Chuyên gia: "Du lịch miền Tây muốn phát triển phải dựa vào sông nước"

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, người dành hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu văn hóa của miền Tây sông nước.

Nhâm Hùng là một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng, người đã dành cả cuộc đời mình để bảo tồn và phát triển văn hóa chợ nổi ở miền Tây, một trong những nét đặc trưng độc đáo của vùng đất này. Với niềm đam mê mãnh liệt và kiến thức sâu rộng về đời sống vùng sông nước, ông đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc của văn hóa miền Tây qua các công trình, bài viết và các hoạt động tư vấn cho chính quyền địa phương. Mới đây, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng có cuộc chia sẻ thú vị với phóng viên Tạp chí Vietnam Travel xoay doanh chủ đề về du lịch miền Tây Nam bộ.

fad509746602c15c9813-1724904640.jpg
Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng (bên phải) và nhà tư vấn du lịch ĐBSSCL Phan Đình Huê (bên trái).

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch miền Tây hiện nay? 

Du lịch miền Tây hiện nay đang trên đà phát triển có nhiều sự nỗ lực cố gắng. Tuy nhiên, nếu nói để đáp ứng được trào lưu mới và tốc độ phát triển kinh tế nói chung đang còn chưa tốt, đang dừng lại ở chỗ các sản phẩm du lịch trùng lặp. Du khách các nơi đòi hỏi sản phẩm mới. Ngoài chợ nổi, ngoài các khu du lịch sinh thái miệt vườn, những đặc trưng như điện gió Bạc Liêu, vuông tôm, đất mũi Cà Mau thì du khách đòi hỏi phải có khu du lịch quy mô có tầm vóc của vùng đồng bằng. 

Khu du lịch quy mô có tầm vóc đồng bằng bây giờ chỉ có Mũi Cánh của Cần Thơ. Trong tương lai cần nhiều cố gắng, nỗ lực, đặc biệt là cần có đầu tư. Hiện giờ thiếu đầu tư cho hạ tầng du lịch, đầu tư khu điểm du lịch, đầu tư sản phẩm du lịch. 

fade1bba3ed4998ac0c5-1724904641.jpg
Chợ nổi Cái Răng hiện là điểm du lịch nổi bật tại miền Tây. 

Ông đánh giá thế nào về việc kết hợp du lịch với sự kiện lễ hội ở các tỉnh miền Tây hiện nay?

Hiện giờ đang nở rộ lễ hội gắn với du lịch là những nỗ lực đáng khen. Nhưng việc này cũng đang nhọc nhằn, đang dừng lại ở chỗ các lễ hội thiên về bán sản phẩm, thiên về kinh tế. 

Những lễ hội trái cây, lễ hội cá, lễ hội hoa rất nhiều nhưng chúng ta làm sao để có được một lễ hội ví dụ như Lễ hội Sông nước xứng tầm của đồng bằng thì chưa có. Còn lễ hội hoa, lễ hội trái cây các tỉnh đã làm rất nhiều năm nay. Và cũng không nên thiên quá nhiều về các sản phẩm kinh tế mà nên có những sản phẩm du lịch đặc trưng. 

Tất nhiên sản phẩm kinh tế, sản phẩm văn hóa là tài nguyên của du lịch nhưng chúng ta phải có sự cải biến, nâng cao chất lượng lên và sáng tạo. Hiện giờ đang thiếu vắng bàn tay, khối óc sáng tạo.  

befunky-collage-20-1-1703355634-1724905039.jpg
Theo nhà nghiên cứu các lễ lội miền Tây đang thiên về buôn bán sản phẩm.

Để phát triển du lịch cộng đồng của miền Tây hiện nay, ông có đề xuất gì không? 

Du lịch cộng đồng là điều đáng hoan nghênh nhưng hiện giờ vấn đề đặt ra là phương pháp làm du lịch cộng đồng và ai chịu làm du lịch cộng đồng. 

Về làm du lịch cộng đồng nông nghiệp thì làm cách nào để thuyết phục nông dân cùng hợp tác, chung sức. Trong một xã, một ấp phải có hàng chục hộ gia đình cùng đoàn kết, góp sức lại làm du lịch cộng đồng. Mỗi nhà, mỗi hộ phải có sản phẩm riêng. 

Vấn đề hiện nay là thiếu vắng người làm chỉ huy trưởng, làm nhạc trưởng. Phải có người tạo được lòng tin nơi bà con nông dân, tập hợp người dân được để làm du lịch cộng đồng. Hiện giờ việc này đang khó khăn. Bây giờ bài toán du lịch cộng đồng tại miền Tây đang rất khó và chưa có lời giải.  

Ở Cần Thơ có khu du lịch Cồn Sơn là khu du lịch cộng đồng điển hình, tiêu biểu nhưng hiện giờ nó cũng đang dừng lại ở khởi điểm, muốn phát triển hơn nữa thì chưa thấy. 

7401d9f1d2b375ed2ca2-1724904640.jpg
Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng trong chuyến famtrip về Hậu Giang.

Những xu hướng du lịch mới nào ông cho rằng sẽ ảnh hưởng du lịch miền Tây trong tương lai, thưa ông? 

Du lịch mới nào muốn phát triển thì cũng dựa trên du lịch sông nước. Tất cả mọi sự chế biến, đầu tư không thoát khỏi bản sắc văn hóa bản địa chung, văn hóa sông nước của miền Tây.  

Văn hóa sông nước bao trùm văn hóa sản xuất, văn hóa vườn, văn hóa cộng đồng, văn hóa miệt rẫy, văn hóa nghệ thuật, văn minh kinh sáng, văn hóa đời sống. Làm cách nào để chúng ta có thể kết hợp, tổng hợp nó lại để chúng ta xem xét cái nào đặc trưng nhất để có hướng đi riêng. Tôi nghĩ rằng mỗi tỉnh nếu nghiên cứu, chắc lọc chắc chắn sẽ có hướng đi riêng. 

Ví dụ Cà Mau có vuông tôm, vuông cua gắn với đất Mũi, có rừng đước, rừng U Minh riêng biệt. Kiên Giang thì có U Minh Thượng, rừng tràm và biển. Những nơi đó đã có đặc trưng riêng và thu hút du lịch nhiều năm nay. Còn ở An Giang thì du lịch thiên về tâm linh. Nơi khác ví dụ như Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre vẫn chưa thoát khỏi mô típ du lịch vườn. Tất nhiên, vườn là một sản phẩm, tài nguyên đặc trưng của du lịch sông nước nhưng phải nâng tầm nó lên. Ví dụ như Đồng Tháp nghiêng về sản phẩm xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, làng hoa Sa Đéc. Trên sông Tiền và sông Hậu có hàng trăm cái cồn nhưng mà việc khai thác du lịch vẫn chưa được nhiều.

Cảm ơn ông đã dành cho Vietnam Travel những chia sẻ thú vị!

Bài, ảnh: Y Thanh