Chị Bùi Thị Dung đã khám phá nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam và các quốc gia khác nhau. Đầu năm nay, chị Dung có chuyến đi đặc biệt ý nghĩa khi cùng bố mẹ khám phá Ấn Độ trong vòng 10 ngày.
Bố mẹ chị Dung là ông Bùi Duy Thu và bà Hoàng Thị The, năm nay hơn 60 tuổi, đã đi du lịch nhiều nơi, cả trong và ngoài nước. Tháng 10/2023, ông bà có chuyến đi Đức thăm có gái út 1 tháng. Sau đó sang Pháp và Ý chơi.
Với mong muốn được cùng bố mẹ có những trải nghiệm thú vị, chị Dung và ông xã lên kế hoạch đưa ông bà đi Ấn Độ. Theo đó, chồng chị Dung là người khởi xướng chuyến đi này. Năm 2018, anh đã đưa ông bà nội đi Ấn Độ 15 ngày.
Khi biết đến thông tin sư Tuệ Dũng – trụ trì chùa Tứ Phương Tăng (Bình Phước) tổ chức cho Phật tử Việt Nam đi hành hương về miền đất Phật, anh đã đặt vé cho vợ, bố mẹ vợ và em gái đi. "Chuyến đi này với ý nghĩa báo hiếu, đưa bố mẹ quy y rồi hướng bố mẹ hiểu sâu về Đạo Phật. Bố mẹ mình biết trước chuyến đi này từ năm ngoái. Mình báo để bố mẹ chuẩn bị tinh thần sức khỏe. Ban đầu mình thấy bố mẹ không hào hứng lắm nhưng sau chuyến đi thấy bố mẹ gặt hái được nhiều lợi lạc chị vui lắm", chị nói.
Chuyến đi của chị Dung cùng bố mẹ bắt đầu từ 14-24/2/2024 (tức mùng 5 Tết đến rằm tháng Giêng). Mọi người phải di chuyển từ Hà Nội vào TP HCM, sau đó nhập đoàn và bay sang Ấn Độ.
Để chuyến đi được trọn vẹn, ông xã chị Dung đã cẩn thận lưu ý vợ đến những điểm quan trọng, đó chính là Tứ Thánh Tích Phật Giáo - Tứ động tâm: Phật tích Đản Sanh - Vườn Lumbini; Phật tích Thành Đạo - Cội cây Bồ - Đề tại Đạo Tràng Bodhigayā; Phật Tích Chuyển Pháp Luân - Rừng Isipatana ở vườn nai Migadāya, gần thành Bārāṇasi; Phật Tích Niết Bàn - Rừng cây Sāla của bộ tộc Mallā gần thành Kusinārā.
Theo chị Dung, đây là bốn điểm đáng đến chiêm ngưỡng đối với những người có lòng tin vào Tam bảo và lòng tự tín.
Ngoài 4 thánh tích này, đoàn còn ghé thăm các địa điểm khác cũng rất nổi tiếng của Ấn Độ. Trong đó chị Dung ấn tượng với chùa Kỳ Viên, nơi có cây bồ đề, 1 nhánh nhỏ của cây bồ đề thời Đức Phật còn hiện tiền được chiết ra trồng ở đây, cây bồ đề ở chùa Một Cột (Hà Nội) cũng là 1 nhánh của cây bồ đề từ thời Đức Phật hiện tiền được chiết về trồng. Thăm quê hương thành Ca tì la vệ, trụ đá Asoka, tháp Chà Tì, thăm núi Linh Thứ, Khổ Hạnh Lâm, chùa Trúc Lâm, chùa Đại Lộc...
Nói đến Ấn Độ là phải nói đến sông Hằng huyền thoại nên ngày cuối cùng, đoàn đón bình minh trên sông Hằng. Tại đây chị Dung cùng bố mẹ có trải nghiệm thả chim hải âu, đốt nến hoa đăng và cho chim ăn.
Sau chuyến đi này, chị Dung mong rằng dù là ai, người biết hay chưa biết đến Phật pháp, hãy cố gắng đến Ấn Độ một lần vì đây là mảnh đất tâm linh, là nguồn gốc của Phật giáo: "4 thánh tích hay còn gọi là Tứ động tâm đều là tứ động tâm mà các vị Phật quá khứ, hiện tại hay vị lai đều đản sinh, thành đạo, thuyết pháp và nhập Niết Bàn ở một nơi đó", chị bày tỏ.
Chia sẻ về kinh nghiệm Ấn Độ, chị Dung khuyên mọi người cần chuẩn bị giấy tờ, hộ chiếu phải còn hạn sử dụng ít nhất là 1 tháng và tài chính tầm 35 triệu đồng/người. Ngoài ra chị mang thêm ít tiền mặt để mua hoa, nến cùng dường, mua quà cho người thân.
Đồ dùng mang theo nên mua thêm ít bánh kẹo, đồ ăn Việt Nam và men tiêu hóa, thuốc cảm ho đau đầu đề phòng không ăn được đồ Ấn Độ vì thức ăn bên ấy chủ yếu là cà ri: "May mắn bố mẹ mình ăn được đồ Ấn, đoàn cũng đặt đồ ăn riêng nên thức ăn khá giống của Việt Nam, chủ yếu bên Ấn ăn rau củ quả xào, luộc, hầm, chè, kem và hoa quả. Chỉ có 1 món mặn là gà và cá rán hoặc hầm, nói chung rất ngon, hoa quả, kem và chè Ấn vô cùng ngon, sang Ấn Độ có món cháo sữa rất đáng thử nhé", chị Bùi Dung bày tỏ.
Thêm một lưu ý nhỏ cho du khách khi đến Ấn Độ đó là nên đi chân đất, bỏ nón khi đi vào thăm các Thánh Tích. Đi nhiễu Phật quanh các Thánh Tích thì hãy đi theo chiều chiều kim đồng hồ để thể hiện sự tôn kính.