest. 

Mâm cỗ Tết của cả 3 miền tuy có nhiều điểm khác nhau trong  món ăn, cách bày trí và những nguyên tắc, ý nghĩa đằng sau nhưng dù thế nào  thì những mâm cỗ này đều thể hiện những giá trị thiêng liêng, sâu sắc của  văn hóa Việt Nam.

Tâm Nhi (t/h)