Các tỉnh miền Trung triển khai biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp mạnh thành bão số 4

Trước thông tin áp thấp nhiệt đới có thể sẽ mạnh lên thành bão số 4, khả năng cao nhất sẽ di chuyển vào khu vực biển từ Thanh Hóa - đến Quảng Nam, các tỉnh miền Trung đã tức tốc đưa ra các phương án ứng phó kịp thời.

Theo bản tin hồi 1h trưa ngày 17/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở 17 độ Vĩ Bắc - 122 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 6km/h), giật cấp 9, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15 km/h.

Dự báo đến 1h ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây Tây Nam, tốc độ khoảng 25 km/h và mạnh lên thành bão (bão số 4) trên khu vực Bắc Biển Đông, cách Hoàng Sa khoảng 420km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, mức độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trong những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km, di chuyển vào Biển Đông và mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2024. 

Các chuyên gia nhận định, khả năng cao nhất bão di chuyển vào khu vực biển từ Thanh Hóa - đến Quảng Nam (chiếm khoảng 70%); khả năng di chuyển hẳn lên khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ và có khả năng di chuyển xuống khu vực biển Nam Trung Bộ, nhưng xác suất thấp (dưới 15%).

anh-chup-man-hinh-2024-09-17-luc-070031-1726531244777-1726563957.png
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão số 4, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố tập trung ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn.

Cụ thể, trong công điện nêu rõ các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

z3750629586035351a176819b9a5b89f39995785647b11-1664154177060375373108-1726564371.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; thông báo cho tàu thuyền còn trên biển biết hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Baochinhphu.

Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu UBND huyện Sơn Hà nói riêng và các huyện miền núi của tỉnh, các địa phương có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cũng như người dân vào công tác phòng, chống thiên tai. 

Đồng thời theo dõi sát sao tình hình, kịp thời nắm thông tin cảnh báo, chủ động triển khai các phương án phòng, chống lụt bão, lũ, sạt lở đất đá khi có mưa lũ xảy ra. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác, phòng tránh thiên tai; kịp thời di dời người dân ra khỏi các nơi có nguy cơ sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cũng như giảm thiểu tối đa thiệt hại khi bão đến.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu lãnh đạo các huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt, bão và ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng đô thị trên địa bàn, kịp thời cập nhật tình hình thời tiết để có chỉ đạo phù hợp.

lulut-1721566659499-1725542329775279086092-1726564650.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu lãnh đạo các huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm thực hiện công tác phòng chống lụt, bão và ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng. Ảnh: Baochinhphu

Tại Bình Định, trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. UBND tỉnh đã xác định các địa phương như An Lão, Vĩnh Thạnh, hay một số khu vực cao ở TP. Quy Nhơn và huyện Phù Cát là những điểm nhạy cảm phải được giám sát đặc biệt. Để đối phó, các phương án di dời dân cư đã được thiết lập rõ ràng, từ sơ tán khẩn cấp đến chuyển dân về nơi an toàn ngay khi có cảnh báo gió bão, lũ lụt.

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình trên đất liền, tỉnh Bình Định cũng đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phương tiện đánh bắt trên biển. Khi có thông báo mới nhất về bão hoặc áp thấp nhiệt đới, lực lượng sẽ ngay lập tức thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng để họ chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc quay về các cảng gần nhất. 

Ngoài các tàu cá, vấn đề neo đậu an toàn cho các tàu hàng tại Cảng Quy Nhơn cũng được chú trọng. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã chuẩn bị phương án sắp xếp các tàu neo đậu phù hợp trước 24 giờ khi bão đến, đồng thời phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II và IV, cùng các cơ quan liên quan để sẵn sàng cứu nạn trong trường hợp cần thiết.

Anh Thư (t/h)