Cùng tìm hiểu phong tục ngày vía thần tài mùng 10 tháng Giêng hàng năm

Hàng năm vào mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, nhiều người thường hay đi mua vàng theo phong tục là "vía thần tài" vì cho rằng như vậy sẽ mang lại nhiều tài lộc, may mắn trong công việc làm ăn của năm m vậy phong tục ấy bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa thế nào. Hôm nay hãy cùng tìm hiểu phong tục này qua bài viết nhé.

than-tai-1673947457.jpg Ảnh: báo Người Lao Động

Có khá nhiều điển tích kể về phong tục "vía Thần Tài" vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, qua sưu tầm và tìm hiểu thì được biết với câu chuyện sau: 
Chuyện kể rằng dưới trần gian không có Thần Tài, chỉ có Thần Tài trên trời, vị Thần cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì, sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng cải lương thì lấy làm lạ và tưởng bị điên. Mọi người cũng lột hết sạch quần áo mũ nón của Thần Tài đem bán, Thần Tài tỉnh dậy không có quần áo trên người và cùng do bị va đầu vào đá nên không nhớ mình là ai.

 Thần Tài không biết làm việc dưới trần gian nên thường đi lang thang xin ăn khắp nơi. Có cửa hàng nhà kia kinh doanh buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm, thấy Thần Tài đến ăn xin thì mời vào ăn. Thần Tài ăn rất nhiều và rất thích ăn heo vịt quay, kỳ lạ thay từ lúc Thần Tài vào ăn thì khách ăn khác kéo đến nườm nượp, người bán hàng thấy vậy nên ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn. Khách hàng ở quán đối diện trước nay rất đông khách bỗng dưng khách hàng chuyển hết qua quán bên này ăn.

Được một thời gian người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày ăn uống đồ ăn ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi, lang thang không tắm giặt. Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn cho người ăn mày nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi. Quán đối diện ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy vậy thì liền mời Thần Tài vào ăn, kỳ lạ thay mọi người lại ùn ùn kéo đến ăn rất đông. Mọi người thấy vậy nên ai cũng giành mời cho bằng được Thần Tài đến hàng quán của mình ăn để khách đến đông, vậy nên mới có câu "Thần Tài gõ cửa".

Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua quần áo, mọi người dẫn Thần Tài đến cửa hàng nơi quần áo ông bị bán, sau khi mặc quần áo mũ nón vào thì Thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời. Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và lập bàn thờ, tôn thờ từ đó, hóa thân Thần Tài là một người lang thang ăn xin quần áo rách rưới. Ngày Thần Tài bay về trời là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.

than-tai-4-1673947661.jpg Ảnh: Internet

Chính vì vậy, vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân thường đi mua vàng với mục đích cầu tài lộc và tin rằng mua vàng trong ngày này sẽ mang lại sự may mắn hanh thông trong việc làm ăn buôn bán. 

Và bên cạnh việc đi mua vàng thì người dân sẽ làm một mâm cúng để cúng Thần Tài. Thông thường vào mùng 10 tháng Giêng ngoài các lễ vật gia chủ chuẩn bị theo ý thì sẽ có có thêm mâm cúng "tam sên" (gọi vậy bởi vì có bố trí 3 món trên mâm cúng gồm: 1 miếng thịt lợn luộc, trứng luộc và tôm hoặc cua luộc)-nhằm cầu mong sự phù hộ cho bản thân và gia đình trong năm mới được sung túc, công việc làm ăn phát đạt, thành công.

Sự tích về Thần Tài dần đã trở thành một tín ngưỡng dân gian, phong tục thể hiện sự mưu cầu thành công trong công việc làm ăn của người dân, nhất là những người làm công việc kinh doanh buôn bán, vậy nên cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, nhiều gia đình, đặc biệt là những người làm kinh doanh lại kéo nhau đi mua vàng và sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài nhằm cầu xin làm ăn thuận lợi, phát đạt, thịnh vượng về tài lộc, thuận buồm xuôi gió cả năm.