Cần cẩn trọng trước những chiêu trò mua tour du lịch giá rẻ nở rộ!

Thời điểm cuối năm là dịp nhiều người mong muốn có những chuyến du lịch thú vị cùng người thân và bạn bè. Đó cũng là lúc các đối tượng tung chiêu trò lừa đảo khách hàng nhẹ dạ cả tin.

Đối tượng lừa đảo dùng nhiều hình thức quảng cáo trên mạng xã hội như nhái tên thương hiệu, màu sắc để chào bán tour chương trình du lịch đi Nhật với mức giá “ảo” 6.999.000 VNĐ/người/hành trình 6 ngày. Hậu quả là khách hàng bị trang giả mạo chiếm đoạt tiền cọc, dụ dỗ áp dụng khuyến mãi rẻ để mua kèm sản phẩm đất nông nghiệp ở xa cho du khách. 

Đối tượng xấu mạo danh các doanh nghiệp để liên lạc chào mời người dân vào nhóm chat mạng xã hội và Telegram để làm nhiệm vụ nhấn like quảng cáo được thưởng tiền từ 50.000 VNĐ và tăng dần lên đến hàng trăm triệu, theo số lượng nhiệm vụ like quảng cáo liên tiếp. 

mao-danh-ban-tour-gia-ao-2-1699542768.png

Trong bối cảnh phục hồi du lịch sau dịch thì vấn đề này sẽ tác động xấu đến tâm lý thị trường, ảnh hưởng sâu sắc đến các nỗ lực phục hồi kinh doanh ngành du lịch nói riêng và thị trường kinh tế chung.

5 phương thức thống kê lừa đảo mùa du lịch

Công an đưa ra cảnh báo khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên lĩnh vực du lịch. Cơ quan công an thống kê có năm phương thức lừa đảo mùa du lịch phổ biến người dân dễ bị "sập bẫy".

Cụ thể, nhóm người lừa đảo sẽ đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% rồi chiếm đoạt. Một hình thức khác, nghi can lừa đảo sẽ đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài, cam kết tỉ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.

Với thủ đoạn tinh vi hơn, nhóm lừa đảo sẽ làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch thì nghi can sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

3579-1699543220.jpg

Đáng chú ý, hình thức lừa đảo mới xuất hiện là tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người bị giả mạo) để tạo lòng tin với nạn nhân. Cụ thể, tội phạm sẽ làm giả hoặc chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.

Thêm một phương thức nữa là nhóm lừa đảo mạo danh tổ chức ngoại giao, đại lý vé máy bay…., tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các trang chính thống hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.  

mao-danh-ban-tour-ao-1-1699542848.png

Người dân cần thận trọng việc đặt cọc dịch vụ du lịch

Chính vì thế, du khách khi tìm kiếm hoặc đăng ký các sản phẩm du lịch nên tìm hiểu kỹ chương trình, dịch vụ tour bao gồm hay không bao gồm gì sau đó lựa chọn đặt Tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín; có thể đề nghị phía công ty cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ… của công ty lữ hành, du lịch.

Đặc biệt, thận trọng với yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp tại trụ sở văn phòng công ty và đặc biệt cảnh giác với những lời hẹn thu tiền tại các điểm nhà hàng, quán cafe trong trường hợp đó du khách có thể liên lạc các số điện thoại của chính các công ty trên để xác minh.

Ngoài ra, khách hàng cần lưu ý xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an để được hướng dẫn giải quyết.


 

Ngân Trần